[TRỰC TUYẾN] - Tư vấn "Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế - Điểm tựa của mọi người"
(QNO) - Sáng nay 12/12/2023, lúc 8 giờ tại Báo Quảng Nam (142 Phan Bội Châu, TP.Tam Kỳ), Bảo hiểm xã hội tỉnh Quảng Nam và Báo Quảng Nam phối hợp tổ chức buổi tư vấn trực tuyến chính sách bảo hiểm xã hội với chủ đề “Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế - Điểm tựa của mọi người”.
Buổi tư vấn nhằm truyền thông đến người lao động, người sử dụng lao động và đông đảo người dân cũng như chủ doanh nghiệp... nắm bắt, hiểu rõ các vấn đề liên quan đến chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế (BHXH, BHTN, BHYT); một số quy định mới về quyền lợi khám chữa bệnh BHYT theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP hay chế độ BHXH đối với người lao động tại các đơn vị chưa đóng đủ; quy định mới về khám bệnh, chữa bệnh BHYT bằng công cước công dân...
Chương trình được phát trực tiếp trên Báo Quảng Nam điện tử tại địa chỉ https://baoquangnam.vn và Trang thông tin điện tử của BHXH Quảng Nam tại địa chỉ https://quangnam.baohiemxahoi.gov.vn. Thời gian diễn ra cuộc giao lưu từ 8 giờ đến 11 giờ ngày 12/12/2023.
LTS: Trong buổi sáng 12/12, chương trình tư vấn đã nhận được hơn 50 câu hỏi của bạn đọc gửi đến nhờ giải đáp các chính sách BHXH, BHYT, BHTN và các chế độ chính sách liên quan… Song do thời lượng có hạn, nhiều câu hỏi của bạn đọc chưa trả lời kịp, các phòng nghiệp vụ của BHXH tỉnh Quảng Nam sẽ tiếp tục trả lời và cập nhật bên dưới.
Câu hỏi 32: Trước đây tôi nghỉ việc, tôi đã trả lại sổ BHXH. Hiện tại tôi đi làm lại và muốn làm lại sổ thì cần thủ tục gì đặc biệt không? Phòng nhân sự của công ty nói với tôi là sẽ được cấp lại sổ, số BHXH là số cũ. Nhưng hiện tại tôi vẫn chưa thấy được cấp sổ BHXH.
Bà Nguyễn Thị Minh Thư - Phó Chánh Văn phòng BHXH Quảng Nam trả lời:
Theo quy định tại khoản 2, Điều 18 Luật BHXH 2014 thì người lao động được cấp và quản lý sổ BHXH của mình. Trường hợp sổ BHXH bị mất thì bạn đề nghị cơ quan BHXH cấp lại sổ.
* Hồ sơ cấp lại sổ BHXH do mất, hỏng: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (mẫu TK1-TS).
* Nộp hồ sơ:
- Người đang làm việc nộp hồ sơ cho đơn vị nơi đang làm việc hoặc nộp cho cơ quan BHXH trực tiếp thu.
- Người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH nộp cho cơ quan BHXH nơi cư trú.
Đề nghị bạn đối chiếu với quy định nêu trên để làm thủ tục và nộp hồ sơ cấp lại sổ đúng theo quy định.
Câu hỏi 31: Thủ tục khám bệnh, chữa bệnh BHYT mới nhất theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP như thế nào?
Ông Dương Phú Đức - Tổ tư vấn pháp lý về chính sách BHYT trả lời:
Theo quy định tại Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP và khoản 6, Điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung Nghị định 146/2018/NĐ-CP được quy định như sau:
1. Người tham gia BHYT khi khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh hoặc căn cước công dân.
2. Trường hợp xuất trình thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình thêm một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc giấy xác nhận của công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác hoặc giấy tờ được định danh điện tử mức độ 2 theo quy định tại Nghị định 59/2022/NĐ-CP.
3. Trẻ em dưới 6 tuổi đến khám bệnh, chữa bệnh chỉ phải xuất trình thẻ BHYT. Trường hợp trẻ chưa được cấp thẻ BHYT thì phải xuất trình bản sao giấy chứng sinh hoặc bản sao giấy khai sinh; trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định 146/2018/NĐ-CP và chịu trách nhiệm về việc xác nhận này.
