Ở nơi có những vì sao…

PHAN HOÀNG 06/12/2023 09:45

(VHQN) - Chúng tôi đến phố Harris và địa điểm được ngắm đến đầu tiên là Bảo tàng Powerhouse.

Bên ngoài Bảo tàng Powerhouse. ảnh: P.H
Bên ngoài Bảo tàng Powerhouse. Ảnh: P.H

Bảo tàng Powerhouse là chi nhánh chính của Bảo tàng Khoa học & Nghệ thuật Ứng dụng ở Sydney và thuộc sở hữu của chính quyền bang New South Wales. Bảo tàng thành lập năm 1879 và đến năm 2022, tại đây có khoảng 500 nghìn hiện vật được thu thập trong hơn 140 năm qua.

Tòa nhà hiện tại sử dụng làm bảo tàng do Lionel Glendenning thiết kế cho lễ kỷ niệm 200 năm Australia vào năm 1988, đã giành được Huân chương Sir John Sulman về kiến ​​trúc. Đó là thông tin sơ lược chúng tôi được cung cấp ngay khi bước vào bảo tàng.

Chúng tôi ngạc nhiên nhìn hiện vật với kích thước thực, từ động cơ hơi nước thiết kế từ năm 1784, xe cứu thương sử dụng năm 1967, toa tàu hạng nhất có mặt năm 1854 và cả thuyền bay Catalina được sử dụng từ năm 1945…

Ở mỗi phòng trưng bày đều cho phép du khách tương tác một cách khoa học để tìm hiểu, chứ không chỉ lạnh lùng “cấm sờ vào hiện vật”. Như mô hình kích thước đầy đủ về mặt trước của xe cứu hỏa, khi ngồi lên và tác động lực vào bàn đạp sẽ phát ra tiếng còi và làm đèn phát sáng, bạn sẽ biết được công suất bàn đạp là bao nhiêu.

Hay mô hình đường sắt chạy bằng tay sử dụng hệ thống từ tính để cung cấp dòng điện cho đường ray. Khách được tham gia thử nghiệm như một trò chơi thú vị. Khách cũng có thể thực hành các thí nghiệm khoa học khác thông qua màn hình tương tác để hiểu những nguyên lý đơn giản nhất trong cuộc sống liên quan từ tính, ánh sáng hay điện, chuyển động và các giác quan.

“Ước gì con có quả cầu plasma, con sẽ trở thành phù thủy trong mắt các bạn ở trường”, con trai tôi nói. Đó là quả cầu thủy tinh, khi bạn chạm nhẹ tay vào, nó sẽ xuất hiện những dòng ánh sáng đủ hình kỳ thú.

Một trong những tính năng phổ biến nhất của quả cầu plasma là hiển thị dòng điện qua chất khí phát sáng bên trong nó. Khi đứng cạnh cỗ máy hơi nước được chế tạo từ năm 1882 bởi Công ty Kỹ thuật Atlas, thằng bé đã thốt lên rằng “Để con nhẩm xem đó là thế kỷ mấy mà họ đã hiện đại như vậy!”.

Con trai tôi đang học lớp 4, lần đầu được khám phá bảo tàng theo cách này. Ở gian khám phá công nghệ hàng không, nó mải mê chạm tay vào hành trang của các phi hành gia, vào phòng xem cách ăn, ngủ và tắm giặt trên khoang thuyền.

Rồi thử cảm giác không trọng lực tại phòng thí nghiệm không gian Space Lab, lại ngồi máy thử lái tàu bay vào vũ trụ, tìm hiểu về sự chuyển động của các hành tinh và các chòm sao qua màn hình.

Nó nói một câu chắc nịch sau buổi hòa mình vào các tương tác ở đó: “Lớn lên con sẽ thành nhà thám hiểm vũ trụ”. Đó chỉ là giấc mộng của một đứa trẻ 9 tuổi. Nhưng rồi tôi bỗng nhớ Hoàng tử bé (trong truyện ngắn cùng tên của Antoine de Saint-Exupéry) với những giấc mơ cần được nuôi dưỡng bởi người lớn. Nên tôi im lặng và nghĩ đến những vì sao...

PHAN HOÀNG