Mưu sinh cùng phố
Sự biến động của tình hình thế giới, dịch COVID-19... đã ảnh hưởng đến đời sống, thể hiện rõ nhất nơi lớp người mưu sinh cùng với phố. Tỷ lệ người mất việc ngày càng tăng qua con số thống kê. Sinh kế cho người nghèo nơi đô thị vẫn là bài toán khó...
Những con số “biết nói”
Đầu ngõ nhà tôi vừa có thêm một xe bánh mì. Cái ngã tư vắng hoe ở một khu dân cư mới thành hình ở phường Trường Xuân (TP.Tam Kỳ) được vài năm, cứ lâu lâu lại xuất hiện thêm một cái quán nhỏ liêu xiêu: một gia đình gửi vào đó cuộc mưu sinh để gắng qua chuỗi thăng trầm của gia đình mình, cùng với phố.
Dịch bệnh, suy thoái kinh tế và muôn vàn lý do khác cho sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn những cuộc mưu sinh nơi vỉa hè. Xe bánh mì là của một cô công nhân bị giãn việc.
Lo toan thì không dừng lại, khi cuộc sống vẫn tiếp diễn, lũ trẻ cần đi học và rất nhiều chi phí cho một gia đình nhỏ ở phố. Mỗi lần ghé xe bánh mì, tôi đều nhận được nụ cười, những buồn lo của người phụ nữ ấy dường như cũng lắng dịu cho hành trình đầy vất vả.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý III/2023 ở cả nước khoảng hơn 940 nghìn người, tăng hơn 69 nghìn người so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị là 1,83%. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là hơn 1 triệu người, tăng hơn 22 nghìn người.
Những con số có phần khô khan, nhưng soi chiếu vào từng xóm, từng nhà, hẳn sẽ có rất nhiều biến động đã và đang xảy ra. Sinh kế đối với thị dân hay khu vực nông thôn đều không hề dễ dàng.
Cuộc mưu sinh nào cũng chất chứa những lo toan, nhất là với những người có mức thu nhập khiêm tốn, sống bám vào vỉa hè bằng xe bánh mì, bằng vài ba bộ bàn ghế trong quán ăn sáng liêu xiêu giữa mưa gió mùa đông. Thế nhưng giữa những bộn bề ấy, với họ nụ cười vẫn luôn thường trực, để an trú trong lòng phố nhỏ.
Nương náu những phận đời
Mấy dòng phấn nguệch ngoạc trên bức tường của tiệm tạp hóa nhỏ nằm khuất sâu trong con hẻm xóm Bún (phường Hòa Thuận, TP.Tam Kỳ). Là dầu mè, nước mắm, dăm ký gạo, mớ cá khô và những cái tên vắn tắt được chủ nhà ghi đè lên sau nhiều lần xóa vội, vệt phấn lau chưa sạch mờ trắng trên bức tường. Hình như đâu đó trong thành phố này, vẫn còn những ký ức của một thời khốn khó với bao người cuống rốn còn dính sâu vào gốc rạ, một thuở.
Ông Trần Thụy, chủ cửa hàng tạp hóa nhỏ mà tôi quen, nói cái bức tường với mấy dòng chữ ấy đã trở nên quen thuộc suốt gần hai chục năm qua. Đời sống phát triển, kinh tế cũng đi lên, ông Thụy cũng không cần phải sử dụng cuốn tập vở đóng từ giấy thừa học sinh hàng trăm trang để ghi nợ nữa. Nhưng rồi dịch COVID-19 mang đến quá nhiều biến động. Một số người trở về quê sau khi mất việc. Số khác thì giãn việc, thậm chí mất việc.
Tiệm tạp hóa của ông Thụy nhỏ xíu, chật chội, hàng hóa chất đầy lên nhau, treo đong đưa trên vách, nhưng hình như cái gì cũng có. Người ta thiếu thứ gì, lại chạy tới nhà ông Thụy. Tiệm tạp hóa vẫn luôn có một đời sống mãnh liệt dẫu cho hàng chục siêu thị, cửa hàng tiện lợi mọc lên nhan nhản khắp thành phố nhỏ.
Ở cái xóm Bún nằm sâu trong hẻm này, hình như cư dân có thêm một nơi nương dựa từ tiệm tạp hóa. Đàn ông ghé lại ăn sáng, làm ly cà phê vội khét đắng trước một ngày mưu sinh. Đàn bà thì mắm muối, dầu mè, dăm ba ký gạo.
Lũ trẻ con, thi thoảng lại được “trưng dụng” để sai đi mua chịu thứ gì đó. Trẻ con thì không biết ngại, chúng đến lấy một chai nước mắm, chai dầu ăn, gói bột nêm cùng với lời hẹn “mù khơi”, mẹ con nói mai mốt mẹ con tới gửi tiền. Ông Thụy bốc viên phấn ghi mấy dòng lên bức tường cũ. Rất lâu rồi, ông mới phải dùng tới cái “sổ nợ” bằng bức tường lem vệt phấn xóa vội, mờ đục...
Tôi đọc đâu đó một tản văn của Nguyễn Ngọc Tư, nhắc về những tiệm tạp hóa ở quê nghèo, “nơi những vệt phấn đục trên cánh cửa trở thành cuộc trình diễn câm lặng của người nghèo, thiếu trước hụt sau, đắp bề nào cũng hở”.
Lâu rồi, tưởng chỉ còn trong ký ức, những lúc ngặt nghèo bất chợt trở về trên bức tường của tiệm tạp hóa nhà ông Thụy. Đâu đó bên lề ồn ã đô thị, vẫn có bao con hẻm với những phận người, sống cuộc đời giật gấu vá vai...