Người chăn nuôi kỳ vọng vụ tết

NGUYỄN QUANG 01/12/2023 13:30

Chi phí đầu vào tăng cao, dịch bệnh rình rập, người chăn nuôi gia súc, gia cầm đối diện nhiều khó khăn nhưng vẫn nỗ lực đầu tư lớn cho vụ tết.

Vượt qua nhiều khó khăn, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chuẩn bị sẵn sàng cho vụ tết. Ảnh: Q.VIỆT
Vượt qua nhiều khó khăn, người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chuẩn bị sẵn sàng cho vụ tết. Ảnh: Q.VIỆT

Vượt khó và kỳ vọng

Người chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn khi chi phí đầu vào cao, giá sản phẩm chăn nuôi thấp, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định.

Ông Phan Như Phi - Giám đốc HTX Tâm Đức Phú (thôn Đàn Thượng, xã Tam Lãnh, Phú Ninh) cho biết, với giá heo hơi dao động trên dưới 50 nghìn đồng/kg, người chăn nuôi không thể có lãi.

Duy trì sản xuất, từ đầu năm 2023 HTX đã chuyển sang nuôi heo rừng lai. Theo ông Phi, thịt heo bản địa chất lượng tốt, đảm bảo an toàn thực phẩm nên thị trường ưa chuộng, sức tiêu thụ lớn.

“Cái lợi lớn nhất là ít phải dùng cám cho heo rừng lai ăn mà chủ yếu là dùng chuối, các loại rau. Heo rừng lai có sức đề kháng tốt, phát triển nhanh. Chúng tôi vừa bán heo thương phẩm, bán heo giống và xẻ thịt chế biến, đóng gói, dán nhãn bán mọi nơi. Thịt ba chỉ heo rừng lai có giá đến 320 nghìn đồng/kg nên có lãi” - ông Phi nói.

Hiện nay tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh là 344.800 con (tăng 7.8000 con so với cùng kỳ năm trước); đàn gia cầm 8.850.000 con, trong đó có 7.090.000 con gà.

Ngành chăn nuôi & thú y Quảng Nam cho biết, từ đầu năm đến nay bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra rải rác tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, tổng số heo mắc bệnh, chết phải tiêu hủy 243 con (giảm 91% so với cùng kỳ năm 2022).

Hiện nay còn 2 xã có bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày, gồm: Tam Mỹ Tây (Núi Thành), Đại Chánh (Đại Lộc).

HTX Tâm Đức Phú hiện có 39 hộ tham gia nuôi 3.000 con heo rừng lai thương phẩm, chủ yếu phục vụ thị trường tết sắp đến. Ông Phan Như Phi cho hay, với đặc thù xã miền núi diện tích lớn, phù hợp nuôi heo rừng lai nên ở Tam Lãnh hiện nay có đến 70 hộ tham gia nuôi.

Theo ông Phi, nếu đơn hàng của thị trường tăng đột biến, đơn vị sẽ mua heo rừng lai của các hộ nằm ngoài HTX để đủ cung ứng. “Chúng tôi tận dụng mọi điều kiện thuận lợi về tự nhiên để nuôi heo rừng lai. HTX vừa bán hàng qua kênh truyền thống vừa áp dụng thương mại điện tử.

Nếu quảng bá, tiếp thị, kết nối cung cầu, giao thương tốt, HTX sẽ ở mở rộng quy mô chăn nuôi heo rừng lai, khai phá tiềm năng, thế mạnh địa phương, phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững, đem lại lợi ích lớn cho HTX và nông dân” - ông Phi chia sẻ.

Cuối năm, dịp tết là vụ chính nên người chăn nuôi ở các địa phương cũng tăng đàn heo, gà, vịt, kỳ vọng bán nhiều thu lợi lớn. Ông Nguyễn Minh Đồng (ở thôn Mỹ Cang, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) cho biết, gia đình ông đang nuôi 6.000 con gà thịt, lên kế hoạch từ trước nên chủ động thời gian cung ứng cho thị trường dịp tết tới. Để đối phó với chi phí nuôi gà tăng cao, ông đã chọn giống gà kiểm dịch chất lượng tốt và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để hạn chế dịch bệnh, gà thương phẩm lớn nhanh.

“Giá gà hiện nay 60 nghìn đồng/kg, tôi có lãi ít. Cuối năm giá gà thương phẩm thường tăng cao nên chúng tôi cần đảm bảo gà phát triển tốt, bán hết theo đơn hàng, thu lãi khá” - ông Đồng nói.

Trợ giúp của ngành chức năng

Chi cục Chăn nuôi & thú y Quảng Nam khuyến cáo, bây giờ là thời điểm giao mùa, dịch bệnh dễ phát sinh nên các hộ chăn nuôi gia cầm, gia súc cần chú trọng đảm bảo an toàn cho vụ nuôi. Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện rải rác trên địa bàn tỉnh nên người dân cần cẩn trọng, tránh để dịch bệnh lây lan bùng phát gây thiệt hại.

Trên địa bàn tỉnh còn nhiều địa phương không có cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, nên các địa phương cần giám sát chặt điểm giết mổ tự phát. Người dân cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cho vật nuôi, thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để đảm bảo chất lượng đàn và tránh thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Bà Hoàng Thị Kim Yến - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi & thú y cho biết, thời gian qua, đơn vị đã tăng cường các giải pháp phòng chống dịch bệnh như khử trùng tại những khu vực chăn nuôi tập trung, tập huấn chăn nuôi an toàn cho người nông dân.

Nhờ đó tỉnh đã khống chế được các loại dịch bệnh, đặc biệt là không để bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát, giúp ngành chăn nuôi phục hồi, phát triển. Theo bà Yến, đối với các trang trại, cơ sở chăn nuôi hay dù là nuôi gia cầm, gia súc tại hộ gia đình, chỉ khi đã đảm bảo các điều kiện an toàn thì mới tái đàn, tăng đàn, đồng thời chú trọng chăm sóc kỹ vật nuôi, để phục vụ cho dịp tết. Đây là mùa thị trường có sức mua cao nên khả năng lợi nhuận cũng cao.

Chi cục Chăn nuôi & thú y cũng lưu ý các hộ chăn nuôi, ngoài tăng đàn cho vụ tết cần đặc biệt chú ý đến thức ăn cho gia cầm, gia súc. Ngoài thức ăn công nghiệp, người chăn nuôi cần linh hoạt tận dụng sản phẩm và phụ phẩm nông nghiệp sẵn có để giảm chi phí chăn nuôi, không sử dụng thức ăn kém chất lượng, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi,... để bảo đảm chất lượng sản phẩm khi xuất bán. Người chăn nuôi gia súc, gia cầm cần cập nhật thông tin về tình hình thị trường các sản phẩm chăn nuôi trong và ngoài tỉnh để chủ động sản xuất, đón đầu thị trường, bảo đảm đạt hiệu quả cao.

NGUYỄN QUANG