Emagazine

[eMagazine] - Níu giữ tinh hoa văn hóa truyền thống miền núi

THÀNH CÔNG – ALĂNG NGƯỚC – TRUNG VIỆT03/12/2023 07:47

Giữa biến động dữ dội của giao thoa văn hóa và những chuyển dịch từ đời sống hiện đại, nhiều con người, miền đất vẫn đang níu giữ lấy tinh hoa văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, trong chính cộng đồng nhỏ bé của mình.

bqn.1cdn.vn-2023-12-03-_images.baoquangnam.vn-storage-newsportal-2023-12-2-152431-_tit-chinh_lot-trong-.png

Giữa biến động dữ dội của giao thoa văn hóa và những chuyển dịch từ đời sống hiện đại, nhiều con người, miền đất vẫn đang níu giữ lấy tinh hoa văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, trong chính cộng đồng nhỏ bé của mình.

Không mất hân hoan trên gương mặt người, trong bao lễ hội truyền thống được phục dựng gần đây. Dù với quy mô nhỏ bé ở một làng hay là cuộc trình diễn mang tính bài bản hơn trong phạm vi huyện, liên huyện, những lễ hội vẫn đầy sức sống đối với cộng đồng các dân tộc miền núi. Ký ức được tái sinh từ lễ hội.

Rộn rã hội làng

Xúng xính trong những bộ thổ cẩm, già trẻ, gái trai của nóc Măng Gry (thôn 1, xã Trà Vinh, Nam Trà My) rộn rã đón chào sự kiện trọng đại của làng mình: lễ cúng máng nước (Clá tác).

Chưa có nắng. Nhưng lễ cúng máng nước may mắn được tổ chức vào ngày trời râm cuối tháng 11. Lạnh giá của Ngọc Linh bớt đi bằng hơi ấm của rất đông người. Lễ cúng máng nước là lễ hội quan trọng và lớn nhất trong năm của đồng bào dân tộc Ca Dong ở Trà Vinh. Đều đặn tháng 11, 12, đồng bào Ca Dong ở “nóc nhà” Ngọc Linh lại rộn rã cùng tiếng cồng, tiếng chiêng, đón lễ cúng máng nước như đón thanh âm của một ngày hội lớn. Ở đó, đời sống tinh thần, tâm linh, hơi thở của văn hóa tộc người được khơi dậy.

Không gian lễ hội trước hết thuộc về cộng đồng, về từng tộc người ở từng vùng, từng địa phương.
Không gian lễ hội trước hết thuộc về cộng đồng, về từng tộc người ở từng vùng, từng địa phương.

Tuổi đã cao, nhưng già làng Hồ Văn Dề chưa bao giờ vắng thiếu trong bất kỳ lễ cúng máng nước nào của người nóc Măng Gry. Già Dề nói, lễ cúng máng nước nhằm mừng một năm gieo cấy. Với ý nghĩa tôn vinh nghề nông - hoạt động sản xuất quan trọng trong đời sống kinh tế của đồng bào, tôn vinh người nông dân, lễ cúng máng nước còn đặc biệt thể hiện sự tôn trọng, trân quý đối với các vị thần linh, Thần nước, Thần núi và Thần lúa, hạt lúa gạo - nguồn sống quan trọng của đồng bào dân tộc Ca Dong.

Người Măng Gry đã hào hứng chuẩn bị cho lễ cúng từ trước đó một tuần. Từng người được già làng phân công công việc cụ thể. Dự phần vào lễ cúng là sự tự hào của mỗi cá nhân, mỗi dòng tộc, nên ai ai cũng đều tham gia phần việc của mình bằng tất cả lòng thành tâm.

Bà con tập trung làm cây nêu, đi tìm 3 con gà, 2 con heo đen, những ché rượu cần ngon nhất được mở nắp. Già Hồ Văn Dề phân công trai tráng trong làng làm đường ống, dẫn nước từ đầu nguồn về vị trí làm lễ cúng bằng thân cây lồ ô. Nước trên nguồn được bịt chặt lại, phải đến khi tổ chức lễ cúng, người ta mới mở để dẫn dòng nước đầu tiên chảy về làng.

