Kinh tế Quảng Nam 2023: Khó khăn chồng chất
Sự sụt giảm của kinh tế Quảng Nam năm 2023 do sức tiêu thụ của thị trường giảm, doanh nghiệp thiếu hụt đơn hàng, chi phí sản xuất tăng cao, khan hiếm nguồn nguyên vật liệu...
Sóng gió thị trường
Ngày 27/1/2023 Tập đoàn Trường Hải công bố sẽ mở rộng quy mô sản xuất, lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, giao nhận, vận chuyển, chế biến nông nghiệp. Tập đoàn này sẽ tiến hành đầu tư nhiều dự án hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị tại Chu Lai...
Kế hoạch của Trường Hải sẽ bán ra thị trường 120.000 xe, chiếm thị phần cao nhất trong từng chủng loại và tổng thị phần cao nhất của thị trường ô tô Việt Nam. Sản lượng hàng hóa qua cảng Chu Lai sẽ tăng 29% (khoảng 4,7 triệu tấn)... Dự kiến số nộp ngân sách tại Quảng Nam hơn 26.800 tỷ đồng (tăng 9% so năm 2022).
Thế nhưng, những rắc rối về giải phóng mặt bằng cùng những lý do khác đã khiến cho kế hoạch đầu tư, kinh doanh của Trường Hải cho năm 2023 tại Quảng Nam không như kỳ vọng.
Ông Trần Xuân Vinh - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh nói rằng, các vướng mắc về dự án trọng điểm Khu công nghiệp Thaco Chu Lai (tại xã Tam Anh Nam) không thể giải quyết dứt điểm. Không thể đầu tư các dự án mới tại khu vực này thì không có thêm động lực để vực dậy và phát triển nền kinh tế địa thương, giải quyết lao động và tăng thu ngân sách.
Theo thống kê của cơ quan thuế, ước năm 2023 số thuế nội địa thu được từ sản lượng gần 60.620 xe ô tô du lịch của Trường Hải khoảng 10.390 tỷ đồng. Ghi nhận nhiều năm, Trường Hải chiếm đến 65,5% tổng thu ngân sách (62% dự toán nội địa), chiếm 51,2% giá trị sản lượng công nghiệp toàn tỉnh. Xuất nhập khẩu hay sản xuất công nghiệp, nhất là chế biến, chế tạo phụ thuộc quá nhiều vào sự vận hành sản xuất của ngành ô tô, công nghiệp hỗ trợ.
Một khi Trường Hải không thể đạt mức phát triển như kế hoạch đã định, sẽ kéo theo sự sụt giảm của nền kinh tế địa phương lẫn hụt thu ngân sách. Giám đốc Sở Tài chính Đặng Phong nói, thu từ ô tô Trường Hải chỉ đạt 87,3% dự toán nên dẫn đến thu nội địa năm 2023 không thể vượt dự toán.
Không chỉ Trường Hải, sức khỏe nhiều doanh nghiệp cũng bất ổn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp giảm hơn 22,7% dẫn đến cơ cấu chuyển dịch kinh tế đảo chiều không mong muốn (giá trị ngành nông nghiệp trong cơ cấu GPDP chiếm đến 14,8% thay vì dự kiến từ 9,5 – 9,3%).
Ông Nguyễn Đức – Trưởng ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh nói, kinh tế thế giới bất ổn, chiến sự thế giới leo thang thì số khách tăng gấp 1,6 lần, doanh thu du lịch tăng 2 lần so năm 2022; nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục giữ đà tăng trưởng mức 3,5%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 35.490 tỷ đồng, chiếm 31,4% GRDP và 5/8 chỉ tiêu kinh tế, môi trường đạt kế hoạch... là kết quả đáng ghi nhận.
Nhiều vướng mắc
Số dự án thu hút, đầu tư tại các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) năm 2023 rất hạn chế (7 dự án đăng ký đầu tư CCN, 13 dự án cấp giấy chứng nhận đầu tư hoặc thống nhất đầu tư vào các KCN, khu kinh tế).
Thẩm tra của Ban Kinh tế & ngân sách HĐND tỉnh cũng nêu rõ tiến độ đầu tư, hoàn thiện hạ tầng các CCN còn chậm, khó thu hút doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng các CCN tại địa phương, nhất là miền núi, vùng sâu.
Hoạt động xây dựng gặp quá nhiều khó khăn, vướng mắc bồi thường, giải phóng mặt bằng, thiếu nguồn nguyên liệu đất đắp, giá cả vật liệu, chi phí đầu vào tăng. Những điểm nghẽn này đã khiến nhiều dự án chậm triển khai, kéo dài. Nhiều nhà thầu thi công cầm chừng, bỏ thi công, nhiều dự án không thể kịp hoàn thành...
Theo ông Nguyễn Tri Ấn – Bí thư huyện ủy Núi Thành, khó khăn không chỉ tác động lên sản xuất công nghiệp mà gần như toàn bộ hoạt động của nền kinh tế. Các doanh nghiệp hầu hết gặp khó khăn. Quá nhiều điểm nghẽn, từ dự án đầu tư đến mặt bằng... không tháo gỡ nổi thì địa phương cũng không thể làm được gì để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Ông Bùi Ngọc Ảnh – Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ nói, có quá nhiều văn bản chồng chéo, quy hoạch thiếu hợp lý nên khó thu hút được các dự án đầu tư. Thiếu dự án đầu tư mới thì rất khó để tạo động lực phát triển kinh tế địa phương.
Dưới góc nhìn của cơ quan hành thu, ông Nguyễn Văn Tiếp – Cục trưởng Cục Thuế nói, nhiều nhà đầu tư đã tỏ ra ngại ngần khi nhìn vào giá đất quá cao so với các khu vực lân cận nên không mạnh dạn đầu tư vào địa phương. Đây là một trong những nguyên nhân khiến địa phương khó có thêm năng lực mới để phát triển kinh tế.
Những phân tích của Ban Kinh tế & ngân sách hay các đại biểu chỉ ra không mới. Chính quyền và cơ quan quản lý địa phương đã hiểu, tính toán, đưa ra kế hoạch phát triển, nhưng không dễ dự lường. Khi dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế năm 2023, chính quyền địa phương đã nhìn thấy những khoảng trống của nền kinh tế.
Các phân tích cho thấy nền kinh tế đã bắt đầu suy giảm ngay từ đầu năm. Điểm sáng nền kinh tế chỉ xuất hiện kể từ tháng 6/2023 khi nhiều doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng mới. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp đã tăng đến 18,1%.
Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ từ 1/7/2023 vẫn chưa thực sự tác động nhiều đến sản lượng xe tiêu thụ do sức mua sắm của người dân, doanh nghiệp đã kiệt. Sự suy giảm kéo dài nhiều tháng đã khiến những điểm sáng này không đủ lực để “hóa giải” hay lội ngược dòng để tăng trưởng kinh tế đạt kế hoạch.
Từ những phân tích này cho thấy rất khó dự báo được nền kinh tế địa phương sẽ như thế nào trước các biến động không lường được của thị trường. Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói không thể nào giải quyết hết khó khăn của nền kinh tế. Với những biến động khó lường của thị trường thì việc giảm thiểu hết mức sự sụt giảm của nền kinh tế, cố gắng thu ngân sách nội địa đạt dự toán cũng đã là chuyện thành công của năm 2023.