Cuộc thi "Tìm hiểu cải cách hành chính và chuyển đổi số": Cách làm hiệu quả về truyền thông
Sau gần 2 tháng tranh tài, cuộc thi “Tìm hiểu cải cách hành chính và chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam năm 2023” do Sở TT-TT phối hợp với Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh tổ chức đã khép lại với nhiều ấn tượng và sự lan tỏa về mặt truyền thông.
Hấp dẫn chung kết
Cuộc thi Tìm hiểu cải cách hành chính (CCHC) và chuyển đổi số (CĐS) tỉnh Quảng Nam năm 2023 được khai mạc vào ngày 10/10 nhân sự kiện Ngày CĐS quốc gia. Cuộc thi có sự tham dự của 18 đội thi là các cán bộ, công chức, viên chức đến từ 18 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Trải qua vòng loại và bán kết, 3 đội thi xuất sắc nhất (Núi Thành, Thăng Bình và Phước Sơn) đã góp mặt tại vòng chung kết diễn ra tại phim trường Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh vào cuối tuần qua. Vòng thi chung kết diễn ra vô cùng gay cấn, các đội thi nỗ lực để giành những điểm số quan trọng qua 4 phần thi Chào hỏi, Sáng tạo số, Kỹ năng số và Tăng tốc số.
Theo dõi phần thi Sáng tạo số, người xem dễ dàng hiểu được những mô hình nổi bật ở các địa phương nhờ việc các đội thi lồng ghép tiểu phẩm ngắn kèm phần giới thiệu của người trình bày.
Huyện Thăng Bình giới thiệu đến khán giả về mô hình Ngân hàng máu sống trực tuyến giúp kết nối tình nguyện viên hiến máu ở 22 câu lạc bộ trên toàn huyện. Trong khi đó, huyện Núi Thành tự tin với mô hình “Công dân không viết” trong giải quyết thủ tục hành chính ở bộ phận mộ cửa.
Còn huyện miền núi Phước Sơn chọn những kết quả về hạ tầng mạng, wifi... để truyền thông. Còn thông tin từ đội thi huyện Phước Sơn cho biết, hiện địa phương này đã có 32/42 thôn, tổ dân phố đã lắp đặt wifi cộng đồng tại nhà sinh hoạt cộng đồng; 95% thôn, tổ dân phố phủ sóng điện thoại di động và sử dụng mạng 3G/4G. Ngoài ra, cả 12 xã, thị trấn trên địa bàn đã lắp đặt hệ thống kết nối họp trực tuyến với Chính phủ, tỉnh, huyện…
Gay cấn nhất ở vòng thi chung kết nằm ở phần thi Kỹ năng số và Tăng tốc số. Nếu như phần thi Kỹ năng số, độ khó các câu hỏi được ban tổ chức nâng lên so với vòng loại và bán kết khiến các đội thi khó giành điểm, thì ở phần thi cuối cùng, các đội đã tận dụng tối đa thời gian để nâng điểm số.
Tại phần thi này, đội Thăng Bình có cú bứt phá khi giành được 60 điểm, Phước Sơn 45 điểm và Núi Thành 40 điểm. Nhờ đó, đội Thăng Bình đã giành được giải Nhất cuộc thi với 168 điểm, đội Phước Sơn theo sát sau với 162 điểm và đội xếp thứ 3 là Núi Thành với 152 điểm.
Một cách tuyên truyền hiệu quả
Tham gia thành viên đội thi CCHC và CĐS của huyện, ông Trần Hữu Phước - Phó Giám đốc Trung tâm VHTT&TTTH Thăng Bình cho biết, trước mỗi vòng thi, đội tổ chức họp, hội ý để đưa ra những nội dung phù hợp nhất.
Mỗi phần thi, đội mong muốn gửi gắm từng chủ đề cụ thể. Đơn cử, ở phần thi Sáng tạo số tại chung kết, đội đã mang đến thông điệp mới, mang tính nhân văn trong CCHC và CĐS, đó là mô hình Ngân hàng máu sống trực tuyến.
“Thật vui khi huyện Thăng Bình đạt được kết quả cao nhất tại cuộc thi này. Đây là sân chơi bổ ích về công tác CCHC và CĐS. Từ các mô hình, cách làm, phương pháp được các đội thi giới thiệu, chúng tôi sẽ học tập, nghiên cứu để áp dụng tại địa phương, góp phần nâng cao hiệu quả công tác CCHC và CĐS trong thời gian tới” - ông Phước nói.
Được biết, toàn bộ 6 cuộc thi vòng loại, 2 cuộc thi vòng bán kết và 1 cuộc thi chung kết của cuộc thi Tìm hiểu CCHC và CĐS tỉnh Quảng Nam năm 2023 đều được ghi hình và phát sóng trên sóng truyền hình.
Theo ban tổ chức, qua 9 cuộc thi diễn ra tại phim trường có khán giả của Đài Phát thanh - truyền hình tỉnh đã thu hút hơn 1.000 lượt khán giả cổ vũ trực tiếp. Ngoài ra, khi các cuộc thi vòng loại, bán kết được đăng tải kịp thời trên sóng truyền hình QRT đã thu hút có hàng nghìn lượt khán giả xem.
Đồng thời, kênh youtube cũng có hơn 5.000 người xem. Cuộc thi còn được truyền thông rộng rãi trên các kênh báo chí trung ương, địa phương khác và cổng chuyển đổi số quốc gia, các nền tảng mạng xã hội…
Ông Phạm Hồng Quảng - Giám đốc Sở TT-TT, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, cuộc thi “Tìm hiểu CCHC và CĐS tỉnh Quảng Nam năm 2023” là một trong những hình thức góp phần tăng cường công tác truyền thông đến với toàn dân.
Cuộc thi là sân chơi trí tuệ, lành mạnh và bổ ích nhằm giúp cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở nắm vững những kỹ năng cũng như lộ trình cải CCHC và CĐS, góp phần hình thành xã hội số, gắn kết với bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho người sử dụng.
“Trong các năm tiếp theo, chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh duy trì việc tổ chức cuộc thi phát trên sóng truyền hình cho đối tượng là các Tổ công nghệ cộng đồng toàn tỉnh. Hy vọng hoạt động này tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành của tỉnh và sự tham gia nhiệt tình của các địa phương” - ông Quảng chia sẻ.