Chút ấm áp ngày đông

NGUYỄN ĐIỆN NAM 03/12/2023 08:10

Có những dòng tin tức mang lại chút ấm áp giữa ngày đông mưa rét. Đó là dòng chảy của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng; xuất siêu tăng hơn năm trước; nhiều mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch hàng tỷ đô la Mỹ…

Như dự báo từ trước của các chuyên gia, dòng vốn FDI có sự dịch chuyển và Việt Nam được xem là “cứ địa” lựa chọn mới. Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến ngày 20/11, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 28,85 tỷ đô la Mỹ, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước. 

Đáng chú ý là ít nhiều có những chuyển biến về dòng vốn đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ có tiềm lực kinh tế mạnh. Cụ thể, trong số 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2023, Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với 3,31 tỷ đô la Mỹ, chiếm hơn 20% tổng vốn đăng ký cấp mới, tiếp đến là Đặc khu hành chính Hồng Kông với 3,15 tỷ đô la (chiếm hơn 19%) Trung Quốc với hơn 3 tỷ đô la (chiếm gần 19%), Đài Loan với hơn 2 tỷ đô la (chiếm 12,5%), Hàn Quốc với 1,7 tỷ đô la (chiếm hơn 10%), Nhật Bản là gần 758 triệu đô la (chiếm gần 5%). 

Về lĩnh vực đầu tư, cũng có chuyển biến khi ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 14,26 tỷ đô la, chiếm gần 87% tổng vốn đăng ký cấp mới.

Điều này cho thấy xu hướng đổi mới sáng tạo sẽ có lực đẩy mạnh hơn khi đóng góp của ngành chế biến chế tạo gia tăng giá trị với việc thêm nhóm hàng có tiềm năng phát triển và thị trường thế giới có nhu cầu.

Về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa, theo công bố của Tổng cục Thống kê, 11 tháng đầu năm 2023, ước đạt 619,17 tỷ đô la Mỹ. So sánh cùng kỳ năm trước giảm 8,3%, trong đó xuất khẩu giảm 5,9%, nhập khẩu giảm 10,7%. Tuy nhiên, mừng là cán cân thương mại hàng hóa 11 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 25,83 tỷ đô la Mỹ (cùng kỳ năm trước xuất siêu 10,3 tỷ đô la). 

Trong các mặt hàng xuất khẩu, có 33 mặt hàng đạt kim ngạch hơn 1 tỷ đô la, chiếm 92,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đặc biệt có 7 mặt hàng xuất khẩu hơn 10 tỷ đô la Mỹ, gồm: điện tử máy tính và linh kiện (48,94 tỷ USD); điện thoại và linh kiện (46,23 tỷ); máy móc thiết bị và dụng cụ phụ tùng khác (37,22 tỷ); dệt may (28,96 tỷ); giày dép (17,36 tỷ); phương tiện vận tải và phụ tùng (12 tỷ); gỗ và sản phẩm gỗ (11,49 tỷ USD). Về thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2023, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 88 tỷ USD. 

Với sự mở rộng, tăng cường các hoạt động bang giao quốc tế của Chính phủ, đặc biệt là nâng tầm Đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ và Nhật, mới đây là đẩy mạnh hợp tác thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Đông,… con đường giao thương hàng hóa hẳn sẽ tiến triển hơn trong tương lai gần. 

Điểm những nét sáng đó trong bức tranh kinh tế xã hội để gợi lên những ấp ủ, mong chờ niềm vui từ chuyển biến, phát triển. Dù vậy, vẫn không vội lạc quan vì còn có nhiều mảng xám với khó khăn giăng mắc, nhất là ở nhiều địa phương sau các đợt thanh tra, kiểm tra phải tập trung xử lý vi phạm, gỡ vướng những điểm nghẽn trong thực thi chính sách, pháp luật. Và còn nhiều doanh nghiệp chật vật trụ lại, không ít doanh nghiệp phá sản, giải thể, sa thải lao động, đời sống nhiều gia đình công nhân bấp bênh, sức mua thị trường yếu… 

Nuôi hy vọng là cách để tăng tốc hành động cho sự tồn tại và phát triển, tiến về phía trước!

NGUYỄN ĐIỆN NAM