Tam Kỳ tăng tốc thực hiện "Công dân học tập"
TP.Tam Kỳ vừa phát động Tháng cao điểm đăng ký thực hiện mô hình “Công dân học tập” và hội nghị đánh giá việc triển khai Quyết định 677 (3/6/2022) của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Bùi Tình - Chủ tịch Hội Khuyến học TP.Tam Kỳ, qua hơn một năm triển khai Quyết định 677, nhiều hoạt động đã được thành phố tổ chức thực hiện, như hội nghị quán triệt các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; tập huấn hướng dẫn cách đánh giá, công nhận các danh hiệu “Công dân học tập”, “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”…
Tính đến cuối tháng 11, Tam Kỳ có hơn 8.900 công dân đăng ký tham gia “Công dân học tập”, xếp vị thứ 6 toàn tỉnh về số người tham gia và vị thứ 7 về tổng số cư dân trên địa bàn.
Các cơ quan, đơn vị của TP.Tam Kỳ có tất cả cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hoàn thành đăng ký như Văn phòng Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra, Ban Dân vận, Ủy ban MTTQ, Phòng Tư pháp, Phòng GD-ĐT, Liên đoàn Lao động, Hội Cựu chiến binh, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp… Khối các trường THPT có tỷ lệ cao như Trường Lê Quý Đôn, Trần Cao Vân.
Nhìn nhận mô hình “Công dân học tập” mới lần đầu tiên thực hiện nên có phần chậm chạp ở giai đoạn khởi đầu, ông Tình cho biết trong quá trình triển khai tại địa phương đã bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đó là những công dân lớn tuổi chưa biết cách sử dụng, lúng túng trong thực hiện truy cập phần mềm nên số lượng đăng ký nhưng chưa đánh giá còn nhiều. Cạnh đó, chi hội khuyến học ở các xã, phường thiếu thiết bị máy tính có kết nối internet để kiểm tra, xác nhận và theo dõi tiến độ triển khai thực hiện.
Một số ý kiến cũng cho rằng, một bộ phận người dân chưa nhận thức được việc xây dựng xã hội học tập bắt đầu từ phong trào học tập thường xuyên, học suốt đời của mỗi công dân, gia đình, dòng họ, cộng đồng, cơ quan, đơn vị, hoặc do lo sợ lộ lọt thông tin cá nhân trên mạng xã hội nên từ chối cung cấp thông tin để thực hiện việc đăng ký.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập thành phố, một số cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị xã hội và trường học cũng chưa thực sự quan tâm đến công tác này nên chưa tham gia hoặc có số lượng thành viên tham gia còn rất ít.
Công tác tuyên truyền vận động, công tác phối hợp chỉ đạo của các ban ngành, Mặt trận, hội, đoàn thể liên quan chưa được đồng bộ và chặt chẽ, xem đây là công việc của khuyến học nên “khoán trắng” cho tổ chức khuyến học.
Theo ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, tiến độ đang tốt dần lên so với thời gian đầu triển khai, song số lượng và tỷ lệ đăng ký của thành phố đến thời điểm hiện nay vẫn còn thấp so với các địa phương, chưa xứng tầm của một thành phố tỉnh lỵ.
Vì vậy, thời gian đến, toàn thành phố cần phấn đấu nhiều hơn nữa để vươn lên tốp đầu của tỉnh về số lượng công dân đăng ký và nâng tỷ lệ người đăng ký trên số dân tại địa bàn.
Để làm được điều này, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng mô hình “Công dân học tập”. Dịp này, thành phố phát động Tháng cao điểm đăng ký thực hiện mô hình “Công dân học tập” (tháng 12/2023) với hy vọng tạo tiền đề cho năm mới 2024 đạt kết quả cao hơn.