Từ số hóa di sản đến bảo tàng ảo
(VHQN) - Những bảo tàng, di tích, danh thắng của nước ta đã sử dụng ứng dụng thông minh như: quét mã QR, trưng bày 3D, công nghệ thực tế ảo (VR), công nghệ thực tế tăng cường (AR)… để làm phong phú cách thức trưng bày của bảo tàng, di tích. Đây là cầu nối hữu hiệu giữa di sản trong các bảo tàng, di tích với công chúng. Đồng thời mang đến cho di sản văn hóa một đời sống khác, một sức sống mới mà bấy lâu nay vẫn nằm ngoài sự quan tâm và hiểu biết của du khách nói riêng, của công chúng nói chung.
Từ số hóa di sản đến ứng dụng thực tế ảo
Năm 2007, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế được Tổng cục Di sản văn hóa Hàn Quốc tài trợ kinh phí, kỹ thuật và chuyên gia để thực hiện dự án “Phục dựng Hoàng cung Huế bằng công nghệ kỹ thuật số”. Dự án được giao cho Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến (KAIST) đến từ Taejeon (Hàn Quốc) thực hiện.
Tôi là cộng tác viên cung cấp hình ảnh, sử liệu cho nhóm chuyên gia của KAIST. Sau 3 tháng làm việc tại hiện trường và 3 tháng làm hậu kỳ tại Taejeon, dự án hoàn thành và bàn giao kết quả cho Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế.
Trong đó, có bộ phim tài liệu Imperial City - Digital Reconstruction of the Huế Imperial City (song ngữ Anh - Việt, dài 10 phút), dùng kỹ thuật số (digital) để tái hiện quá trình kiến tạo những cung điện chính trong Hoàng thành Huế như: Ngọ Môn, Thái Hòa điện, Thế Tổ miếu và phục dựng các lễ thiết đại triều, thiết thường triều, đổi gác… vào thời Nguyễn. Từ năm 2007 đến nay, phim tài liệu này được trình chiếu tại phòng truyền thông phía sau Thái Hòa điện và rất được du khách ưa thích.
Năm 2017, trong khuôn viên Đại Nội Huế xuất hiện trung tâm nghe nhìn ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo để phục vụ du khách tham quan quần thể di tích cố đô Huế bằng công nghệ VR3D.
Tại đây, du khách quét mã QR để xem thông tin hiện vật, tương tác với hiện vật thông qua chương trình Model 3D 360 độ, để tìm hiểu quá trình phục dựng Hoàng thành Huế bằng công nghệ số và tham quan các di tích khác trong Đại Nội Huế, đã hư hại (và biến mất) do chiến tranh và sự tàn phá của thời gian thời tiết, nhưng nay được tái hiện bằng công nghệ số.
Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cũng sử dụng công nghệ số hóa 3D để phục dựng lăng vua Tự Đức và công bố trên nền tảng Google Arts & Cultural/Open Heritage... phục vụ cho những ai quan tâm đến quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế.
Trưng bày ảo 3D và bước tiến đến bảo tàng tương tác ảo
Với mục đích lưu trữ tư liệu và giới thiệu hoạt động trưng bày, triển lãm của bảo tàng đến với công chúng trong không gian mạng, từ năm 2013, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tại Hà Nội đã ứng dụng công nghệ thực tế ảo 3D để tổ chức “trưng bày” chuyên đề: Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam, Đèn cổ Việt Nam và Linh vật Việt Nam trên website chính thức của bảo tàng này.
Tiếp đến, các trưng bày chuyên đề: Việt Nam thời Tiền sử, Văn hóa Đông Sơn, Triều Ngô - Đinh - Tiền Lê - Lý - Trần, Óc Eo - Phù Nam… cũng lần lượt được thực hiện và “phát sóng” tại website của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, thu hút rất nhiều du khách tham quan bảo tàng này qua internet, đặc biệt là du khách trẻ và du khách nước ngoài.
Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tiếp tục đẩy mạnh, nâng cấp, cập nhật ứng dụng công nghệ và bước đầu hoàn thành một số sản phẩm, đưa vào hoạt động và giới thiệu tới công chúng như: ứng dụng thuyết minh tự động App Audio Guide giới thiệu trưng bày tại bảo tàng; tham quan bảo tàng trực tuyến; tổ chức Giờ học lịch sử online và đặc biệt là Trưng bày ảo 3D chuyên đề Bảo vật quốc gia.
Những ứng dụng công nghệ số hóa/3D/ thực tế ảo, bảo tàng ảo… tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã đưa các di sản văn hóa đang được lưu trữ và trưng bày nơi đây đến với công chúng theo phương thức mới, với những nội dung và cách thể hiện mới; đáp ứng nhu cầu tham quan thưởng lãm của du khách trong thời gian giãn cách xã hội; mở ra hướng mới trong việc kết nối bảo tàng với du khách; mang đến cho họ những trải nghiệm mới lạ; đồng thời tạo cho bảo tàng một “diện mạo” mới trên môi trường số và không gian mạng, thích ứng với thời đại chuyển đổi số.
Theo thống kê của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chỉ sau hơn 1 năm (10/2021 - 10/2022) giới thiệu chuyên đề Bảo vật quốc gia theo hình thức Bảo tàng tương tác ảo 3D trên website của bảo tàng này, đã có 58.661 lượt truy cập vào xem chuyên đề này, nhiều nhất là khách tham quan từ các quốc gia: Việt Nam (tăng mạnh), Mỹ, Anh, Australia, Pháp, Hồng Kông, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia…
Ngày nay, việc tham quan và khám phá trực tuyến các di sản văn hóa ở Việt Nam đang trở thành xu hướng thịnh hành. Sau những “dấu chân khai phá” ở Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và ở Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, rất nhiều bảo tàng, địa điểm di tích, danh lam thắng cảnh triển khai các chương trình trưng bày ảo 3D và bảo tàng tương tác ảo để thu hút du khách như Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam triển lãm trực tuyến Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Vị tướng huyền thoại, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu hai bảo vật quốc gia là tượng Phật bà Quan Âm và bức tranh sơn mài Bình phong của danh họa Nguyễn Gia Trí, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I triển lãm 3D tài chuyên đề Giáo dục triều Nguyễn - vang vọng còn lại giới thiệu đến công chúng hơn 100 tư liệu đặc sắc về nên giáo dục thời Nguyễn (1802 - 1945), Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng trưng bày 3D các bảo vật quốc gia đang lưu trữ tại bảo tàng này…