"Tín hiệu học thực chất"
Đó là kỳ vọng của nhiều phụ huynh và nhà chuyên môn trước quyết định “chốt” phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 của Bộ GD-ĐT. Phương án này những ngày qua thu hút sự quan tâm của xã hội, cũng bởi một phần lâu nay việc học ngoại ngữ trong trường phổ thông vẫn còn rất “nặng nề”.
Theo phương án của Bộ GD-ĐT, từ năm 2025, thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT 4 môn, gồm 2 môn thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và 2 môn tự chọn trong số các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Địa lý, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ. Ngoại ngữ không còn là môn bắt buộc như trước.
Phương án này đã tạo ra hai luồng ý kiến chủ yếu: lo ngại triệt tiêu động lực học tập môn Ngoại ngữ, cản bước học sinh hội nhập quốc tế; trong khi đó nhiều người cho rằng “đừng hoảng”, đây là tín hiệu tích cực của việc học thực chất.
Học thực chất là mục tiêu phấn đấu của cả nền giáo dục, hay gần hơn là cả hệ thống kiến thức được giáo dục trong trường phổ thông chứ không riêng một môn học nào, nhưng vì sao môn Ngoại ngữ (mà chủ yếu là tiếng Anh) được kỳ vọng đóng vai trò “tiên phong” như vậy? Câu trả lời dễ chịu nhất, đó có thể là do kết quả học ngoại ngữ của học sinh trong trường phổ thông rất dễ thấy được trong thực tế giao tiếp.
Ngôn ngữ, mục tiêu chính là để giao tiếp, với học sinh, học ngoại ngữ trước hết là để nghe được và nói được, dù có thể vẫn còn “ngọng nghịu”. Trong khi đó, cách dạy và học lâu nay trong trường phổ thông nặng nề về ngữ pháp, chủ yếu với tâm lý học là để đi thi, ít nhất là thi tốt nghiệp THPT khi ngoại ngữ là môn bắt buộc.
Trả lời báo chí, đại diện Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận, kể cả thi tốt nghiệp THPT thì cũng không thể đánh giá được hết 4 kỹ năng nghe nói đọc viết môn Ngoại ngữ của học sinh, mà chủ yếu là đọc và viết.
Vì mong muốn cả 12 năm phổ thông học ngoại ngữ, con em mình có thể tự tin giao tiếp một chút, chứ không phải hoàn toàn học để đi thi, nên nhiều phụ huynh đã “đầu tư lớn” cho môn Ngoại ngữ. Trên địa bàn tỉnh, chưa thấy môn học nào có mức độ “xã hội hóa” mạnh mẽ như môn Ngoại ngữ.
Trung tâm ngoại ngữ mọc lên ồ ạt do nhu cầu được học trong môi trường giao tiếp thực tế, có giáo viên người nước ngoài. Thậm chí, nhiều phụ huynh là giáo viên ngoại ngữ, cũng mong muốn con cái mình được học với giáo viên người nước ngoài.
Trường học phổ thông có yếu tố “quốc tế” cũng được phụ huynh quan tâm, nhiều người đã gửi con vào trường này từ nhỏ, thậm chí học ở ngoại tỉnh... Và chi phí cho kiểu học ngoại ngữ “ngoài phổ thông” này thường rất cao, ngoài gây thêm gánh nặng chi tiêu ở mỗi gia đình, còn vô tình gây tâm lý về một cuộc chạy đua không đáng có ở môi trường giáo dục phổ thông, trong khi việc kiểm soát chất lượng hoạt động đối với các cơ sở giáo dục “ngoài phổ thông” không hề dễ dàng.
Trong các môn học, ngoại ngữ là môn có nhiều điều kiện thuận lợi để tự học. Nếu xây dựng được môi trường giáo dục phổ thông học thực chất, nhiều học sinh sẽ có thêm khả năng tự học ngoại ngữ, và không chỉ môn Ngoại ngữ. Nói điều đó để thấy vai trò của “học thực chất” trong nền giáo dục.
Trong cuộc tranh luận về dạy thêm học thêm hay về sách giáo khoa trong trường phổ thông vẫn chưa ngã ngũ trên mạng xã hội, dễ nhận ra sự đòi hỏi chính đáng của người dân về một phương pháp học tập tiến bộ, phù hợp.
Trong đó, trước hết giúp học sinh phổ thông nắm bắt tốt và vận dụng kiến thức phổ thông vào thực tế một cách hiệu quả nhất, và học thực chất là cách duy nhất để đạt được điều đó. Nếu có được một môi trường học thực chất, cũng sẽ góp phần xây dựng đội ngũ nhà giáo năng động, tâm huyết với nghề. Và đó cũng là cửa ngõ của một nền giáo dục tiên tiến.