Cần tránh chủ quan trong trùng tu kiến trúc cổ
Việc trùng tu, tu bổ kiến trúc cổ đối với thợ địa phương cần có sự hướng dẫn từ cơ quan, đơn vị có chuyên môn nhằm đảm bảo không bị sai lệch so với thiết kế ban đầu…
Những nhận định chủ quan
Kiến trúc thường được dựng nên từ bàn tay của người dân địa phương. Điều này càng khẳng định với những kiến trúc xưa, bao gồm các công trình từ tư nhân đến cộng đồng như nhà cổ, đình, miếu, chùa… Tại các địa điểm này đã tồn tại những kiến trúc mang dấu ấn của người thợ địa phương, đăc biệt những kiến trúc có vật liệu là tre, gỗ.
Ở Quảng Nam có hai phường thợ mộc xưa là Kim Bồng và Văn Hà, chưa kể các thợ mộc của địa phương và cả thợ từ phương xa đến thi công. Khi đi tìm hiểu khảo sát, đo vẽ, phỏng vấn để lập hồ sơ đánh giá di tích kiến trúc cổ, tôi đã biết nhiều câu chuyện khá ly kỳ.
Chuyện đầu tiên là nhận diện kiến trúc mà thói quen dễ sai lầm là khi kiến trúc ở đâu thì người thợ ở đó sẽ dựng nên. Điều này dẫn đến việc khi khảo tả đình Ngũ Xã (Duy Xuyên) đã kết luận kiến trúc đang hiện tồn do thợ Kim Bồng (Cẩm Kim, Hội An) dựng.
Khoảng ba năm sau, tôi trở lại và tìm hiểu từ những người cao niên, biết được thông tin: trong chiến tranh đình bị hư hỏng nặng, nên bộ vì kèo làm khung đỡ mái được mua từ ngôi nhà xưa ở tận Tam Kỳ. Qua khảo sát, nhận thấy cách tạo hình thanh kèo với nhiều chỉ gờ thì đây là bộ khung gỗ mang phong cách của thợ Văn Hà (Tam Thành, Phú Ninh).
Một câu chuyện ly kỳ hơn khi nhận diện kiến trúc là nhà cổ cụ Trần Hưng Nhượng ở Tam Xuân (Núi Thành), nay là Di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp tỉnh cũng được “mặc định” là do phường thợ mộc Văn Hà dựng.
Mãi sau này, qua thông tin những người nghiên cứu lịch sử địa phương, tôi mới được biết cụ là quan Án Sát và thầy dạy học cho vua Tự Đức, đồng thời có thời gian làm Tri phủ An Nhơn (Bình Định). Vì vậy, ngôi nhà của cụ được thợ Bình Định thi công và khác hẳn với phong cách tạo hình thanh kèo của thợ mộc Quảng Nam.
Hôm nay khi nhận diện lại các cấu kiện, các phong cách tạo hình là thành phần kiến trúc như xuyên, trính, kèo... mới thấy kiến trúc xưa ở đất Quảng rất phong phú và đa dạng.
Điều này nhắc cho bản thân tôi, cả những người bạn, đồng nghiệp sự cẩn thận trong quá trình nghiên cứu. Tin vui khi ngôi nhà của cụ Trần Hưng Nhượng mà hồ sơ là nhà bà Trịnh Thị Thống (nay anh Trần Nha đang sở hữu) đã được kiến trúc sư Tô Chí Vinh tu bổ khá tốt. Các thành phần kiến trúc mang dấu ấn của thợ Bình Định được gìn giữ.
Hiểu giá trị xưa, trước hết từ chính người thợ
Từ chuyện kiến trúc xưa đến việc tu bổ của phường thợ thi công địa phương có sự lệch lạc đã xảy ra ở một số công trình. Những công trình kiến trúc đã tu bổ với vật liệu như gỗ thuộc công trình kiến trúc tư nhân nhà cổ và công trình cộng đồng: đình, miếu… sẽ có những điều đáng tiếc khi tu bổ.
Có thể kể đến vài kiến trúc đã bảo tồn bằng hình thức phục dựng như nhà lưu niệm cụ Phan Châu Trinh (ở Tam Lộc, Phú Ninh) và nhà lưu niệm đồng chí Võ Chí Công (ở Tam Xuân, Núi Thành) với kết cấu vì đỡ nóc theo phong cách của Kim Bồng; với Khổng Miếu ở Tam Kỳ lại có vì đỡ mái hiên giống với nhà ở phố cổ Hội An.
Chùa Vạn Đức là kiến trúc cổ được xếp hạng Di tích cấp quốc gia ở Hội An. Kiến trúc này đã xuống cấp và nhà chùa làm hồ sơ xin tu bổ. Ai đó đã vẽ bộ mái với đầu đao đưa lên như chùa ở phía Bắc. Rất may thiết kế này đã kịp thời chỉnh sửa.
Còn trường hợp với phục dựng miếu thờ Thái giám ở làng Phong Nam (TP.Đà Nẵng) thì mái lại đưa lên ở đầu góc đao. Ngày nay các kiến trúc như đình, chùa, các nhà thờ tộc, nhà thờ họ… được xây dựng mới hoặc cả tu bổ từ kiến trúc xưa đều có xu hướng như thiết kế nói trên.
Tôi không biết các nhà thiết kế có “mặc cảm” với kiến trúc địa phương mình không, và cũng nên nhắc đến đội ngũ thi công là thợ mộc địa phương. Quan sát và thực tế từ những người thợ phường mộc xưa Kim Bồng nay vẫn tiếp tục làm tốt công việc tu bổ các kiến cổ ở phố cổ Hội An.
Phường mộc xưa Văn Hà nay đã mai một, chỉ có vài người thợ thưa thớt làm nghề mộc truyền thống, nhưng quen làm đồ mới ít quan tâm về phong cách xưa của người đi trước. Họ không được tổ chức, tập huấn để nhận biết những giá trị cha ông để lại. Những điều này cần được nghiêm túc nhìn nhận để tránh những sai lầm đáng tiếc và cả những sai lầm không thể sửa chữa trong tu bổ.