"Đối ứng" với doanh nghiệp, doanh nhân
1. UBND tỉnh cho biết, dự kiến năm 2023 Quảng Nam có 1.100 doanh nghiệp thành lập mới.
Trước đó, theo báo cáo 10 tháng, toàn tỉnh có 912 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, cùng 176 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và 158 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.
Những con số đó cho thấy chủ doanh nghiệp - những doanh nhân đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn thế nào. Những con số đem đến bao suy ngẫm khi đối sánh.
Doanh nghiệp được lèo lái bởi doanh nhân. Doanh nghiệp có thể phá sản, giải thể, nhưng còn doanh nhân là còn có cơ hội “tái khởi”. Sự lớn mạnh hay cơ hội “tái khởi” của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào từng bước đồng hành của chính quyền và cơ quan, ban ngành các cấp với doanh nhân.
Hôm rồi ngồi với người bạn có công ty hoạt động trong lĩnh vực thi công cầu đường, năm hết, hỏi chuyện làm ăn, bèn bảo: “Có ra chi!”. Với dân Quảng Nam, chỉ 3 chữ đó thôi đã ngẫm ra đủ chuyện “có mà là không”.
Sẵn nói chuyện làm ăn khó, người bạn này kể: Có anh chủ doanh nghiệp nhận thi công một hạng mục giao thông. Khi công trình sắp hoàn thành thì rơi vào thời điểm vật liệu thông thường khan hiếm (!), anh chạy khắp nơi tìm đất đắp nền nhưng vẫn không ra nguồn cung.
Không có đất đắp nền sẽ trễ hạn bàn giao công trình; trong thế khó bỗng “ló cái khôn”, sẵn nhà có vườn rộng, anh cho công nhân về múc đất đem đắp nền thi công công trình…
Nghe đến đây, nghĩ anh này cũng đã linh hoạt “xoay” cho mình một cái kết có hậu, nhưng không. Rất nhanh sau đó, lực lượng chức năng xuất hiện, yêu cầu cung cấp chứng từ truy xuất nguồn gốc vật liệu đắp nền… Phạt!
Trong các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc, lãnh đạo tỉnh luôn ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân vào sự phát triển chung của địa phương.
Chính quyền cũng luôn cam kết đồng hành, sẵn sàng, linh hoạt vận dụng tối đa chính sách trong khuôn khổ quy định của pháp luật, hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, tạo môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp - doanh nhân. Nhưng đâu đó vẫn còn những “điểm nghẽn” trong thực thi từ người thừa hành.
2. Giữa tháng 5/2023, UBND tỉnh thành lập và kiện toàn Tổ công tác đặc biệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Cuối tháng 6/2023, tỉnh xây dựng kế hoạch với mục tiêu đưa Quảng Nam trở lại tốp 20 tỉnh thành thuộc nhóm trên của Bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI.
Trong nhiều giải pháp, UBND tỉnh chủ trương ưu tiên giải quyết ngay các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, và đặc biệt yêu cầu địa phương, cơ quan liên quan “không tự đặt thêm điều kiện kinh doanh dưới mọi hình thức”…
Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, với mục tiêu “xây dựng đội ngũ doanh nhân tỉnh Quảng Nam lớn mạnh toàn diện”.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra bao hàm các tiêu chí: lớn mạnh về số lượng, chất lượng; có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng; năng động, sáng tạo; năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật; có đạo đức, văn hóa kinh doanh; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường; đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Và một giải pháp quan trọng Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt ra là “Có cơ chế ngăn ngừa, xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức của các đơn vị có hành vi gây khó dễ, nhũng nhiễu, tiêu cực đối với doanh nghiệp, doanh nhân”.
Những giải pháp trên thật sự cần thiết! Bởi, cùng với yêu cầu đặt ra cho doanh nhân, doanh nghiệp, cần có sự “đối ứng” tương xứng từ chính quyền, cán bộ, cơ quan chức năng bằng hành động thực tế và không phải là đồng hành nhưng bước thấp bước cao.