"Góp vốn" cho bảo tàng
Việc các tổ chức, cá nhân tự nguyện hiến tặng cổ vật cho bảo tàng thời gian qua đã góp phần làm tăng số lượng hiện vật ở Bảo tàng Quảng Nam cũng như nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy giá trị cổ vật trong cộng đồng.
Theo ông Trần Văn Đức - Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Quảng Nam, trong hàng chục cuộc điều tra, khai quật di tích tại các địa phương trong tỉnh được thực hiện trong hơn 20 năm qua, hầu như lần nào đơn vị cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía chính quyền và người dân.
Đặc biệt, không ít lần, khi thấy cán bộ của bảo tàng tỉ mẩn thu thập di vật, một số người dân “động lòng”, bèn đem các món đồ mà mình tình cờ nhặt được trong quá trình lao động ra hiến tặng. Các hiện vật này bước đầu gợi ý cho cán bộ bảo tàng về loại hình, tiềm năng cổ vật, giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học của địa điểm khảo cổ...
Cùng với đó, Bảo tàng Quảng Nam còn tiếp nhận nhiều hiện vật có giá trị liên quan đến đời sống, sinh hoạt của người xứ Quảng trong quá khứ, nhất là hiện vật về hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trên địa bàn tỉnh.
Những chiếc cối đá, bình lọ đựng thực phẩm, chum vại, khung dệt...; những lá cờ, tài liệu, quân phục, vật dụng sinh hoạt của bộ đội, du kích... được nhiều người dân và cán bộ kháng chiến cất giữ cẩn thận, khi nghe tin bảo tàng tổ chức sưu tập đã tự nguyện hiến tặng. Trong đó, bên cạnh hiện vật chung còn có cả hiện vật là kỷ vật cá nhân...
“Chúng tôi rất vui và xúc động, bởi ngoài việc tìm kiếm cổ vật, hiện vật trong lòng đất, dưới lòng biển, bằng sự tận tâm của mình, chúng tôi còn “khai quật” được nhiều hiện vật trong lòng người dân xứ Quảng” - ông Trần Văn Đức nói.
Ngoài nguồn hiện vật được người dân địa phương hiến tặng, gần đây, Bảo tàng Quảng Nam còn nhận được số lượng lớn hiện vật từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh hiến tặng. Trong đó, tổ chức đã đóng góp, hiến tặng nhiều nhất là Trung tâm UNESCO nghiên cứu, bảo tồn cổ vật Việt Nam với gần 190 hiện vật.
Những hiện vật, cổ vật này thuộc nhiều loại hình, chất liệu với nhiều niên đại khác nhau, được sưu tầm, tìm kiếm bởi các nhà sưu tập là thành viên của Trung tâm đang sinh sống, làm việc trong và ngoài nước.
Đứng vị trí thứ nhì trong việc hiến tặng hiện vật cho Bảo tàng Quảng Nam là Câu lạc bộ (CLB) UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Quảng Nam, mà người đại diện là ông Phạm Văn Phát, một nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật đang sinh sống tại Tam Kỳ. Năm 2019, nhân dịp ra mắt CLB, tổ chức này đã hiến tặng cho Bảo tàng Quảng Nam 42 hiện vật cổ; trong đó có một số hiện vật cả ngàn năm tuổi.
Mới đây, vào tháng 3 năm nay, CLB UNESCO nghiên cứu, sưu tầm cổ vật Quảng Nam lại hiến tặng thêm cho Bảo tàng Quảng Nam 37 hiện vật nữa, trong đó phần lớn là hiện vật gốm sứ.
Theo ông Phạm Văn Phát, những hiện vật, cổ vật mà CLB của ông hiến tặng cho Bảo tàng tỉnh chủ yếu là do các thành viên trong CLB sưu tầm, tìm kiếm, trao đổi với những người có cùng đam mê trong cả nước.
“Chúng tôi hiến tặng cổ vật, hiện vật không vì mục đích nào khác ngoài mong muốn bảo tàng của tỉnh phong phú và hấp dẫn. Đồng thời đó cũng là một cách để chúng tôi chia sẻ niềm đam mê, làm cho những món đồ quý hiếm của mình được nhiều người biết đến hơn, để những giá trị đặc biệt của chúng được lan tỏa...” - ông Phát nói.
Cũng với niềm say mê sưu tầm và mong muốn các cổ vật quý không bị “chết già” trong kho, ông Lâm Dũ Sên - một nhà sưu tầm cổ vật nổi tiếng ở Quảng Ngãi, thỉnh thoảng lại tìm đến một số bảo tàng lớn trong nước để “ngắm nghía”.
Bảo tàng Quảng Nam là một trong những nơi mà ông tin cậy, muốn chia sẻ, gởi gắm. Vì lẽ đó, ông đã không ngần ngại hiến tặng Bảo tàng Quảng Nam 10 hiện vật quý từ bộ sưu tập của mình...
Theo một cán bộ của Bảo tàng Quảng Nam, trước khi hiến tặng, tất cả hiện vật đều được đo vẽ, giám định, xác định niên đại và lập lý lịch. Chính nhờ cách làm bài bản ấy mà các hiện vật ngay sau khi tiếp nhận đều có thể đưa vào trưng bày, giới thiệu ngay, đáp ứng nhu cầu học tập, tìm hiểu lịch sử - văn hóa cho nhân dân địa phương.
Theo ông Trần Văn Đức, riêng trong năm 2023, trọng tâm chuyên môn của Bảo tàng Quảng Nam là sưu tầm hiện vật liên quan đến văn hóa đồng bào thiểu số miền núi trong tỉnh; sưu tầm bộ con dấu của chính quyền cơ sở Quảng Nam thời kỳ thực dân nửa phong kiến...
Đặc biệt, đơn vị vừa thực hiện xong chương trình điều tra, khảo sát các di tích, địa điểm khảo cổ trên địa bàn 8/18 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Chương trình này sẽ được tiếp tục thực hiện tại các địa phương còn lại trong thời gian đến.
Kết quả của chương trình khảo sát này chính là cơ sở khoa học để lập bản đồ quy hoạch khảo cổ học, đánh giá tiềm năng phục vụ khai quật, xác lập mức độ cấp thiết trong khai quật đối với từng di tích trên địa bàn tỉnh...