Thi tốt nghiệp THPT 4 môn và ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc: Không còn "học để thi"
BỘ GD-ĐT “chốt” phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chỉ còn 4 môn, trong đó ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc. Dù phương án nhận được nhiều ý kiến khác nhau nhưng đều chung nhận định, kỳ thi sẽ trở nên nhẹ nhàng, không tạo áp lực cho người dạy lẫn người học, không còn “học để thi”.
Sẽ nhẹ nhàng
Đã quen với kỳ thi tốt nghiệp THPT 6 môn, nên khi Bộ GD-ĐT “chốt” phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 chỉ còn 4 môn, nhiều người cảm thấy phấn khởi.
Thầy Nguyễn Tấn Triều - Hiệu trưởng Trường THPT Núi Thành cho rằng, nhiều giáo viên (GV) của trường ủng hộ phương án thi mới vì sẽ giảm áp lực cho học trò và đỡ tốn kém chi phí khi kỳ thi giảm 1 ngày so với trước đây.
“Ngoài 2 môn Toán, Văn bắt buộc, học sinh (HS) chỉ cần lựa chọn thêm 2 môn trong số các môn học phù hợp với sở trường, sở thích và định hướng tuyển sinh đại học của mình. Từ đó sẽ giúp các em cảm thấy thoải mái trong việc học và thi cử, theo đúng mục tiêu đề ra của chương trình giáo dục phổ thông mới” - thầy Triều nói.
Có băn khoăn khi ngoại ngữ bị loại khỏi danh sách môn thi bắt buộc, thầy Triều cho rằng ngoại ngữ cũng như tin học rất cần thiết với mọi người, nhất là thời đại công nghệ 4.0 như hiện nay.
Tuy nhiên, đây không còn là những môn học mà là kỹ năng đòi hỏi mọi người phải học và thậm chí tự học, bất kể môn thi tự chọn hay bắt buộc. Hơn nữa, trường đại học hiện nay đều test đầu vào Tiếng Anh đối với tân sinh viên và khi tốt nghiệp phải đáp ứng chuẩn đầu ra nên không thể không đầu tư học ngoại ngữ nếu muốn học đại học.
Tất nhiên đối với những HS chỉ có nhu cầu tốt nghiệp THPT hay học nghề thì việc đầu tư cho môn Tiếng Anh tùy thuộc vào khả năng và sở thích và giảm bớt áp lực.
Cho rằng thi tốt nghiệp THPT 4 môn nằm trong kế hoạch điều chỉnh của Bộ GD-ĐT và sẽ tiến tới áp dụng rộng rãi công nghệ thông tin, không thi trên giấy mà thi trên máy để giảm áp lực, giảm chi phí, song hiệu trưởng một trường THPT bày tỏ băn khoăn trước việc ngoại ngữ trở thành môn thi tự chọn.
Theo vị hiệu trưởng này, từ lâu 3 môn Toán, Văn, ngoại ngữ là môn thi bắt buộc và nên duy trì dù thay đổi chương trình, phương pháp giảng dạy. Bởi lẽ, ngoại ngữ nói chung, Tiếng Anh nói riêng rất quan trọng trong đời sống, giúp hội nhập quốc tế. HS rất cần ngoại ngữ để lên đại học rồi ra trường đi làm, ở môi trường nào cũng cần ngoại ngữ.
Thay đổi cách dạy và học
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trần Cao Vân (Tam Kỳ) - thầy Phạm Hùng cho rằng chắc chắn Bộ GD-ĐT đã nghiên cứu kỹ để điều chỉnh kỳ thi tốt nghiệp THPT, hướng đến giảm áp lực thi cử đối với HS và công tác tổ chức coi thi.
Thực tế sau khi có thông tin ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc, một số em học không tốt Tiếng Anh cho biết tâm lý nhẹ nhàng và đây là điều tích cực. Nhưng thời đại công nghệ 4.0 nếu không có khả năng ngoại ngữ sẽ hạn chế rất nhiều đối với bản thân.
Nói về việc có thay đổi cách dạy và học môn Tiếng Anh, theo thầy Hùng, chưa biết sắp tới Bộ GD-ĐT có hướng dẫn gì không còn hiện nay việc triển khai dạy học Tiếng Anh vẫn diễn ra bình thường theo quy định khung chương trình. Chỉ lo ngại khi ngoại ngữ không còn là môn thi bắt buộc dễ dẫn đến tình trạng HS cũng như GV lơ là.
“Trước đây lớp 10, 11 tuân thủ nội dung chương trình song đến lớp 12 GV tập trung dạy kỹ năng làm bài, đọc hiểu ngữ pháp nhằm giúp HS đạt mục đích đạt kết quả tốt vì thi tốt nghiệp THPT không có phần nghe, nói. Còn sắp tới đây, GV có điều kiện dạy đủ các kỹ năng và đây là điều thuận lợi để nâng cao chất lượng” - thầy Hùng chia sẻ.
Cô Nguyễn Thị Viển - GV Tiếng Anh trường THPT Núi Thành cho rằng thật ra dư luận bàn tán vừa qua chủ yếu của người lớn chứ HS rất ít. “Vì GV, HS cảm thấy bình thường và nếu suy nghĩ tích cực, đó là động lực để nâng cao chất lượng dạy và học” - cô Viển chia sẻ.
Cho rằng không còn “học để thi”, cô Viển nói trước đây HS không muốn cũng phải học, còn GV tập trung dạy để học trò có điểm nên phải bám sát theo ma trận. Nhưng với thay đổi này, HS học theo sở thích của mình, thầy cô dạy để các em có thể giao tiếp chứ không phải học để thi.
"Hiện nay theo chương trình mới HS tự chọn môn học và lên đại học vẫn phải học môn Tiếng Anh nên tư tưởng các em nhẹ nhàng hơn chứ không phải vì thi phải học hay không thi không học. Từ việc không còn là môn thi bắt buộc sẽ thay đổi tư duy của các em, hãy xem Tiếng Anh là ngôn ngữ chứ không còn là môn học sẽ tạo ra cảm hứng cho việc học ngoại ngữ” - cô Viển nói.