Từng có hải đăng trên biển Hoàng Sa
Thời thuộc Pháp, nhiều đợt khảo sát địa mạo, địa chất đã được tiến hành, làm nền tảng để mở hướng khai thác hàng hải và nguồn lợi trên quần đảo Hoàng Sa. Một trong những vấn đề được người Pháp xem trọng là xây dựng hải đăng.
Tầm quan trọng hải đăng Hoàng Sa
Hoàng Sa là nơi có nhiều đảo, đá, bãi cạn, bãi ngầm. Thư tịch nhà Nguyễn (Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư) từng ghi nhận sự nguy hiểm của vùng biển này: “Khi có gió tây nam thì thương thuyền các nước đi phía trong trôi dạt về đây, khi gió đông bắc thì thuyền đi phía ngoài cũng vỡ trôi dạt về đây và đều chết đói hết cả, hàng hóa đều bỏ lại ở đó”.
Cho đến những năm đầu thế kỷ 20, đây vẫn là nơi xảy ra nhiều tai nạn mà bất cứ lái tàu nào cũng không thể không chú ý. Việc cứu hộ trên vùng biển này cũng không dễ do cách xa bờ, thời tiết không mấy thuận lợi.
Nhà Nguyễn từ thế kỷ 19 đã cho người trồng cây để sau này cây cối xanh tươi rậm rạp, có thể lấy đó làm dấu hiệu. Tuy vậy, thời tiết khắc nghiệt, cây cối khó thích nghi, độ cao hạn chế, dễ lẫn vào màu nước biển, ít gây chú ý cho tàu thuyền. Việc có một ngọn đèn biển ở đây, rõ ràng là chỉ dấu tốt để tàu thuyền an tâm di chuyển qua lại.
Các báo chí phương Tây thời kỳ này đã phân tích sâu xa vấn đề này. Do Hoàng Sa có nhiều bãi đá ngầm và vì các đảo nằm thấp, dễ gây đắm tàu, nên các tàu đành phải đi vòng sang phía đông hoặc phía tây quần đảo, làm chậm thời gian từ 4 đến 5 giờ, tốn kém rất lớn. Song nếu người ta cho xây dựng một ngọn hải đăng, những cọc, phao tiêu… để khi gặp thời tiết xấu thì các tàu có thể tránh được tai nạn.
Địa điểm và quá trình xây dựng
Nhận thấy vai trò của quần đảo về mặt chiến lược, năm 1899, Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đã đề nghị Chính phủ Pháp cho phép xây dựng một hải đăng tại đảo Hoàng Sa, nhưng không được đáp ứng.
Đến năm 1929, sau chuyến khảo sát tại Hoàng Sa, Perrier de Rouville đề xuất xây dựng 4 hải đăng tại các đảo Tri Tôn, Đá Bắc, Lin Côn và bãi đá ngầm Bông Bay nằm ở bốn góc của quần đảo. Năm 1937, Khâm sứ Trung Kỳ cử kỹ sư công chánh J. Gauthier ra quần đảo để nghiên cứu địa điểm xây dựng hải đăng và bãi đáp thủy phi cơ.
Sau nhiều lần thay đổi, cuối cùng nơi xây hải đăng được chọn là cụm Lưỡi Liềm thuộc đảo Hoàng Sa, nơi có vị trí quân sự quan trọng nhất cho việc phòng thủ quần đảo. Một số nhân chứng Hoàng Sa và hồ sơ số 16/KT/TH/HC ngày 16/2/1974 của Ty Khí tượng Tuy Hòa xác nhận, hải đăng nằm về phía bắc của đảo Hoàng Sa. Bên cạnh hải đăng có khu đồn trú, cách 100m là đài khí tượng.
Thời điểm chính xác bắt đầu xây dựng ngọn đèn biển có sự sai khác giữa các nguồn thông tin. Các báo và tạp chí của Pháp đưa tin rằng: “Ngày 12/10/1937, một phái đoàn Pháp gồm đội tàu Marne; ông Maurin, thuộc Sở Thủy lộ Astrolabe; ông Duffo thuộc Sở Hải tiêu Bắc - Trung Kỳ Paul-Bert; ông Le Pare và 2 thủy phi cơ của Sở Hàng hải Sài Gòn tập trung tại Đà Nẵng, chờ thời tiết thuận lợi để lên đường ra Hoàng Sa lắp đặt đèn biển.
Ngày 26/10/1937, việc vận chuyển người và nguyên vật liệu ra Hoàng Sa hoàn tất. Sau 4 ngày 4 đêm làm việc cật lực, đến ngày 29/10 thì hải đăng chính thức hoạt động” (Cù Thị Dung sưu tầm và dịch).
