Nhạc sĩ Phan Văn Hùng và tình yêu quê xứ
Sinh ra và lớn lên ở làng quê có con sông Vu Gia và Thu Bồn chảy qua đã tạo mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, là cảm hứng sáng tác chủ đạo của nhạc sĩ Phan Văn Hùng trên con đường âm nhạc.
Bén duyên với âm nhạc bằng ca khúc đầu tay “Nỗi nhớ hai dòng sông” viết năm 1998, suốt nhiều năm qua, nhạc sĩ Phan Văn Hùng - hội viên Chi hội Âm nhạc (Hội Văn học - Nghệ thuật Quảng Nam) đã lặng lẽ cho ra đời hàng chục ca khúc ấn tượng. Dù có rời xa quê nhà, nhưng những giai điệu của anh vẫn chảy lời thương dòng sông, xứ cũ.
Sông trôi trong từng giai điệu
“Dòng sông ơi, dòng sông ơi/ Năm tháng đi qua, con nước vơi đầy/ Để ai đi tìm điệu lý năm xưa/ Dòng sông ơi ớ hơ…/ Bến chờ bến đợi, ngọt ngào lời ru thắm đượm tình quê/ Ta trở về đây nghe lưu luyến hoài Đại Lộc ơi” (Nỗi nhớ hai dòng sông).
Mỗi người, ai cũng đều có một dòng sông của riêng mình để nhớ thương và tìm về trong bao nhiêu hồi ức mến yêu một thuở đong đầy kỷ niệm. Phan Văn Hùng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Đại Minh (huyện Đại Lộc), lại may mắn hơn khi quê anh có hai con sông lớn Thu Bồn, Vu Gia chảy qua.
Chính vì thế, anh gần như đã bị dẫn dụ bởi cảm xúc rất mãnh liệt với hai dòng sông này… để từ đó chảy theo những giai điệu tràn đầy yêu thương. Trong phần lớn ca khúc Phan Văn Hùng viết đều có bóng dáng của sông, của mảnh vườn, đồng lúa, bờ tre, cánh cò và lời ru của mẹ.
Anh cũng từng là một người lính biên phòng nơi biển đảo Cù Lao Chàm, trở thành thầy giáo mang quân hàm xanh gieo chữ nơi đầu sóng. Những năm tháng đặc biệt ấy luôn để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng nhạc sĩ. Để sau này khi xuất ngũ rồi tốt nghiệp chuyên ngành thanh nhạc tại Trường Đại học Nghệ thuật Huế (nay là Học viện Âm nhạc Huế) về công tác tại Ban Thanh thiếu nhi trường học của Tỉnh đoàn Quảng Nam, niềm hoài nhớ về những ngày ở đảo luôn động cựa trong anh. Ca khúc “Lời tự tình với biển” ra đời là tấc lòng của nhạc sĩ dành cho quãng thanh xuân tươi đẹp ấy.
Học thanh nhạc nhưng Phan Văn Hùng lại đam mê sáng tác. Để có thể theo đuổi đam mê, anh phải tự tìm tòi học thầy, học bạn và nhất là luôn để trái tim rung động với cuộc sống xung quanh.
Đặc biệt, phải biết cách làm chủ cảm xúc để chuyển tải thành giai điệu là điều không dễ dàng. Anh chia sẻ, chính dòng sông quê chảy qua làng Gia Cốc trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo, để mỗi giai điệu được viết ra thêm mượt mà, sâu lắng.
Càng về sau, ca khúc của nhạc sĩ Phan Văn Hùng dù là địa phương ca cũng đằm thắm, chững chạc, hài hòa giữa cảm xúc và tư tưởng nghệ thuật, giữa cấu trúc và phong cách, giữa giai điệu và ca từ. Ví như “Thành phố màu hoàng yến”, “Phú Ninh bản tình ca”, “Tìm em Trà My”, “Vô tình xứ Huế”, “Đồng vọng Quảng Nam”, “Nam Trà My thương nhớ”, “Đại Lộc lời ru” hay “Cười lên những đóa hoa”… cứ thế lặng lẽ đi vào tâm hồn người nghe.
Điều đặc biệt, sau khi từ Tỉnh đoàn (nơi công tác ban đầu) chuyển qua ngành giáo dục, nhất là khi được kết nạp vào sinh hoạt tại Chi hội Âm nhạc năm 2018, Phan Văn Hùng đã dành nhiều tâm huyết viết ca khúc về ngành, về những đổi thay của vùng đất xứ Quảng.
Thời gian này, bản thân anh cũng đã có sự lắng lại để kịp nhận ra những điểm mạnh và hạn chế trong sáng tác của mình. Chính vì thế, trong một số ca khúc, người nghe cảm nhận được một Phan Văn Hùng từ tốn, nhẹ nhàng mà da diết, nghiền ngẫm hơn với cuộc sống để từ đó nhận chân các giá trị mang tính nhân văn.
