Hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm
Những năm qua, ngành liên quan và chính quyền các địa phương trong tỉnh tích cực hỗ trợ chủ thể OCOP đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ.
Những năm qua, bên cạnh ưu tiên nguồn kinh phí hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP, huyện Duy Xuyên quan tâm tiếp sức doanh nghiệp, HTX, hộ cá thể đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ. Từ năm 2018 - 2023, hằng năm Duy Xuyên đầu tư khoảng 300 triệu đồng thực hiện công tác này.
Ông Nguyễn Chí Công - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, giai đoạn 2018 - 2022 trên địa bàn huyện có 17 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP, gồm 13 sản phẩm 3 sao và 4 sản phẩm 4 sao. Năm 2023, địa phương có 13 sản phẩm đăng ký thực hiện chương trình.
Sau khi rà soát, còn 7 sản phẩm tham gia. Mới đây, huyện Duy Xuyên tiến hành chấm điểm, xếp hạng OCOP 3 sao đối với 5 sản phẩm mới và 1 sản phẩm đánh giá lại; còn bột ngũ cốc Duy Oanh gửi hồ sơ về tỉnh đề nghị nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng 5 năm qua Quảng Nam vẫn dành nguồn lực khá lớn hỗ trợ thực hiện chương trình OCOP. Theo Sở NN&PTNT, chỉ tính riêng trong 3 năm 2021 - 2023, bình quân mỗi năm ngân sách tỉnh chi khoảng 11-12 tỷ đồng cho ngành liên quan và chính quyền các địa phương triển khai chương trình theo cơ chế hỗ trợ quy định tại Nghị quyết số 07 (ngày 13/1/2021) của HĐND tỉnh.
Theo thống kê, giai đoạn 2018 - 2022 Quảng Nam có 333 sản phẩm của 260 chủ thể được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP, gồm: 275 sản phẩm 3 sao, 58 sản phẩm 4 sao (trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao).
Năm 2023, toàn tỉnh có 146 sản phẩm đăng ký thực hiện chương trình OCOP. Thời gian qua, UBND cấp huyện đã tổ chức đánh giá, xếp hạng một số sản phẩm OCOP 3 sao. Hiện nay, hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm cấp tỉnh và cấp huyện tập trung đẩy nhanh việc xét chọn, công nhận sản phẩm OCOP 3-4 sao năm 2023.
Mới đây, tại hội nghị đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp - nông thôn năm 2023 do UBND tỉnh tổ chức, nhiều đại biểu nhìn nhận, sức lan tỏa của chương trình OCOP ngày càng lớn, thể hiện qua việc sản phẩm đăng ký tham gia năm sau luôn cao hơn năm trước.
Các chủ thể OCOP đã tích cực trong thiết kế, sáng tạo mẫu mã, diện mạo mới cho sản phẩm. Đặc biệt, các ngành, các cấp thường xuyên quan tâm hỗ trợ đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm bằng nhiều hình thức. Từ đó, tìm kiếm thêm cơ hội kinh doanh, tiếp tục mở rộng thị trường trong nước, thâm nhập thị trường quốc tế. Đáng chú ý, bước đầu đã có nhiều sản phẩm OCOP được hình thành và phát triển gắn với các địa điểm du lịch và mang giá trị độc đáo của địa phương, tạo hấp dẫn cho du khách trong nước cũng như quốc tế.