Học ở bảo tàng
(VHQN) - Hướng đến mục tiêu giáo dục truyền thống cách mạng, tìm hiểu lịch sử, bồi đắp tình yêu di sản, các bảo tàng trong tỉnh đã tổ chức hoạt động cho học sinh, sinh viên trải nghiệm, tham quan, tìm hiểu, khám phá…
“Chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng”, tổ chức trải nghiệm - hướng nghiệp ở bảo tàng, trải nghiệm làm nghệ nhân làng nghề truyền thống… là những hoạt động được các bảo tàng tổ chức cho học sinh.
Hoạt động “Chúng em cùng nhau khám phá bảo tàng” được Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An phối hợp với Phòng GD-ĐT thành phố tổ chức thường xuyên 10 năm qua, kể từ năm 2013.
Một cán bộ của Trung tâm cho biết, để tạo sự hứng thú và thu hút học sinh đến với bảo tàng, đơn vị thường xuyên thay đổi cách thức tổ chức đối với hoạt động này. Năm học 2023 - 2024, 2 đơn vị hướng đến giáo dục di sản cho học sinh từ lớp 4 đến lớp 7.
Qua việc tham quan không gian trưng bày, tìm hiểu chi tiết hiện vật, trải nghiệm các chủ đề (vẽ tranh, tô màu cho gốm, làm lồng đèn, vẽ quạt mo, làm tranh giấy dó…) ở các bảo tàng chuyên đề tại Hội An như: Bảo tàng Văn hóa dân gian, Bảo tàng Hội An, Bảo tàng Nghề y truyền thống, Bảo tàng Gốm sứ mậu dịch…, học sinh đã được trải nghiệm bổ ích và thú vị.
Nhiều năm nay, các trường học trong tỉnh tổ chức cho học sinh tham quan, khám phá bảo tàng, trong đó Trường THCS Nguyễn Du (Tam Kỳ) triển khai tiết học trải nghiệm - hướng nghiệp cho học sinh lớp 6 tại Bảo tàng Quảng Nam.
Cô Nguyễn Thị Thu - Tổng phụ trách Đội cho biết, qua tiết học trải nghiệm ở bảo tàng, nhà trường hy vọng học sinh hiểu hơn về lịch sử, văn hóa, giá trị của di sản, đồng thời cũng rèn được các kỹ năng khác. Không chỉ nghe thuyết minh, các em quan sát tỉ mỉ, ghi chép cẩn thận để viết bài thu hoạch về trải nghiệm ở bảo tàng sau mỗi đợt ngoại khóa là yêu cầu bắt buộc đối với học sinh.
Mỗi học sinh có cảm nhận và ấn tượng khác nhau khi đến bảo tàng. Có em hứng thú với không gian trưng bày mô hình làng nghề truyền thống; có em thích tìm hiểu về chiến tranh cách mạng qua bộ sưu tập hiện vật lịch sử, tư liệu chiến tranh.
Em Nguyễn Tấn Trung Kiên, học sinh lớp 6 chia sẻ: “Bảo tàng Quảng Nam có những điều vô cùng lý thú và mới lạ mà trước đây em mới chỉ biết qua sách vở. Em thích tìm hiểu về các làng nghề truyền thống và đặc biệt ấn tượng với mô hình làng lụa Mã Châu, với khung dệt vải được trưng bày tại đây. Em biết được ngày xưa cha ông mình dệt vải như thế nào nhờ tiết học trải nghiệm này”.
Trong khi đó, một học sinh khác nói, xem hình ảnh về hiện vật lịch sử khiến em cảm động xen lẫn tự hào và hình dung được phần nào sự vất vả, gian khổ của các chiến sĩ cách mạng qua những vật dụng, dụng cụ trưng bày tại bảo tàng.
Giáo dục di sản
Bà Võ Thị Thêm - thuyết minh viên Bảo tàng Quảng Nam nói, đơn vị bám sát nội dung giáo dục địa phương trong trường học, chủ động xây dựng các chuyên đề, chương trình học tập phù hợp với lứa tuổi, cấp học, đáp ứng đúng nhu cầu của đối tượng tham quan. Đối với học sinh, sinh viên, tham quan, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử quê hương đất nước, tìm hiểu về di vật, cổ vật trưng bày tại Bảo tàng Quảng Nam là điều cần thiết và bổ ích.
“Đa số học sinh rất thích thú khi đến tham quan, tìm hiểu, học tập tại địa chỉ văn hóa này. Để thu hút học sinh, thanh thiếu niên, Bảo tàng Quảng Nam còn tổ chức nhiều hoạt động khác, như làm gốm cùng nghệ nhân, làm lồng đèn ông sao, làm bánh ít lá gai truyền thống…” - bà Thêm nói.
Ông Trần Văn Đức - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Quảng Nam cho biết, đơn vị chủ động mời các cơ sở giáo dục đưa học sinh đến tham quan, học tập; cử thuyết minh viên chuyên trách phù hợp với lứa tuổi học sinh; luôn mở cửa và dành thời gian cho học sinh trải nghiệm.
Tuy nhiên, giáo dục ở bảo tàng rất cần sự chủ động từ trường học và ngành giáo dục. Hiện mới chỉ có một số trường tiểu học, THCS ở Tam Kỳ đưa học sinh đến bảo tàng nhưng thời gian dành cho trải nghiệm không nhiều, có khi mang tính vui chơi hơn là học tập nên học sinh không thể tìm hiểu sâu hơn về truyền thống lịch sử, giá trị văn hóa ở bảo tàng. Các địa phương khác và ở cấp THPT hầu như ít tổ chức hoạt động giáo dục ở bảo tàng.
“Bảo tàng Quảng Nam sẵn sàng phục vụ bất cứ lúc nào, bất cứ khung giờ nào, kể cả trong các ngày nghỉ. Chỉ cần các đơn vị có kế hoạch và đăng ký trước với chúng tôi” - ông Trần Văn Đức nói.
Trong lĩnh vực bảo tồn, phát huy giá trị di sản, một trong những yêu cầu quan trọng cần được thực hiện thường xuyên và mạnh mẽ, đó là truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng. Trong đó, xây dựng chương trình giáo dục di sản trong học đường nhằm giúp học sinh hiểu biết về giá trị của các di sản, về lịch sử, văn hóa địa phương, hình thành ý thức ứng xử đúng đắn với di sản và phát triển kỹ năng sống... chính là một hướng đi mang tính bền vững.