Đau đáu niềm quê

BẢO ANH 03/12/2023 11:15

Cho đến tập sách thứ 15 của mình - tập tạp văn “Quê nhà và đất khách” (NXB Hội Nhà văn 2023), Vũ Khắc Tĩnh, một người con của quê hương Tam Dân (Phú Ninh) văn anh vẫn theo đúng một giọng: chân phương, hiền lành, mực thước; theo đúng một mạch cảm xúc: niềm thương nỗi nhớ quê nhà xa ngái.

 

Chỉ khác là ở tập sách mới nhất này, trong cái giọng văn hiền lành kia nhiều chỗ chùng xuống, ngưng tụ yêu thương đến khắc khoải, thổn thức. Nỗi nhớ quê trong văn của anh, chính xác hơn là trong thẳm sâu tâm hồn anh, không còn lẩn khuất dưới những hình ảnh mang tính biểu tượng, dưới những mông lung khói sương, mà được nói thẳng ngay trong tựa sách, hiện rõ mồn một trên từng mặt chữ.

Trong số 28 tạp văn xinh xắn ở tập sách, có một nửa số bài kể chuyện “quê nhà”, nửa còn lại kể chuyện nơi “đất khách”. Khác nhau, trái ngược nhau, tách bạch là vậy, nhưng tất cả đều có điểm chung, ấy là được viết từ nỗi nhớ, được dẫn dắt bởi những dòng cảm xúc đầy chật yêu thương.

“Quê nhà” với anh là ký ức về “Một thời đạn bom”, về “Thầy cô và trường làng”, là “Chuyện hố Trầu và rừng Miếu”, là “Đặc sản Tam Kỳ”, là một “Thị trấn ngày xưa”... Ở đó, có những khoảnh khắc đẹp khó phai mờ như khi đứng bên cây cầu Tam Kỳ mảnh mai ngày nào nhìn ngắm “mặt trời nhô lên khỏi hàng cây sưa trên con đường phường Một ven sông tròn vành vạnh, ửng đỏ” (Buổi sáng trên sông). Ở đó, có “con đường đất đỏ từ ngã ba đường xuống chợ Cây Sanh”, là “những dãy đồi trung du nằm ngã từng vồng khoai lang căng nở” (Một thoáng, đã xa xăm)...

Trong khi đó, “đất khách” với Vũ Khắc Tĩnh thì vừa xa, vừa gần, “quê người” đấy nhưng lại là máu thịt. Từ những sẻ chia của một “Sài Gòn là riêng, là chung”, từ nhịp đời bình dị bên quán “Cà phê góc phố” hay chút lãng đang mơ màng nơi “Con đường lá me”,... anh nhận ra một “đất khách” của chở che và bao dung.

“Sài Gòn đã cưu mang tôi, cho tôi sinh sống và làm ăn suốt mấy mươi năm qua, vượt qua những rào cản, thăng trầm, có thịnh, có suy” (Lời cảm ơn muộn màng). Để từ đó, giữa lòng, anh càng thêm yêu, tự tin gắn bó với “đất khách” và thêm yêu thêm nhớ quê nhà xa ngái.

Đọc “Quê nhà và đất khách” của Vũ Khắc Tĩnh, thấy yên lòng hơn trước những thay đổi, chuyển dời; thấy mỗi vùng đất đều là máu thịt nếu mình biết sẻ chia, yêu thương và gắn bó. Và càng hiểu hơn nỗi lòng người con xa quê Vũ Khắc Tĩnh, như những gì anh đã trải bày trên những trang tạp bút, như trong những câu thơ anh viết giữa nhung nhớ chật đầy: “Còn quê còn quán để về/ Dương Đàn quê nội bốn bề núi non/ Cảm ơn tha phương Sài Gòn/ Thổi vào đời sống chút hồn thơ ca/ Cúi hôn mảnh đất quê nhà/ Hồn quê sông nước và ta Dương Đàn”.

BẢO ANH