4. Người tham gia BHYT trong thời gian chờ cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT do cơ quan BHXH hoặc tổ chức, cá nhân được cơ quan BHXH ủy quyền tiếp nhận hồ sơ cấp lại thẻ, đổi thẻ cấp theo Mẫu số 4 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP và một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó.
5. Người đã hiến bộ phận cơ thể đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình các giấy tờ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 nêu trên. Trường hợp phải điều trị ngay sau khi hiến thì thủ trưởng cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi lấy bộ phận cơ thể và người bệnh hoặc thân nhân của người bệnh ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 146/2018/NĐ-CP và chịu trách nhiệm về việc xác nhận này.
6. Trường hợp chuyển tuyến khám bệnh, chữa bệnh, người tham gia BHYT phải xuất trình hồ sơ chuyển tuyến của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và giấy chuyển tuyến theo Mẫu số 6 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP. Trường hợp giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng đến hết ngày 31/12 nhưng đợt điều trị chưa kết thúc thì được sử dụng giấy chuyển tuyến đó đến hết đợt điều trị.
7. Trường hợp khám lại theo yêu cầu điều trị, người tham gia BHYT phải có giấy hẹn khám lại của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo Mẫu số 5 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP.
8. Trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được đến khám bệnh, chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào và phải xuất trình các giấy tờ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 hoặc khoản 3 nêu trên trước khi ra viện. Khi hết giai đoạn cấp cứu, người bệnh được cơ sở khám bệnh, chữa bệnh làm thủ tục chuyển đến khoa, phòng điều trị khác tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó để tiếp tục theo dõi, điều trị hoặc chuyển tuyến đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác thì được xác định là đúng tuyến khám bệnh, chữa bệnh.
9. Đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm cung cấp cho người bệnh khi ra viện các giấy tờ, chứng từ hợp lệ liên quan đến chi phí khám bệnh, chữa bệnh để người bệnh thanh toán trực tiếp với cơ quan BHXH theo quy định tại các Điều 28, 29 và 30 Nghị định 146/2018/NĐ-CP.
10. Người tham gia BHYT trong thời gian đi công tác, làm việc lưu động, học tập trung theo các hình thức đào tạo, chương trình đào tạo, tạm trú được khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng tuyến hoặc tương đương với cơ sở đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu ghi trên thẻ BHYT và phải xuất trình các giấy tờ quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 hoặc khoản 4 nêu trên và một trong các giấy tờ sau đây (bản chính hoặc bản chụp): giấy công tác, quyết định cử đi học, thẻ học sinh, sinh viên, giấy tờ chứng minh đăng ký tạm trú, giấy chuyển trường.
Đồng thời, từ 1/6/2021, căn cứ Công văn 1493/BHXH-CSYT ngày 31/5/2021 của BHXH Việt Nam về việc sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để khám chữa bệnh BHYT: Người bệnh BHYT đến khám, chữa bệnh được sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế cho việc sử dụng thẻ BHYT giấy.
Câu hỏi 30: Hiện nay đơn vị tôi đang gặp khó khăn về vấn đề tài chính, tính đến thời điểm hiện tại thì đã nợ 6 tháng lương và BHXH của người lao động. Hiện tại tôi đang mang thai và dự kiến sinh vào đầu tháng 1/2024. Trường hợp của tôi có được hưởng chế độ thai sản không? Nếu không được thì có cách nào để tôi có thể hưởng chế độ thai sản theo quy định của Nhà nước?
Ông Châu Ngọc Quang - Trưởng phòng Chế độ BHXH trả lời:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật BHXH: “Người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định đối với người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động”.
Theo đó, bạn đề nghị cơ quan thực hiện đóng BHXH đầy đủ, kịp thời để đảm bảo quyền lợi về chế độ BHXH cho người lao động.
