Triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia ở miền núi còn bị động, lúng túng

LÊ DIỄM 06/12/2023 15:24

(QNO) - Tại Kỳ họp thứ 18 HĐND tỉnh khóa X, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã nhận định rằng việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh còn bị động, lúng túng.

Trẻ em miền núi được chăm sóc ở một trường mẫu giáo. Ảnh: D.L
Trẻ em miền núi được chăm sóc ở một trường mẫu giáo. Ảnh: D.L

Sự bị động, lúng túng nêu trên thể hiện cụ thể ở việc giải ngân nguồn vốn đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tổng vốn hỗ trợ thực hiện chương trình này năm 2023 (bao gồm vốn năm 2022 kéo dài) hơn 1.226 tỷ đồng bao gồm vốn đầu tư hơn 627 tỷ đồng, vốn sự nghiệp hơn 599 tỷ đồng. Tính đến ngày 10/11/2023 mới giải ngân đạt 31,18%, cụ thể: vốn đầu tư đạt 51%; vốn sự nghiệp mới đạt 10,47%.

Nguyên nhân được phân tích là do tiến độ giao vốn, phân bổ vốn và thực hiện các thủ tục đầu tư còn chậm. Một số nội dung do các bộ, ngành Trung ương, cơ quan chuyên môn hướng dẫn chưa kịp thời, thiếu đồng bộ, như: dự án hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; đầu tư cứng hóa đường bê tông đến xã; xây dựng trang thương mại điện tử chợ sản phẩm trực tuyến; bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số... 

Bên cạnh một số nguồn vốn Trung ương giao chưa phù hợp tình hình thực tiễn của địa phương; việc lồng ghép nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi với các chương trình, dự án khác còn lúng túng, khó triển khai thực hiện.

Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị UBND tiếp tục chỉ đạo về tiến độ triển khai thực hiện, giải ngân vốn chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt đảm bảo giải ngân nguồn vốn sự nghiệp theo kế hoạch đề ra.

UBND tỉnh cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương rà soát, tổng hợp những nội dung còn hạn chế, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, qua đó kiến nghị các bộ, ngành Trung ương kịp thời giải quyết, tháo gỡ. Hướng dẫn các địa phương thực hiện lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án.

Khu vực miền núi của tỉnh còn nhiều khó khăn dù được đầu tư nhiều nguồn lực. Ảnh: D.L
Khu vực miền núi của tỉnh còn nhiều khó khăn dù được đầu tư nhiều nguồn lực. Ảnh: D.L

Trong khi đó, tiến độ triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở các huyện miền núi đã có phần chựng lại, thiếu bền vững, nhiều xã không duy trì được chuẩn nông thôn mới. Tình hình đời sống của người dân trên địa bàn các huyện miền núi vẫn còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. 

Đồng thời theo quy định, các xã miền núi thuộc vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn nông thôn mới sẽ không còn thụ hưởng một số chế độ hỗ trợ an sinh xã hội, trong khi đó điều kiện kinh tế chung của khu vực miền núi còn nhiều khó khăn, dẫn đến một số địa phương thiếu quyết liệt thực hiện.

Từ thực tế trên, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh đánh giá toàn diện, đầy đủ về thực trạng, chất lượng các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; làm rõ nguyên nhân không duy trì xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp phù hợp, gắn trách nhiệm của từng ngành, từng địa phương; chú trọng chất lượng, tránh chạy theo chỉ tiêu, thành tích, để xây dựng nông thôn mới ở khu vực miền núi thực sự bền vững.

LÊ DIỄM