Múa hát cồng chiêng là một trong những vốn quý văn hóa của đồng bào miền núi hiện nay. Ảnh: CN
Múa hát cồng chiêng là một trong những vốn quý văn hóa của đồng bào miền núi hiện nay. Ảnh: CN

Cây nêu được dựng ngay gần vị trí nước được dẫn về. Hôm hành lễ, già làng đi trước, những người đàn ông xếp thành hàng ngay ngắn, bước theo vị già làng đến nguồn nước. Rầm rì những lời khấn vái. Cuộc đối thoại của người có uy tín nhất với các vị thần linh diễn ra.

Trong gió núi Ngọc Linh, già làng nói chuyện với các vị thần, bằng tất cả sự kính ngưỡng. Lời khấn của già làng gửi đi thông điệp cầu nguyện thần linh cho dân làng có một mùa màng bội thu, ban phước lành cho dân làng làm ăn thuận lợi, đoàn kết, cho dân làng nguồn nước trong lành quanh năm… Sau đó, già làng cắt tiết heo đưa vào ống dẫn nước, rồi hô 3 tiếng. Núi rừng vang dậy lời hô của già làng, đủ để những người đàn bà đang chờ nơi nước được dẫn về làng nghe được. Dân làng vào hội. Những điệu múa cồng chiêng mê hoặc lòng người. “Tiệc chung” rộn rã.

Lễ cúng máng nước ở Trà Vinh đã tiếp nối hàng loạt lễ hội ở miền núi trong năm 2023. Đi qua nhiều lễ hội ở vùng cao, tính gắn kết cộng đồng và những sắc màu độc đáo đến từ tín ngưỡng, tập tục trở thành mẫu số chung. Đáng mừng, là những lễ hội đang được bảo tồn và phục hồi khá nguyên vẹn, ít nặng về trình diễn, hình thức. Bằng sự chăm chút trong từng nghi thức, lễ hội ngày càng trở về với những giá trị mang tính khởi nguyên, nơi ký ức đồng bào chừng như sống lại, đẹp đẽ.

Sắc màu văn hóa cộng đồng

Lễ cúng máng nước ở Măng Gry là lễ hội gần nhất được tổ chức, trong xuyên suốt chuỗi dài rất nhiều lễ hội của các tộc người thiểu số ở Quảng Nam trong năm nay, tại các huyện Nam Giang, Phước Sơn, Tây Giang, Trà My... Giữa tháng 8 vừa qua, Ngày hội Văn hóa - thể thao và du lịch các huyện miền núi Quảng Nam cũng được tổ chức tại Phước Sơn, quy tụ rất nhiều sắc màu văn hóa các tộc người ở miền núi Quảng Nam.

Truyền dạy dệt và múa cho đồng bào và cán bộ người Cơ Tu vừa được tổ chức tại Đông Giang. Ảnh: TV
Truyền dạy dệt và múa cho đồng bào và cán bộ người Cơ Tu vừa được tổ chức tại Đông Giang. Ảnh: TV

Vượt thoát khỏi quy mô cộng đồng, sự quan tâm của các cấp, ngành và chính quyền địa phương đã nâng tầm những lễ hội văn hóa. Dự phần vào các ngày hội, chúng tôi nhìn thấy niềm vui của chính cộng đồng. Hơn hết, đó là không gian, là đời sống, là niềm tin và sự hân hoan của chính đồng bào vùng cao.

Ở lễ hội Tết mùa Bh’noong lần đầu tiên tổ chức tại huyện Phước Sơn, bà con đến dự hội không phải để trình diễn. Họ được sống trong chính nghi thức của dân tộc mình, tự nguyện tham gia và hào hứng trình diễn bằng sự tự hào hơn là trách nhiệm. Có cả những em bé người Bh’noong rất nhỏ theo mẹ cha cùng hát múa cồng chiêng, cùng dự tiệc mừng. Ở đó, ý thức trao truyền và tiếp nối hiện rõ.

Nam Giang cũng đã ít nhiều tạo được “thương hiệu” từ lễ hội cồng chiêng, qua 5 lần tổ chức. Phía Tây Giang, lễ Tạ ơn rừng cũng đã bước qua lần thứ 6, trở thành sự kiện thường niên thu hút đông đảo người dân địa phương, và bước đầu hình thành một sản phẩm văn hóa thu hút sự chú ý của du khách.

