Điện Bàn nâng chuẩn nông thôn mới
Thị xã Điện Bàn vừa tổ chức sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2023 với nhiều kết quả tích cực, đời sống người dân ngày càng nâng cao.
Nỗ lực về đích
Năm 2021, xã Điện Quang đăng ký phấn đấu xây dựng xã nông thôn mới (NTM) nâng cao. Mặc dù thời điểm này dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nguồn lực đầu tư hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh, thị xã rất khiêm tốn, nhưng bằng sự nỗ lực của chính quyền cùng sự đoàn kết, đồng thuận của người dân trong triển khai thực hiện, đến tháng 3/2022, Điện Quang đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn xã NTM nâng cao.
Ông Hà Văn Minh - Chủ tịch UBND xã Điện Quang cho biết, từ đầu nhiệm kỳ, xã đã ban hành nhiều nghị quyết, văn bản liên quan, đẩy mạnh tuyên truyền trong dân; phân công, phân nhiệm cho từng thành viên phụ trách từng tiêu chí và đứng điểm mỗi thôn để hỗ trợ và phối hợp trong quá trình tổ chức thực hiện… Đến nay, cơ sở hạ tầng văn hóa, giáo dục được đầu tư nâng cấp, hệ thống giao thông nông thôn tiếp tục được mở rộng, cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Tính đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 62,55 triệu đồng/năm (cao hơn 27,41% so với năm 2020), tỷ lệ nghèo đa chiều giảm xuống còn 0,42%; chuyển dịch lao động theo hướng công nghiệp, thương mại diễn ra đồng bộ.
Cụ thể, công nghiệp xây dựng chiếm 39,8%, thương mại, dịch vụ chiếm 35,09%, nông nghiệp chiếm 25,15%. “Những kết quả trên sẽ là cơ sở để địa phương phấn đấu đạt xã NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2023” - ông Minh chia sẻ.
Theo phê duyệt quy hoạch chung thị xã Điện Bàn đến năm 2030 và năm 2045, khu vực nội thị Điện Bàn gồm 12 phường và khu vực ngoại thị gồm 8 xã NTM (Điện Quang, Điện Trung, Điện Phong, Điện Hồng, Điện Thọ, Điện Phước, Điện Hòa, Điện Tiến).
Ngoài Điện Quang đã duy trì và nâng cao chất lượng 19/19 tiêu chí xã NTM nâng cao và dự kiến đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2023, Điện Bàn cũng đã tổ chức thẩm tra và trình tỉnh thẩm định đối với 3 xã Điện Trung, Điện Phong, Điện Phước đạt chuẩn xã NTM nâng cao năm 2023. Với 3 xã Điện Thọ, Điện Hồng, Điện Tiến kế hoạch xây dựng đạt chuẩn xã NTM nâng cao sẽ hoàn thành vào cuối năm 2023.
Phát huy vai trò chủ thể của người dân
Với quan điểm xây dựng NTM là một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, những năm qua thị xã Điện Bàn không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát huy vai trò chủ thể của người dân tham gia xây dựng NTM.
Bà Nguyễn Thị Minh Châu - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn khẳng định, bên cạnh nâng cao năng lực cán bộ làm NTM các cấp, việc lập kế hoạch, phân bổ, sử dụng vốn ngân sách trung ương và huy động các nguồn lực thực hiện xây dựng NTM được thị xã xác định là yếu tố quan trọng.
Tới thời điểm hiện tại, tổng kinh phí phân bổ cho các địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt hơn 61,7 tỷ đồng, bao gồm ngân sách trung ương (hơn 12,7 tỷ đồng), ngân sách tỉnh (hơn 35 tỷ đồng) và ngân sách thị xã (gần 13,8 tỷ đồng).
Tuy nhiên thực tế, tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình trong giai đoạn 2021 - 2023 đạt khoảng 254 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác thực hiện trên địa bàn nông thôn chiếm tỷ lệ khá lớn với khoảng 88,9 tỷ đồng (hơn 35%). Ngoài ra, người dân, doanh nghiệp, HTX, tổ chức kinh tế cũng đóng góp tự nguyện khoảng 70 tỷ đồng (gần 28%) cho mục tiêu xây dựng NTM.
Kết quả, sau 3 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, bộ mặt nông thôn Điện Bàn đã thay đổi rõ nét. Đời sống người dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 là 53,08 triệu đồng, tăng 4,28 triệu đồng so với năm 2021. Tỷ lệ hộ nghèo của 8 xã NTM còn 1,01%...
Dù vậy, viêc triển khai chương trình vẫn còn một số hạn chế, nguồn vốn vận động, huy động xã hội hóa để thực hiện chương trình gặp khó khăn. An ninh nông thôn nhiều địa phương còn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn, các tệ nạn xã hội vẫn thường xuyên xảy ra. Khả năng thu hút doanh nghiệp đầu tư giải quyết lao động, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân còn hạn chế…
Theo bà Nguyễn Thị Minh Châu, để quá trình xây dựng NTM bền vững, thời gian tới cần tăng cường hơn nữa sự thống nhất, quyết tâm chính trị cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, các cấp ngành cần tập trung nâng cao hơn nữa nhận thức, ý thức của người dân cùng tham gia xây dựng NTM. Gắn xây dựng NTM với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung phát triển sản xuất, nâng cao đời sống người dân hiệu quả...