Người đọc văn tế của vua Tự Đức trong tang lễ Phạm Phú Thứ
Phạm Phú Thứ (1820 - 1882) và Ông Ích Khiêm (1829 - 1883) là hai danh nhân Quảng Nam. Cả hai đều mang “cốt tính” Quảng Nam nhưng theo hai kiểu khác nhau. Phạm Phú Thứ đã từng hai lần “cứu” Ông Ích Khiêm. Vì thế giữa hai ông có mối giao tình đặc biệt.
Phạm Phú Thứ cứu Ông Ích Khiêm
Năm 1874, khi đang giữ chức Thượng thư Bộ Hộ ở kinh, Phạm Phú Thứ được cử ra Bắc nhận chức Thự Tổng đốc Hải Yên (Hải Dương - Hải Phòng - Quảng Yên) kiêm Tổng lý Thương chánh đại thần. Lúc này Ông Ích Khiêm đang bị “kỷ luật”, mất hết chức vụ phải về quê chữa bệnh “tâm hỏa”. Trước khi đi nhậm chức cụ Phạm về quê thăm gia đình và có ghé thăm Ông Ích Khiêm.
Khi trở lại kinh trong buổi tiệc tiễn đưa có vua Tự Đức dự, ông đã tâu xin nhà vua cho Ông Ích Khiêm theo ông ra Bắc lo vấn đề quân sự, dẹp yên các nhóm phỉ để ông yên tâm lo việc “an dân” và giao thương với nước ngoài.
Vua Tự Đức rất tin tưởng Phạm Phú Thứ nên đã vui vẻ chấp thuận, lại còn nhờ Phạm Phú Thứ “khéo cảm hóa” viên tướng “lắm tài nhiều tật” này! Nhờ vậy Ông Ích Khiêm khỏi hẳn bệnh “tâm hỏa” lại có dịp đem tài năng ra giúp nước cứu dân.
“Đại Nam thực lục” có đề cập chuyện này: “Phạm Phú Thứ từ tỉnh Quảng Nam về kinh bái mạng, sắp đến tỉnh Hải Dương cung chức dâng sớ nói: Hải Dương, Quảng Yên tiếp giáp nhau, việc cầm phòng thực khẩn, hết thảy nhờ ở người, thì tỏ ra mình yếu lắm. Ngày gần đây tướng tài ở đất Bắc chỉ có Tôn Thất Thuyết và viên phải cách là Ông Ích Khiêm là hơi khá. Nay Ông Ích Khiêm cáo bệnh ở nhà, thần lần này về quê, đi qua thăm hỏi, viên ấy nói: “Bệnh cũ ngày một hết, tuổi ngày thêm nhiều, không ra mưu toan báo đáp là phụ ơn phụ lòng”.
Xét về lời nói, hỏi những thân thích hàng xóm, thì bệnh viên ấy đã khỏi, kính xin ban ơn cho Ích Khiêm theo thần đến tỉnh, tạm cấp cho hàm giúp việc coi quân, ủy cho tên ấy hết sức làm việc, thần vẫn điều khiển, may nhờ uy linh nhà vua, có thể được ít việc, thần được chuyên tâm về việc dân, việc buôn. Đấy là thần tuân theo đức ý, phải lo ở trong chức phận, không dám lấy tình riêng cùng châu, cùng làng giúp địa vị cho tên ấy…
Nhà vua bảo rằng: “Ích Khiêm đổi hết lỗi trước, không cho quân đi cướp bóc, không cậy khỏe mà vô lễ, không giấu điều xấu, phô điều tốt, tới việc mà biết sợ, chuộng mưu mà được việc, quân có kỷ luật mới được; già thì nghĩ điều trái, giao người khéo cảm hóa”. (Tập 8, trang 79). Lần đó ra bắc Ông Ích Khiêm đã lập nhiều chiến công.
Lần khác vào năm 1876, khi Ông Ích Khiêm làm Tán tương quân vụ ở quân thứ Bắc Ninh dưới trướng của Tôn Thất Thuyết. Thuyết vốn “tánh kiêu căng hiếu sát mà lòng lại hẹp hòi” không ưa Ông Ích Khiêm, một người ngang bướng không kém nên tìm cách để hãm hại.
