Mong đợi tại COP-28
(QNO) - Sau một năm nhiệt độ toàn cầu nóng kỷ lục, lũ lụt chết người và cháy rừng tàn khốc, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE) đón tiếp các nhà lãnh đạo thế giới nhằm có giải pháp ngăn chặn thảm họa khí hậu.
Tài trợ khí hậu
Hôm nay 30/11, Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (BĐKH) - COP-28 khai mạc tại Dubai thuộc UAE.
COP-28 sẽ tập trung nhiều vấn đề bao gồm tài trợ khí hậu, củng cố cam kết cắt giảm khí thải và loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch.
Tại COP-27 diễn ra năm ngoái ở Ai Cập, các nhà đàm phán khí hậu từ 200 quốc gia nhất trí thành lập Quỹ tổn thất và thiệt hại, giúp các quốc gia dễ bị tổn thương đối phó với các thảm họa do BĐKH gây ra.
Đây là điều mà các quốc gia giàu có vốn gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới trước đó phản đối vì lo ngại sẽ phải gánh khoản tiền khổng lồ. Một nghiên cứu năm 2018 ước tính BĐKH có thể khiến các quốc gia dễ bị tổn thương thiệt hại từ 290 - 580 tỷ USD vào năm 2030.
Ông Harjeet Singh của Mạng lưới hành động vì khí hậu (CAN) có trụ sở tại Bonn (Đức) nói: "Ai chịu trách nhiệm nhiều nhất, chính các nước giàu thải gần 80% lượng khí thải nhà kính vào khí quyển, nguyên nhân gây ra khủng hoảng khí hậu".
Các đại biểu ở Dubai sẽ phải đồng ý về những vấn đề khó khăn hơn như: quốc gia nào có thể tiếp cận Quỹ tổn thất và thiệt hại, ai sẽ trả bao nhiêu vào quỹ và quỹ sẽ được quản lý như thế nào?
Theo dõi cam kết về khí hậu
Năm 2015, gần 200 chính phủ ký Thỏa thuận Paris lịch sử mang tính ràng buộc về mặt pháp lý với mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức dưới 2 độ C so với thời tiền công nghiệp. Đến nay, nhiệt độ trung bình tăng 1,2 độ C, dự kiến năm 2023 sẽ là năm nóng nhất từng được ghi nhận.
Năm nay, COP sẽ chứng kiến đợt "kiểm kê toàn cầu" lần đầu tiên hoặc đánh giá tiến bộ của mỗi quốc gia trong việc cắt giảm khí thải, đáp ứng cam kết.
Ông Harjeet Singh nói: "Đó là về việc xem xét những gì đã đạt được, những khoảng trống ở đâu và những gì cần phải làm hơn nữa".
Thực tế, quá trình kiểm kê bắt đầu vào năm 2021 gồm thu thập và phân tích dữ liệu về kế hoạch hành động về khí hậu, cắt giảm khí thải và nỗ lực thích ứng của chính phủ.
Tuy nhiên, tháng 9 vừa qua, Liên hiệp quốc đưa ra lời cảnh báo nghiêm khắc đối với hành tinh và các đại biểu COP, rằng các quốc gia đang đi chệch hướng và khung thời gian còn lại để đảm bảo một hành tinh có thể sống được đang nhanh chóng khép lại.
Tại COP-28, các chính phủ và doanh nghiệp sẽ phải nỗ lực để thực hiện khử các bon nhanh chóng.
Loại bỏ nhiên liệu hóa thạch
Dù biết rằng các hành động thúc đẩy BĐKH từ việc đốt than, dầu và khí đốt, nhiều nước vẫn chưa có ý định dừng lại.
Liên hiệp quốc cho biết các quốc gia dầu khí đang lên kế hoạch mở rộng quy mô lớn khiến tương lai của nhân loại bị đặt dấu hỏi, lượng than bị đốt tiếp tục tăng ngay cả sau khi cam kết.
Ngay tại COP-26 ở Glasgow (Vương quốc Anh) năm 2021, các chính phủ chỉ đồng ý giảm dần than đá.
Một số nhà vận động lạc quan rằng các khuyến nghị mới trong báo cáo kiểm kê toàn cầu tháng 9/2023 sẽ đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự COP-28.
Ông Harjeet Singh nói: "Mọi người sẽ bắt đầu đặt câu hỏi tại sao chúng ta vẫn gặp nhau nếu không thể đạt được thỏa thuận về vấn đề mà chúng ta đang cố gắng giải quyết". Nhưng vì tiếng kêu cứu của hành tinh, COP-28 được mong đợi, dù ít nhiều, sẽ thúc đẩy hành động vì một tương lai tươi đẹp hơn.