Câu hỏi 29: Năm 2020 tôi có tham gia BHXH ở công ty cũ khu vực Bắc Trà My nhưng tôi đã mất những tờ rời đó. Hiện tại tôi tham gia BHXH ở khu vực Tam Kỳ và muốn xin cấp lại tờ rời của công ty cũ là khu vực Bắc Trà My thì lên BHXH ở khu vực Tam Kỳ cấp lại được không?
Bà Nguyễn Thị Minh Thư - Phó Chánh Văn phòng BHXH Quảng Nam trả lời:
Theo Quyết định 1318/QĐ-BHXH ngày 19/9/2023 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, quy định việc nộp hồ sơ cấp lại, đổi, điều chỉnh thông tin trên sổ BHXH, thẻ BHYT đối với người tham gia như sau:
Người đang làm việc: Nộp hồ sơ cho đơn vị nơi đang làm việc hoặc nộp cho cơ quan BHXH trực tiếp thu. Người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH: Nộp cho cơ quan BHXH trên toàn quốc.
Đề nghị bạn đối chiếu với quy định nêu trên để nộp hồ sơ đề nghị cấp lại sổ BHXH theo quy định.
Câu hỏi 28: Đầu năm 2018 tôi có làm việc tại công ty bưu chính, đến cuối năm 2019 thì nghỉ việc, lúc đó mới đi làm nên không biết về các chính sách về BHXH nên không rõ có được tham gia đóng BHXH hay không. Sau đó tôi chuyển qua làm việc tại một công ty bảo vệ từ cuối năm 2019 đến tháng 6/2020.
Bây giờ tôi muốn kiểm tra thì làm thế nào, tôi có thử đăng ký tài khoản trên ứng dụng VssID thì thông báo mã số BHXH đã được đăng ký, nhưng tôi chưa thực hiện đăng ký nào trên ứng dụng cả. Rất mong được sự phản hồi.
Bà Trần Thị Thu Hồng - Trưởng phòng Quản lý thu - sổ, thẻ trả lời:
Nội dung câu hỏi của bạn thông tin không cụ thể. Để kiểm tra quá trình đóng BHXH, bạn vui lòng cung cấp thêm thông tin cá nhân (họ tên, ngày sinh, mã số BHXH, số CCCD) để cơ quan BHXH hỗ trợ hoặc liên hệ BHXH tỉnh Quảng Nam (Phòng Quản lý thu - sổ, thẻ; điện thoại: 0235.3859771) để được hỗ trợ tra cứu.
Bạn đăng ký tài khoản trên ứng dụng VssID chưa thành công, bạn vui lòng liên hệ số điện thoại 0235.3845514 - Phòng Truyền thông - BHXH tỉnh Quảng Nam để được hướng dẫn.
Câu hỏi 27: Tôi vừa mua BHYT, vậy thời gian cơ quan BHXH cấp mới thẻ BHYT tính từ ngày nhận đủ tiền và hồ sơ hợp lệ?
Bà Trần Thị Thu Hồng - Trưởng phòng Quản lý thu - sổ, thẻ trả lời:
Căn cứ điểm c, khoản 10 Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; khoản 8, Điều 13 Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018; khoản 2, Điều 47 Quyết định hợp nhất số 2525/VBHN-BHXH ngày 15/08/2023:
- Trường hợp có thời gian tham gia BHYT liên tục, thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày đóng BHYT.
- Trường hợp tham gia BHYT lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên trong năm tài chính thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày người tham gia nộp tiền đóng BHYT.
Nội dung câu hỏi của bạn chưa rõ là bạn tham gia BHYT có liên tục hay không. Bạn vui lòng liện hệ BHXH tỉnh Quảng Nam (Phòng Quản lý thu - sổ, thẻ, số điện thoại: 0235.3859771) để được hỗ trợ tư vấn.
Câu hỏi 26: Tôi tham gia BHXH đến tháng 7/2022. Tháng 8/2023, tôi nộp hồ sơ nhận BHXH một lần và được giải quyết vào ngày 3/8/2023 (đã được chuyển tiền vào số tài khoản cá nhân 1-2 ngày sau đó). Đến ngày 7/8/2023, tôi ký hợp đồng chính thức với công ty mới, vậy tôi có bị thu hồi số tiền đã hưởng trợ cấp BHXH một lần hay không?