Tạm gác những mục tiêu mang tính “chủ trương” của các địa phương trong từng sự kiện, chúng tôi chú ý nhiều hơn đến tâm thức cộng đồng khi dự phần vào những ngày hội lớn. Ở đó, bước chân trần của người vùng cao như vượt thoát khỏi mặt đất. Họ ca hát, múa cồng chiêng, hát lý, vui hội bằng chính niềm vui được sống với những giá trị nguyên bản của dân tộc mình, được giao lưu với các bậc già làng và cả lớp trẻ. Niềm tự hào về bản sắc văn hóa và những giá trị độc đáo thuộc về cội nguồn được đánh thức.

Có không ít rào cản trong quá trình tìm kiếm, bảo tồn di sản của các dân tộc miền núi. Già làng Bhling Hạnh (thôn Công Dồn, xã Zuôih, Nam Giang) nói, các nghệ nhân, người cao tuổi nắm giữ những “kho tàng” về văn hóa của vùng cao đang ngày càng ít dần. Nhiều người không kịp truyền lại tài sản văn hóa quý báu cho các thế hệ sau. Đây là điều rất đáng tiếc.

“Các già làng, nghệ nhân hiện nay truyền dạy cho con cháu vì trách nhiệm, vì sự yêu mến với văn hóa, nhưng xét về lâu dài, nên có những cơ chế chính sách hỗ trợ, động viên. Nghệ nhân, già làng, những người nắm giữ tri thức về di sản cũng cần có sự khuyến khích để thực hiện trao truyền di sản trong cộng đồng” - già Bhlinh Hạnh nói.

Đông Giang mở lớp truyền dạy múa tân tung da dá. Ảnh: TV
Đông Giang mở lớp truyền dạy múa tân tung da dá. Ảnh: TV

Các loại hình nghệ thuật và lễ hội truyền thống của các dân tộc cũng đang có nhiều biến đổi. Phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL) ghi nhận tình trạng nhiều thôn làng không còn lưu giữ các bộ cồng/trống, chiêng. Các điệu múa cồng/trống, chiêng do đó ít được thực hành trong nhiều cộng đồng. Lễ hội truyền thống không được tổ chức thường xuyên tại các thôn, thậm chí ở nhiều cộng đồng từ lâu không còn tổ chức lễ hội.

Một số “lễ thức” liên quan đến sản xuất nông nghiệp ít được cộng đồng các dân tộc quan tâm thực hành, tái hiện hoặc đã phai nhạt. Ngoài ra, các loại hình dân ca, dân vũ ít được sử dụng, lưu truyền và phổ biến, đặc biệt trong lớp trẻ. Bảo tồn, đang gặp khá nhiều trở lực.

Ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang nói, có nhiều biểu hiện cho thấy sự chi phối của kinh tế thị trường và đời sống hiện đại dẫn đến nguy cơ biến dạng văn hóa truyền thống của đồng bào.

Theo ông Trần Văn Dũng – Trưởng phòng Quản lý văn hóa cho hay, một điều khá may mắn là vùng đồng bào dân tộc thiểu số Quảng Nam không bị ảnh hưởng bởi nạn chảy máu cồng/trống chiêng như ở nhiều địa phương khác. Tuy nhiên, sự suy giảm nhanh về loại hình văn hóa các dân tộc thiểu số là điều đáng lo ngại”.

Hướng dẫn dệt thổ cẩm của người Cơ Tu
Chia sẻ cách dệt thổ cẩm

Năm 2023, một số địa phương miền núi đã tổ chức dạy văn hóa truyền thống các dân tộc cho cán bộ và nhân dân, nhằm lưu giữ và phát triển vốn văn hóa bản địa. Tại Nam Giang, ngành văn hóa đã tổ chức 2 lớp truyền dạy các thể loại văn hóa truyền thống như chế tác và sử dụng nhạc cụ đinh tút của đồng bào Ve (Giẻ Triêng) tại xã Đắc Pre; truyền dạy sử dụng cồng/trống, chiêng của đồng bào Cơ Tu tại xã Zuôih. Phòng Văn hóa huyện đã mời những nghệ nhân lớn tuổi, giàu kinh nghiệm và kỹ năng về các thể loại này để truyền dạy lại cho các bạn trẻ và những người có nhiệt huyết, đam mê nghệ thuật truyền thống theo học.