Huỳnh Thúc Kháng trên báo Tiếng Dân số ngày 4/1/1934 có kể: “Sau trận đánh với Mọi Diêu, Ông Ích Khiêm tư tờ trình rồi rút quân về tỉnh. Tới tỉnh thì cửa thành đóng kín, quân lính cầm gươm trần đứng gác. Ông Ích Khiêm thấy lạ nên lui quân ra quán nghỉ sáng hôm sau mới vào tỉnh đường. Vừa bước tới phòng khách quan Tổng đốc thì thấy truyền hỏi: “Ai triệu mà về?”.
Nói xong ông Thuyết cho lính chộp cổ Ông Ích Khiêm cho vào nhà giam và cấm trong ngoài không cho giao thông. Lại sai lính đi rao các hàng phố và ngả đường hễ nói đến chuyện Ông Ích Khiêm là chém. Đường phố im lặng không ai dám hở răng. Lúc ấy ai cũng tưởng Ông Ích Khiêm chết về tay ông Thuyết” (Dẫn lại Hồ Ngận trong tác phẩm Quảng Nam Xưa & Nay, NXB Thanh Niên trang 181, 182).
Cũng trong tác phẩm trên cụ Hồ Ngận dựa vào lời kể của một người cháu của Ông Ích Khiêm là Ông Ích Hoàng cho biết thêm: “Khi ông Khiêm bị ông Thuyết bắt giam, bà vợ hầu của ông Khiêm là bà Tây (người Sơn Tây) bèn mượn áo lính mặc vào giả làm lính đem theo giấy bút và một thoi vàng lo lót với viên cai ngục để ông Khiêm viết tờ sớ tâu về vua. Rồi bà đem sớ ấy nhờ Phạm Phú Thứ đưa về triều.
Vua Tự Đức tiếp sớ liền sắc cho Phạm Phú Thứ buộc ông Thuyết phải để Ông Ích Khiêm về Hải Dương nhưng ông Thuyết kiếm cớ không chịu giao. Ông Thứ tâu lại, vua sắc ông Thứ đem binh lính đến dinh Thuyết nhận, nếu Thuyết cố không giao thì lấy đầu Thuyết để nạp. Đến khi ấy Thuyết mới chịu giao Ông Ích Khiêm cho Phạm Phú Thứ” (trang 183, 184).
Vua Tự Đức giúp Ông Ích Khiêm trả ơn
Biết được “giao tình đặc biệt” của hai ông nên khi Phạm Phú Thứ qua đời (1882) vua Tự Đức cũng rất “tế nhị” dành cho Ông Ích Khiêm một đặc ân là thay mặt triều đình đến làm chủ tế trong lễ tang Phạm Phú Thứ và đọc bài văn tế do đích thân nhà vua viết với lời văn thống thiết. Đây là dịp để Ông Ích Khiêm “đền ơn đáp nghĩa” cho người mà mình thọ ân. Bài văn tế của vua Tự Đức được người cháu nội của Phạm Phú Thứ là Phạm Phú Thuần dịch như sau:
“Hỡi ôi! Cúc thơm lan tốt, ngậm ngùi nhớ bậc tôi hiền; Đèn gió sương mai, giây phút hóa người kim cổ, giữa lúc tử sinh, mối tình cảm mộ
Nghĩ đến viên cố Binh bộ Tả tham tri trung thọ Hiệp biện đại học sĩ họ Phạm
Sớm đậu hội đình, trải lâu sĩ lộ, các tía rào xanh đôi lúc, triều quận trọng thanh danh, bẻ sao cờ tiết, nghìn trùng bể khơi trong sóng gió
Việc binh cơ, nửa lời nói tọa trù xong, nghị thương chánh, chẳng mấy ngày thành tích rõ,
Kể Nam trung ưu tú ai bì, thiệt thiên hạ kỳ tài ít có!
Tuy phân công quá, nửa chừng đang nhắc cân, mà nghĩa vua tôi trước sau không xén bỏ
Trẫm nào quên hẳn, thanh gươm kia đang thiết lòng tìm; Khanh nỡ lìa xa, chòm mây trắng bỗng đà bong dấu
Núi Ngũ Hành cỏ biếc, tin gió xuân phảng phất biết là đâu?
Cửa Trà Úc sóng êm, vầng trăng bạc mơ màng dường thấy đó
Ngày sống chung gần đến, ôi, người xưa đã khuất cõi đời
Lễ chén rượu gọi đưa, tỏ lòng trẫm không quên người cũ
Linh sàng có hay, suối vàng rõ thấu!”.
Qua chuyện này mới thấy ngày trước các quan đồng châu Quảng Nam cư xử với nhau đã “khéo”. Vua Tự Đức cư xử với bầy tôi của mình cũng “khéo” không kém!