Ông Châu Ngọc Quang - Trưởng phòng Chế độ BHXH trả lời:
Theo quy định pháp luật hiện hành, người lao động nghỉ việc sau 12 tháng mà không tiếp tục tham gia BHXH, nếu có nhu cầu nhận BHXH một lần thì được cơ quan BHXH giải quyết theo quy định.
Câu hỏi 25: Tôi xin hỏi, người tham gia BHYT theo hộ gia đình đã đóng đủ số tiền theo phương thức đã đăng ký được hoàn trả tiền đóng trong trường hợp nào?
Bà Trần Thị Thu Hồng - Trưởng phòng Quản lý thu - sổ, thẻ trả lời:
Căn cứ Khoản 1, Điều 20 Quyết định số 2525/VBHN-BHXH ngày 15/8/2023, người tham gia BHYT theo hộ gia đình được hoàn trả tiền đóng BHYT trong các trường hợp sau:
- Người tham gia được cấp thẻ BHYT theo nhóm đối tượng mới, nay báo giảm giá trị sử dụng thẻ đã cấp trước đó (có thứ tự đóng xếp sau đối tượng mới theo quy định tại Điều 12 Luật BHYT).
- Bị chết trước khi thẻ BHYT có giá trị sử dụng.
Nếu bạn tham gia BHYT hộ gia đình thuộc trường hợp nêu trên, vui lòng liên hệ cơ quan BHXH để được hướng dẫn thủ tục hoàn trả.
Câu hỏi 24: Người tham gia BHXH tự nguyện chết thuộc trường hợp nào thì thân nhân theo quy định được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng?
Ông Châu Ngọc Quang - Trưởng phòng Chế độ BHXH trả lời:
Người tham gia BHXH tự nguyện chết mà có từ đủ 15 năm đóng BHXH bắt buộc trở lên nhưng chưa hưởng BHXH một lần thì thân nhân được hưởng chế độ trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định.
Tham khảo điều kiện về thân nhân được hưởng tuất hằng tháng:
Điều kiện đối với thân nhân được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng như sau:
(1) Con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai.
(2) Vợ từ đủ 55 tuổi trở lên hoặc chồng từ đủ 60 tuổi trở lên; vợ dưới 55 tuổi, chồng dưới 60 tuổi nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
(3) Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia BHXH đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu từ đủ 60 tuổi trở lên đối với nam, từ đủ 55 tuổi trở lên đối với nữ.
Cha đẻ, mẹ đẻ, cha đẻ của vợ hoặc cha đẻ của chồng, mẹ đẻ của vợ hoặc mẹ đẻ của chồng, thành viên khác trong gia đình mà người tham gia BHXH đang có nghĩa vụ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình nếu dưới 60 tuổi đối với nam, dưới 55 tuổi đối với nữ và bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Thân nhân quy định như trên (trừ con chưa đủ 18 tuổi; con từ đủ 18 tuổi trở lên nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; con được sinh khi người bố chết mà người mẹ đang mang thai) phải không có thu nhập hoặc có thu nhập hằng tháng nhưng thấp hơn mức lương cơ sở. Thu nhập theo quy định tại luật này không bao gồm khoản trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công.
Câu hỏi 23: Tôi công tác tại TP.Tam Kỳ nên cơ quan đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu là Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nhưng do thường xuyên về và có nhu cầu khám chữa bệnh tại Núi Thành nên tôi xin hỏi thời điểm nào được đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu?
Bà Nguyễn Thị Minh Thư - Phó Chánh Văn phòng BHXH tỉnh Quảng Nam trả lời:
Theo quy định tại Văn bản hợp nhất 2525/VBHN-BHXH ngày 15/8/2023 của BHXH Việt Nam ban hành Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT thì người tham gia BHYT được thay đổi cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu vào tháng đầu quý.
* Hồ sơ thay đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu gồm:
- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (mẫu TK1-TS);
- Thẻ BHYT còn giá trị.
* Nộp hồ sơ: Người đang làm việc nộp cho đơn vị nơi đang làm việc hoặc nộp cho cơ quan BHXH nơi quản lý.