Qua các buổi học, những kỹ năng, kiến thức về đinh tút cũng như cách sử dụng cồng/trống, chiêng được chia sẻ, truyền dạy rất thực tế, tạo được sự hứng khởi, kích thích sự tìm tòi, học hỏi của học viên.

Ông Trần Ngọc Hùng - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Nam Giang cho biết: “Chúng tôi xem đây là một hoạt động rất quan trọng trên con đường bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Nam Giang. Thuận lợi lớn nhất mà chúng tôi nhận thấy, đó là sự đồng tình ủng hộ, sự nhiệt huyết của các nghệ nhân và người dân”.

Việc truyền dạy này cũng được thực hiện ở Đông Giang, khi vừa qua lần đầu tiên huyện tổ chức dạy múa tân tung da dá và dệt thổ cẩm Cơ Tu. Một cán bộ tại Phòng Văn hóa - thông tin huyện cho biết, đã có 30 người tham gia học dệt, 165 người học múa; đối tượng tham gia gồm các nghệ nhân, người có uy tín, già làng, trưởng thôn. Có đến 70 - 80% là người trẻ. Họ học lý thuyết, tham quan thực tế tại làng Bhơ Hôồng xã Sông Kôn.

Có bạn trẻ như Alăng Thị Công (xã A Ting) không giấu được thích thú, nói rằng lâu nay chỉ biết được một điệu múa, tham gia học thì biết thêm hai điệu nữa; dệt, lâu nay chỉ biết đứng nhìn, nay đã được học trực tiếp.

Không có tiền, thì đừng nói chuyện làm. Nhưng nếu không có sự quyết tâm của cơ quan chuyên môn, chính quyền cơ sở, sự nhiệt huyết của những nghệ nhân gạo cội cũng như sự coi trọng văn hóa truyền thống của chính cộng đồng dân tộc thiểu số, thì nói như ông Trần Ngọc Hùng: “Chúng tôi cũng không thể thực hiện công việc này, mà nếu có thực hiện được thì cũng sẽ khiên cưỡng và không mang lại hiệu quả cao”.

Tại Đông Giang, phần lớn người Cơ Tu vẫn giữ tục kiêng cử trong đánh chiêng, trống, múa cũng vậy, bởi họ quan niệm phải có sự kiện gì đó đang xảy ra ở chỗ mình ở thì mới tập trung lại và múa, đánh chiêng, chứ bỗng nhiên tổ chức, coi chừng rủi ro sẽ xảy ra. Phòng Văn hóa đưa họ đi tham quan làng Bhờ Hôồng, vì ở đây là làng du lịch cộng đồng, múa hát, chiêng là sản phẩm du lịch, không hề có rủi ro gì khi thực hiện. Ở các trường học của Đông Giang cũng có đội múa, lần này tổ chức xuống thôn, bởi không truyền dạy, sẽ mất. Năm 2024, huyện sẽ tổ chức dạy nói lý, hát lý cho bà con.

Câu chuyện được đặc biệt quan tâm, là người trẻ. Năm tháng đi qua, lớp người sống thật sự với văn hóa truyền thống dân tộc mình ngày càng mất đi, áp lực của văn hóa miền xuôi, sự lai tạp, mất gốc càng nhiều. Thấy được việc này, có nơi như Nam Giang, ngành giáo dục đã biên soạn dạy văn hóa địa phương, với đề án dạy cho học sinh lớp 6 - 12, nhưng mới triển khai đối với lớp 6.

Tại Đông Giang, môn giáo dục địa phương cũng có dạy về lịch sử, văn hóa địa phương, nhưng chỉ dạy lướt qua. Bắc Trà My thì đưa cồng chiêng vào dạy trong trường học, rồi tổ chức thi.