Sự gặp nhau giữa thơ và nhạc
Ngoài việc để cảm xúc của người nhạc sĩ thăng hoa và chắt lọc thành ca khúc, Phan Văn Hùng còn đồng cảm với thơ của đồng nghiệp, bạn bè để phổ thành những ca khúc khá đẹp. Đó là những bài hát có thể nói mang đậm phong cách phổ thơ rất riêng của Phan Văn Hùng.
Có thể kể đến các ca khúc: “Em có về trường xưa” (phổ thơ Phạm Hữu Thức); “Về với Núi Thành quê anh”, “Đồng đội”, “Thành phố màu hoàng yến”, “Đậu hủ” (phổ thơ thầy giáo quá cố Trương Vũ Thiên An); “Tự tình”, “Xếp nhiêu khê muôn trùng” - thơ Huệ Thi; “Lời gọi trung du” - thơ Diệu Hiền, “Hạnh phúc đời thường” - thơ Lê Ra; “Phía xa xăm” - thơ Lê Văn Ri; “Tóc sẽ buồn như sông đang trôi” - thơ Võ Văn Trường; “Nói với dấu yêu” - thơ Nguyễn Tấn Ái; “Đợi chờ thênh thang” - thơ Thu Nguyệt; “Đóa sen nhiệm mầu” - thơ Lê Thanh… Mỗi bài thơ được phổ nhạc đem đến cho người nghe nhiều cung bậc cảm xúc, đặc biệt không có độ “vênh” và rất mượt mà…
Để làm được điều này, người nhạc sĩ trước hết phải cảm thụ và trân trọng hồn cốt của bài thơ, từ đó tạo sự đồng cảm để biến thành giai điệu. Nhạc sĩ Phan Văn Hùng tâm sự: “Có những bài thơ nói hộ lòng mình, nên khi lồng vào đó giai điệu mọi thứ đến rất tự nhiên, không gượng gạo. Mỗi bài thơ phổ nhạc với tôi đó còn là cái duyên của sự gặp gỡ trong cảm xúc”.
Sinh hoạt ở Chi hội Âm nhạc có thể nói là môi trường khá lý tưởng để một nhạc sĩ vốn không xuất thân từ chuyên ngành sáng tác học hỏi kinh nghiệm, giao lưu qua những chuyến thực tế sáng tác, giới thiệu tác phẩm để hoàn thiện hơn khả năng sáng tạo nghệ thuật của mình.
Nhờ vậy, nhạc sĩ Phan Văn Hùng đã biết khai thác, vận dụng khéo léo âm hưởng dân ca đan xen chất liệu âm nhạc thính phòng vào từng ca khúc, phù hợp với giọng ca có âm vực rộng. Khi sáng tác ca khúc, anh thường chú trọng đến từng phương thức biểu cảm, cấu trúc âm nhạc phù hợp với từng phong cách âm nhạc cụ thể.
Phan Văn Hùng luôn tìm tòi, dành nhiều thời gian để nghiên cứu về hòa thanh, phát triển các chủ đề âm nhạc giàu hình tượng nghệ thuật, chất liệu âm hưởng thính phòng và dân gian hòa quyện vào nhau một cách tự nhiên, trữ tình và tinh tế.
Đây có lẽ là thành quả của nhiều năm làm việc miệt mài trên con đường âm nhạc. Bởi hơn ai hết, người nhạc sĩ hiểu rõ rằng, để ca khúc lắng lại được với thời gian, đọng lại trong tâm hồn người nghe là điều không hề dễ.
Có thể vì thế, một thời gian khá dài, Phan Văn Hùng đã để lòng tự nhiên đi theo giai điệu của thiền và có được một số ca khúc về Phật giáo rất ấn tượng để làm nên một album nhạc riêng biệt mang chủ đề “Tu tâm”. Trong 12 ca khúc của album, có 10 bài đều được viết trên tinh thần và lời thơ của Thượng tọa Thích Chúc Thiện.
Có thể xem album 12 ca khúc nhạc Phật giáo này vừa là cách để nhạc sĩ Phan Văn Hùng tu dưỡng tâm hồn, hướng lòng về cõi nhân ái bình an cũng vừa là cách anh tĩnh tâm lại sau một chặng đường cùng âm nhạc để định hình cuộc dấn thân với loại hình nghệ thuật này ở phía tương lai…
Đối với nhạc sĩ Phan Văn Hùng, ca khúc nào cũng được anh đầu tư, trau chuốt và dành nhiều tâm huyết. Gần đây Phan Văn Hùng đang thử sức với một loại hình âm nhạc khá mới mẻ với anh. Đó là hợp xướng. Anh đang viết dang dở hợp xướng trữ tình về đề tài quê hương với tên gọi “Khúc hương quê”.
Hy vọng rằng, sức sáng tạo của nhạc sĩ Phan Văn Hùng không dừng lại ở những gì đã có, mà còn đi xa hơn, bền bỉ, thăng hoa hơn với con đường âm nhạc, như dòng sông cứ thao thiết chảy mãi trong cuộc đời và quê hương anh…