Tuy nhiên, hồ sơ số 16/KT/TH/HC ngày 16/2/1974 của Ty Khí tượng Tuy Hòa lại ghi rằng: “Đầu năm 1939 chiến hạm Suffren và tuần dương hạm Lanette Piquet chở vật liệu nặng ra xây đắp đồn lũy kiên cố bằng xi măng cốt sắt. Căn cứ quân sự, hải đăng và đài thiên văn phải ba năm ròng rã mới hoàn thành vì việc chuyên chở vật liệu đã kéo dài đến 16 tháng trời...” (Dẫn theo Võ Công Trí, Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các tài liệu lưu trữ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa).
Tác giả Nguyễn Thanh Lợi trong bài viết Hải đăng Việt Nam xưa và nay cho rằng hải đăng được dựng trên quần đảo Hoàng Sa sớm hơn hai nguồn thông tin trên, năm 1935.
Kiểu dáng và kết cấu
Hải đăng Hoàng Sa được dựng hoàn toàn bằng xi măng, cốt sắt. Các vật liệu đều được chuyển ra từ đất liền trên các tàu vận tải lớn. Tổng cộng có 70 tấn vật liệu, trong đó có 6 tấn kim loại đã được sử dụng.
Nhân công làm việc, theo tài liệu của Việt Nam Cộng hòa là các tù nhân trên đất liền, nhưng nhiều nguồn thông tin khác chỉ nói đến nhân lực của tàu La Marne - con tàu chịu trách nhiệm chính trong khảo sát địa mạo, địa chất và cả cứu hộ trên vùng biển này (tên hải đăng được đặt theo tên con tàu này - La Marne) cùng với một vài người khác trên tàu Paul Bert.
Từ những hình ảnh do người Pháp chụp lại được, có thể thấy hải đăng này có hình mũi tên. Dự kiến ban đầu người Pháp xây nó giống với hải đăng ở Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi). Phần đế xây bằng cốt sắt vững chãi, chịu được gió lốc xoáy, phần còn lại dựng bằng sắt chia ô hình chữ nhật nhỏ dần về đỉnh. Mỗi mặt ô có hai thanh sắt chéo hình chữ V. Phần thân dưới cách đế khoảng 4 - 5m xây bịt kín bốn mặt, chia 2 ô, ô dưới quét sơn trắng, ô trên quét sơn đỏ. Thân đèn quét sơn đỏ xen lẫn trắng để dễ nhận biết. Đỉnh hải đăng hình trụ tròn, là nơi phát ánh sáng báo tin.
Phần giữa hải đăng được thiết kế dẫn nhiên liệu từ dưới lên đỉnh. Nhiên liệu được chứa trong 1 bộ gồm 10 ống kim loại. Ngọn đèn sẽ cháy tự động liên tục trong vòng 200 ngày bằng gaz. Sau thời gian này, đội hoa tiêu sẽ đến kiểm tra và bổ sung nhiên liệu. Độ chiếu sáng của ngọn hải đăng là 12 hải lý (khoảng 22,2km) trong điều kiện thời tiết bình thường, cứ 8 giây sẽ nháy sáng 1 lần.
Sự tồn vong của hải đăng
Sự hiện diện của hải đăng gây lo ngại lớn cho nhiều nước khi họ cho rằng quyền quản lý quần đảo này không thuộc về nước Pháp. Bởi hải đăng chỉ là bước đầu, hệ thống cơ sở vật chất xây dựng về sau có thể tạo thành căn cứ vững chắc lâu dài để kiểm soát tuyến hàng hải lẫn các hoạt động khác trên biển của nhiều nước.
Có lẽ lo sợ bị phá hoại nên người Pháp đã phái cử lực lượng lưu trú bảo vệ. Sau khi xây dựng thêm đài khí tượng, khu đồn trú của quân đội cùng với việc triển khai các hoạt động khai thác phốt phát, số người đồn trú được tăng cường, bảo vệ toàn bộ cơ sở hạ tầng được xây dựng trên đảo.
Không rõ hải đăng hoạt động trong bao nhiêu năm. Bởi ông Nguyễn Văn Đức - người nhận sự vụ lệnh với chức vụ Đảo trưởng Hoàng Sa vào đợt chuyển quân 37 (tháng 10/1969) của Bộ Chỉ huy Tiểu khu Quảng Nam không nhắc đến hải đăng trong hồi ức về cơ sở vật chất trên đảo. Những nhân chứng Hoàng Sa khác nhận lệnh ra đồn trú ở đây vào khoảng năm 1956 - 1973 cũng không ghi nhận sự tồn tại của hải đăng, ngoài đài khí tượng, khu nhà ở, cầu tàu, nghĩa địa, miếu cổ, giếng cổ...
Như vậy, tại quần đảo Hoàng Sa đã từng hiện diện ngọn đèn biển, giúp cho vô số tàu thuyền qua lại tránh được nguy hiểm. Hải đăng Hoàng Sa cũng thể hiện chủ quyền của nước Việt Nam đối với vùng biển được xác lập từ nhiều thế kỷ trước.