Phát huy giá trị văn hóa đặc trưng, bức tranh du lịch miền núi Quảng Nam được kỳ vọng sẽ ngày càng khởi sắc. Ảnh: PHƯƠNG NGUYÊN
Phát huy giá trị văn hóa đặc trưng, bức tranh du lịch miền núi Quảng Nam được kỳ vọng sẽ ngày càng khởi sắc. Ảnh: PHƯƠNG NGUYÊN

Nhưng, có lẽ nếu mọi thứ chỉ dừng lại ở múa hát, dệt, đánh chiêng, chơi nhạc cụ, thì chuyện nhận thức về sự tồn tại, khác biệt, riêng có của từng dân tộc, sẽ chỉ nói được phần nào đó. Người Cơ Tu là một ví dụ. Một cán bộ huyện Tây Giang khi được hỏi: Con anh có được học về nguồn gốc dân tộc mình, vì sao có tên là Cơ Tu, họ của cháu như A Lăng, Briu, con suối này, ngọn núi kia có nghĩa là gì không? Thì câu trả lời của anh là không có, bởi chương trình phổ thông đã chiếm hết thời gian rồi, muốn dạy thì chen vào đâu, ai biên soạn giáo trình?

Người Cơ Tu có kho tàng truyện cổ cực kỳ phong phú, một số người đã biên soạn, nhưng phổ biến tới học sinh vẫn còn sơ sài. Đây chính là khoảng trống văn hóa, nhận thức rất lớn, khi hiểu biết về dân tộc mình ngay khi đang còn nhỏ, thông qua các câu chuyện kể, sẽ hình thành ý thức về sự hiện diện của bản thân, tộc người.

Mới đây, người viết bài này ghé thăm làng Mường ở Trà Giang (Bắc Trà My), nơi có 123 hộ người Mường sinh sống, lưu giữ được nhiều vốn liếng văn hóa độc đáo của người Mường giữa núi rừng Quảng Nam. Tính tự chủ, độc lập, ý thức về sự tồn tại không thể khác và không thể mất đi của họ, cho thấy là rất cao.

Rất nhiều khó khăn bủa vây, mà càng né tránh thì càng đối mặt nguy cơ sẽ mất tất cả. Truyền dạy văn hóa truyền thống với người miền núi, như móng làm nhà, phải bám rễ sâu mới vững chãi.

Nỗ lực sưu tầm

Theo Phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL), các đặc trưng văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số Quảng Nam bao gồm ngôn ngữ, chữ viết, kiến trúc, trang phục, các giá trị về văn học nghệ thuật. Đơn vị này đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa này. Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (giai đoạn 2021 - 2030), Bộ VH-TT&DL cũng đã triển khai Dự án số 6: “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch, giai đoạn 2021 - 2025”. Đây là động lực quan trọng để thực hiện công tác sưu tầm, bảo tồn di sản vùng cao.

Ông Trần Văn Dũng - Trưởng phòng Quản lý văn hóa cho hay, đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng bộ chữ viết riêng của một số dân tộc (bộ chữ viết Ca Dong, Bh’noong, Cơ Tu, Co). Kiến trúc, trang phục của mỗi dân tộc cũng phong phú về kiểu loại. Đối với văn hóa nghệ thuật, tính đa dạng, phong phú thể hiện rõ nét ở nghệ thuật dân gian, đặc biệt là âm nhạc truyền thống. Đối với Dự án 6, Sở VH-TT&DL đã triển khai các lớp tập huấn, truyền dạy nhạc cụ truyền thống tại các xã Zuoih và Đắc Tôi và phục dựng, bảo tồn lễ cưới truyền thống của đồng bào Ve xã Đắc Pre (Nam Giang).

Thời gian qua, mặc dù nhiều di sản văn hóa được đưa vào khai thác bước đầu nhưng để hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng bài bản, cần thêm sự chung tay từ chính quyền và cộng đồng địa phương.

Tiềm năng di sản vùng cao cần được khai phá, trở thành đặc sản du lịch. Ảnh: PHƯƠNG NGUYÊN
Tiềm năng di sản vùng cao cần được khai phá, trở thành đặc sản du lịch. Ảnh: PHƯƠNG NGUYÊN

Mặc dù lần đầu tiên được tổ chức sau nhiều năm vắng bóng vì đại dịch COVID-19, song lễ hội cúng mừng lúa mới của đồng bào Tà Riềng (xã Đắc Tôi, Nam Giang) vẫn đón rất nhiều du khách, cùng trải nghiệm, hòa mình với văn hóa Tà Riềng đặc sắc.

