Du lịch Quảng Nam hướng về thị trường ASEAN
(QNO) – Trước sự phục hồi chậm chạp của dòng khách châu Âu, các doanh nghiệp ngành du lịch Quảng Nam đang hướng đến những thị trường trong khu vực, đặc biệt Đông Nam Á nhằm giữ đà phục hồi, tăng trưởng.
Đa dạng nguồn khách
Dự kiến, đầu tháng 1/2024, Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương (Indochina) sẽ đón 200 du khách Philippines đến Đà Nẵng tham quan thành phố và các vùng phụ cận, trong đó có Hội An. Dịp này, khoảng 80 doanh nghiệp lữ hành Philippines cũng sang khảo sát, tìm hiểu sản phẩm, dịch vụ mở đường cho dòng khách Philippines “đổ bộ” vào miền Trung.
Là đất nước có dân số lớn (khoảng 115 triệu người), vị trí gần Việt Nam, văn hóa tương đồng, chi tiêu tương đối cao…, Philippines được mong chờ sẽ là dòng khách mới mẽ tiếp theo sau Ấn Độ đến Quảng Nam. Sự kỳ vọng càng lớn hơn khi đường bay trực tiếp Manila - Đà Nẵng dự kiến khai trương ngày 7/12 (tầng suất 4 chuyến/tuần), mở ra hội trao đổi khách giữa 2 nước thuận lợi, dễ dàng.
Ông Nguyễn Sơn Thủy – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Duy Nhất Đông Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho biết, mặc dù nằm trong khu vực Đông Nam Á, nhưng dường như Philippines khá “xa lạ” với du lịch miền Trung. Khai thông thị trường Philippines sẽ tạo điểm nhấn thú vị cho bức tranh du lịch miền Trung và cả Quảng Nam những năm tới.
Thời gian qua, không chỉ Philippines, một số quốc gia khác ở Đông Nam Á như Indonesia, Myanmar, Lào, Campuchia, kể cả Singapore… đều có lượng khách đến miền Trung chưa như kỳ vọng. Nhằm thu hút thị trường ASEAN, cuối tháng 10 vừa qua, Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Quảng Nam đã tổ chức chương trình quảng bá du lịch tại Malaysia và Singapore, hướng tới mục tiêu tăng cường thu hút dòng khách này.
Ông Phan Văn Tú – Giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Quảng Nam khẳng định, bên cạnh những dòng khách truyền thống lâu nay, đa dạng thị trường khách quốc tế cũng chính là mục tiêu hướng đến trong các chương trình quảng bá của đơn vị, tuy nhiên để hiện thực mục tiêu phát triển thị trường khách Đông Nam Á lên vị trí tốp đầu còn cần nhiều yếu tố khác.
“Mặc dù một số dòng khách như Thái Lan, Malaysia… đã, đang có sự tăng trưởng tốt trong cơ cấu khách đến Quảng Nam nhưng nếu so với các thị trường chủ lực như Hàn Quốc vẫn khá khiêm tốn. Nhưng, chúng ta vẫn có thể tin tưởng sự phát triển của thị trường khách Đông Nam Á bởi các điều kiện thuận lợi như khoảng cách gần, có nhiều đường bay trực tiếp, thời gian bay ngắn. Đặc biệt, đều nằm trong khối ASEAN nên thuận lợi trong quá trình trao đổi khách du lịch” - ông Tú phân tích.
Kỳ vọng thị trường Đông Nam Á
Sau đại dịch COVID-19, một số dòng khách chủ đạo như Trung Quốc, Úc hay châu Âu, Bắc Mỹ phục hồi khá chậm chạp. Việc mở rộng thị trường khách Đông Nam Á được kỳ vọng mang đến nhiều cơ hội hơn cho bức tranh du lịch các địa phương miền Trung, trong đó có Quảng Nam.
Tại Đà Nẵng, chỉ riêng tháng 10 ngành du lịch thành phố đã tổ chức hàng loạt chương trình quảng bá, giới thiệu du lịch tại Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore... Thông qua các hoạt động xúc tiến, nhiều doanh nghiệp lữ hành Đà Nẵng đã có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, kết nối đối tác đưa khách về.
Theo ông Nguyễn Sơn Thủy, với quan điểm liên kết xây dựng điểm đến chung cho miền Trung nên bất kỳ dòng khách nào đến Đà Nẵng cũng mang lại lợi ích cho Quảng Nam, bởi du lịch không có biên giới hành chính.
Thống kê 9 tháng của năm 2023, trong nhóm 10 thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng, dòng khách Đông Nam Á chiếm vị trí khá cao. Thậm chí, khách Thái Lan nằm ở vị trí thứ 2 với gần 148 nghìn lượt. Quảng Nam đã hưởng lợi rất lớn từ sự gia tăng này.
“Các phân tích cho thấy, một số thị trường mới nổi như Philippines, Indonesia rất tiềm năng, thể hiện không chỉ ở khía cạnh quy mô dân số lớn, nhu cầu đi du lịch cao mà mức chi tiêu cũng khá ấn tượng. Một nghiên cứu đã chỉ ra khoảng 53% khách du lịch Indonesia sẵn sàng chi trả cho các tour cao cấp bao gồm nhiều dịch vụ, kể cả lưu trú tại các khách sạn 4-5 sao.
Riêng với dòng khách Philippines, theo niên giám thống kê 2022 của Tổng cục Thống kê, chi tiêu bình quân tính trên một lượt khách Philippines khi tới Việt Nam là hơn 2.257 USD, thậm chí trước dịch 2019 khách Philippines dẫn đầu 10 thị trường khách quốc tế có mức chi tiêu nhiều nhất ở Việt Nam và cao gần gấp 2 lần mức chi tiêu bình quân một lượt khách quốc tế đến Việt Nam (khoảng 1.151 USD)” - ông Nguyễn Sơn Thủy thông tin.
Cũng theo ông Nguyễn Sơn Thủy, Đà Nẵng với hệ thống hạ tầng sân bay, bến cảng hiện đại không chỉ đóng vai trò hạt nhân kết nối thị trường khách Đông Nam Á về miền Trung mà còn góp phần tạo sự lan tỏa của khách tới các địa phương khác, nhất là những điểm đến cận kề như Hội An, Mỹ Sơn thời gian tới.