Câu hỏi 22: Cho tôi hỏi hiện tại đã áp dụng chi ốm đau khi nhân viên nghỉ 1 buổi chưa?
Ông Châu Ngọc Quang - Trưởng phòng Chế độ BHXH trả lời:
Luật BHXH năm 2014 và văn bản hướng dẫn không quy định giải quyết chế độ ốm đau 1/2 ngày mà chỉ quy định nghỉ ốm đau 1 ngày trở lên. Dự thảo Luật BHXH sửa đổi năm 2024 có quy định nội dung về giải quyết chế độ ốm đau tính theo buổi (đủ 1 buổi). Hiện nay quy định này chưa được Quốc hội thông qua.
Câu hỏi 21: Tôi là nữ, 43 tuổi. Tôi tham gia BHXH bắt buộc được 13 năm, từ tháng 10/2004 đến tháng 1/2020. Hiện tại tôi là lao động tự do và muốn tham gia BHXH tự nguyện. Quý đơn vị cho tôi hỏi:
1. Nếu tôi muốn đến tuổi hưu theo quy định nhận mỗi tháng 5 triệu đồng lương hưu, thì bây giờ tôi phải chọn mức đóng BHXH tự nguyện là bao nhiêu?
2. Tôi sẽ có 2 quá trình tham gia: BHXH tự nguyện, BHXH bắt buộc. Vậy cách tính lương hưu theo quy định nào? Quý cơ quan có thể hướng dẫn tôi cách tính để tôi chủ động trong cách chọn mức đóng BHXH cho bản thân.
Bà Đỗ Thị Bích Hoa - Trưởng phòng Truyền thông trả lời:
Vì nội dung bạn hỏi chưa rõ ràng, thông tin bạn đưa ra chưa đủ cơ sở để tính được lương hưu hằng tháng sẽ là bao nhiêu, ví dụ: bạn tham gia BHXH bắt buộc theo theo thang bảng lương của công chức, viên chức hay theo mức đóng bằng tiền,… nên bạn có thể tham khảo thêm những quy định sau:
1. Theo quy định, tiền lương hưu được tính trên cơ sở thời gian đóng BHXH và mức thu nhập bình quân đóng BHXH. Cụ thể:
Lương hưu = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân thu nhập đóng BHXH.
Để được hưởng lương hưu, bạn phải đảm bảo 2 điều kiện về tuổi nghỉ hưu và thời gian tham gia BHXH. Cụ thể:
- Với tuổi của bạn như hiện nay thì đủ tuổi nghỉ hưu là 60 tuổi.
- Thời gian tham gia BHXH: Ít nhất 20 năm (theo quy định Luật BHXH hiện hành) + bạn là nữ, 43 tuổi, tham gia BHXH bắt buộc 13 năm, vậy bạn phải tham gia tham gia BHXH tự nguyện ít nhất 7 năm nữa thì bạn mới đủ điều kiện về thời gian tham gia BHXH để nghỉ hưu. Lúc đó tỷ lệ hưởng là 55%.
Sau đó, mỗi năm tham gia thêm sẽ được cộng 2% cho đến khi đạt 75%. Thời gian tham gia càng dài Tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ càng cao.
+ Để được hưởng lương hưu với mức 5 triệu đồng/tháng, bạn sẽ phải cung cấp thêm thông tin thì mới có thể tư vấn cho bạn được.
2. Nếu người lao động có cả tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện thì mức thu nhập làm căn cứ tính lương hưu sẽ được tính bình quân cả 2 quá trình (Điều 20, Thông tư 59/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 của Bộ LĐ-TB&XH).
- Với BHXH bắt buộc thì phụ thuộc vào bạn đóng BHXH theo thang bảng lương của công chức, viên chức của Nhà nước, thời điểm bắt đầu đóng BHXH hay theo mức đóng bằng tiền.
- Với BHXH tự nguyện thì được tính bình quân cả quá trình tham gia.