Ông Trần Ngọc Hùng - Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện Nam Giang cho biết, bên cạnh tạo cơ hội gặp gỡ để chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, lễ hội mừng lúa mới của người Tà Riêng được tổ chức nhằm bảo lưu các giá trị văn hóa độc đáo, góp phần bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa của cộng đồng, hướng đến xây dựng một sản phẩm du lịch nguyên bản đặc trưng, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng trong tương lai.

Không gian lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Tà Riềng ở Nam Giang. Ảnh: PHƯƠNG NGUYÊN
Không gian lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Tà Riềng ở Nam Giang. Ảnh: PHƯƠNG NGUYÊN

Theo ông Hùng, mặc dù tiềm năng có sẵn nhưng cái khó nhất hiện nay là làm thế nào để du lịch thực sự được khai phóng từ văn hóa bản địa. “Ngoài lễ hội mừng lúa mới của người Tà Riềng, mới đây, chúng tôi cũng phối hợp tái hiện không gian lễ cưới của người Ve, với sự chuẩn bị khá kỹ lưỡng về văn hóa nguyên bản. Bởi đây sẽ là một trong số các sản phẩm du lịch đặc trưng được chọn lựa để phục vụ du khách, từng bước khơi dậy di sản của cộng đồng vùng cao” - ông Hùng chia sẻ.

Gần đây, nhiều địa phương miền núi đã và đang bắt đầu mở rộng quy mô thành các sản phẩm phục vụ phát triển du lịch. Từ tết mùa của đồng bào Bh’noong, tết cúng máng nước của người Ca Dong, lễ cưới của người Ve, khai năm tạ ơn rừng của người Cơ Tu… được nâng tầm, tạo điểm nhìn rất mới về bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Theo bà Bùi Thùy Giang (Công ty CP Đầu tư thương mại và phát triển du lịch K’lang Adventure), sau thời gian khảo sát, đầu tư du lịch tại Tây Giang, điều ấn tượng nhất của đơn vị cũng như du khách chính là sự độc đáo của văn hóa truyền thống, đời sống giản dị và tài nguyên thiên nhiên hùng vỹ. Điều này giúp cho Tây Giang có thêm sức hút, như một nét đặc trưng hiếm có, mang đầy giá trị du lịch. Tuy nhiên, việc khai thác các sản phẩm du lịch của Tây Giang, cũng như đồng bào Cơ Tu vẫn chưa hết tiềm năng vốn có.

Theo ông Văn Bá Sơn - Phó Giám đốc Sở VH-T&DL, có một thực tế “đáng phải suy ngẫm” là việc khai thác các tiềm năng di sản bản địa miền núi vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch hiện nay, có rất nhiều vấn đề vướng mắc trong việc khai thác các mảng màu văn hóa miền núi, từ cơ chế chích sách, hạ tầng cơ sở cho đến những nhận định thiếu quyết liệt từ chính quyền địa phương.

“Các địa phương, gần như còn trông chờ vào nguồn lực đầu tư của Nhà nước, cộng đồng thì chờ đợi sự hỗ trợ chính quyền. Chưa có sự nỗ lực nhiều hơn từ chính bản thân của những người trong cuộc. Vì thế, du lịch không thể phát triển một cách bền vững và hiệu quả. Trong khi đó, sự thiếu liên kết giữa các địa phương cũng khiến sắc màu văn hóa du lịch chưa thể bứt phá mạnh mẽ” - ông Sơn nói.

Ở Quảng Nam, hiện vướng thêm câu chuyện về dịch vụ giao thông, hạ tầng lưu trú, nhân lực du lịch... Chưa kể, bản sắc vùng cao đang dần phai nhạt và có nguy cơ bị “Kinh hóa”. Nhiều vùng, đồng bào rất ngại ngùng và thiếu tự tin khi chính họ làm du lịch. Để giới thiệu cho du khách về văn hóa của chính mình, ông Sơn nói, không ai khác, đồng bào vùng cao phải tự nỗ lực nhiều hơn, với sự giúp sức của chính quyền địa phương. Bởi họ là chủ thể, giá trị văn hóa của dân tộc họ phải do chính những người trong cuộc tạo nên sự lan tỏa, khi đó du lịch cộng đồng mới thực sự đem lại hiệu quả…

THÀNH CÔNG – ALĂNG NGƯỚC – TRUNG VIỆT