Bạn có thể đến cơ quan BHXH cung cấp thông tin cụ thể hơn để được hỗ trợ, tư vấn trực tiếp hoặc liên hệ số điện thoại của Phòng Truyền thông BHXH tỉnh Quảng Nam: 0235.3845514 hoặc thông qua Cổng thông tin điện tử BHXH tỉnh tại địa chỉ: www.quangnam.baohiemxahoi.gov.vn; fanpage BHXH tỉnh Quảng Nam, Zalo AO BHXH tỉnh Quảng Nam.
Câu hỏi 20: Xin hỏi khi tôi chuyển tuyến người thân của mình (có thẻ BHYT và chuyển tuyến theo chỉ định của bệnh viện) thì trường hợp nào được chi trả chi phí vận chuyển người bệnh?
Ông Dương Phú Đức - Tổ tư vấn pháp lý về chính sách BHYT trả lời:
Căn cứ quy định tại khoản 1, Ðiều 26 Nghị định số 146/2018/NÐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT quy định thanh toán chi phí vận chuyển người bệnh:
1. Người tham gia BHYT thuộc đối tượng quy định tại các khoản 3, 4, 7, 8, 9 và 11 Ðiều 3 Nghị định này (bao gồm: người có công với cách mạng theo quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; cựu chiến binh; trẻ em dưới 6 tuổi; người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng theo quy định của pháp luật về người cao tuổi, người khuyết tật, đối tượng bảo trợ xã hội; người thuộc hộ gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo; thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con của liệt sĩ, người có công nuôi dưỡng liệt sĩ), trong trường hợp cấp cứu hoặc đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật từ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến huyện lên tuyến trên, bao gồm:
a) Từ tuyến huyện lên tuyến tỉnh.
b) Từ tuyến huyện lên tuyến trung ương.
2. Trường hợp không sử dụng phương tiện vận chuyển của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì quỹ BHYT thanh toán chi phí vận chuyển một chiều (chiều đi) cho người bệnh theo mức bằng 0,2 lít xăng/km tính theo khoảng cách thực tế giữa hai cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và giá xăng tại thời điểm chuyển người bệnh lên tuyến trên. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ định chuyển tuyến có trách nhiệm thanh toán khoản chi này trực tiếp cho người bệnh trước khi chuyển tuyến, sau đó thanh toán với cơ quan BHXH.
Do thông tin bạn cung cấp không đầy đủ cụ thể về trường hợp vận chuyển nên BHXH tỉnh Quảng Nam không có căn cứ để trả lời cụ thể.
Câu hỏi 19: Năm 2008 tôi làm việc tại công ty ở Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) và có đóng bảo hiểm tại BHXH TP.Tam Kỳ trong vòng 17 tháng, sau đó xin nghỉ việc và nhận bảo hiểm một lần cùng lúc đó. Bạn tôi có sử dụng thông tin của tôi để xin việc và làm tại huyện Thăng Bình, cũng đóng bảo hiểm trong vòng 3 tháng từ tháng 12/2008 đến tháng 2/2009 (BHXH Thăng Bình và trùng khớp thời gian tôi đang đóng bảo hiểm tại Tam Kỳ).
Thời gian đó đến nay tôi làm việc tại Đà Nẵng và đóng BHXH mới trong vòng 11 năm. Nay có dự định rút bảo hiểm một lần, được yêu cầu gộp sổ thì mới phát hiện ra trường hợp còn 1 sổ bảo hiểm tên tôi đóng trong vòng 3 tháng. Trường hợp này của tôi thì hướng giải quyết như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Minh Thư - Phó Chánh Văn phòng BHXH Quảng Nam trả lời:
Theo quy định mỗi người lao động khi tham gia BHXH bắt buộc chỉ được cấp một sổ BHXH. Trường hợp bạn có từ 2 sổ BHXH trở lên phải gộp sổ BHXH.
Theo quy định tại Quyết định 1318/QĐ-BHXH ngày 19/9/2023 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam:
* Hồ sơ gộp sổ đối với người lao động có từ 2 sổ BHXH trở lên gồm:
- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS);
- Các sổ BHXH.
* Nộp hồ sơ:
- Người đang làm việc nộp cho đơn vị nơi đang làm việc hoặc nộp cho cơ quan BHXH nơi quản lý.
- Người đang bảo lưu thời gian đóng BHXH nộp cho cơ quan BHXH nơi cư trú.
Đề nghị bạn đối chiếu với quy định nêu trên để hoàn tất thủ tục và nộp hồ sơ đề nghị gộp sổ BHXH đúng theo quy định.
Câu hỏi 18: Tôi xin hỏi, quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị nội trú cho người tham gia BHYT hộ gia đình khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh trong phạm vi cả nước có mức hưởng như thế nào?
Ông Dương Phú Đức - Tổ tư vấn pháp lý về chính sách BHYT trả lời:
Theo quy định tại khoản 3, Điều 22 của Luật BHYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014 quy định mức hưởng BHYT khi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến như sau:
Kể từ ngày 1/1/2021, trường hợp người có thẻ BHYT tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến được quỹ BHYT thanh toán như sau:
- Tại bệnh viện tuyến trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú.
- Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi cả nước.
- Tại bệnh viện tuyến huyện 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
Tại khoản 6, Điều 22 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT năm 2014 quy định: Kể từ ngày 1/1/2021, người tham gia đến khám chữa bệnh BHYT không đúng tuyến tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT và mức hưởng quy định trên thẻ BHYT của người tham gia.
Như vậy, kể từ ngày 1/1/2021, trường hợp bạn tham gia BHYT hộ gia đình khi tự đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến tỉnh được hưởng:
- Đối với trường hợp bạn điều trị nội trú thì được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT và mức hưởng quy định trên thẻ BHYT.
- Đối với trường hợp bạn đến khám chữa bệnh ngoại trú thì không được quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh.
Câu hỏi 17: Gia đình tôi vừa tham gia BHYT theo hộ gia đình lần đầu, vậy thì thẻ BHYT của tôi có giá trị sử dụng sau bao nhiêu ngày, kể từ ngày đóng BHYT?
Bà Trần Thị Thu Hồng - Trưởng phòng Quản lý thu - sổ, thẻ trả lời:
Căn cứ điểm c, khoản 10, Điều 1 Luật BHYT số 46/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT; khoản 8, Điều 13 Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018; khoản 2, Điều 47 Quyết định hợp nhất số 2525/VBHN-BHXH ngày 15/08/2023:
- Trường hợp có thời gian tham gia BHYT liên tục, thẻ BHYT có giá trị sử dụng từ ngày đóng BHYT.
- Trường hợp tham gia BHYT lần đầu hoặc tham gia không liên tục từ 3 tháng trở lên trong năm tài chính thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày người tham gia nộp tiền đóng BHYT.
Trường hợp của bạn tham gia BHYT lần đầu, do vậy, thẻ BHYT của bạn sẽ có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày đóng tiền.
Câu hỏi 16: Tôi bắt đầu nghỉ thai sản từ ngày 5/2/2023 đến hết ngày 4/8/2023, sau đó nghỉ dưỡng sức thêm 5 ngày. Đến ngày 14/8/2023 là ngày chính thức đi làm lại, tôi làm được 5 ngày sau đó có làm đơn xin nghỉ thôi việc vì lý do sức khỏe và con nhỏ không ai chăm.
Trong quá trình nghỉ thai sản tôi được nhà trường thông báo kết thúc hợp đồng Nghị định 68 do là chuyển sang hợp đồng 111 (Nghị định số 111/2022/NĐ-CP) theo yêu cầu Nhà nước. Do đang nghỉ thai sản nên không được ký hợp đồng 111 mà phải đợi khi đi làm lại mới ký, nhưng khi đi làm lại được 5 ngày tôi vẫn chưa được ký hợp đồng mà đã nghỉ việc luôn. Vậy tôi có được hưởng BHTN không?
Ông Châu Ngọc Quang - Trưởng phòng Chế độ BHXH trả lời:
Bạn sẽ được nhận trợ cấp thất nghiệp khi nộp hồ sơ đảm bảo đúng quy định tại Điều 17 Nghị định số 28/2015/NĐ-CP và khoản 6, Điều 1 Nghị định số 61/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Trong đó lưu ý nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc hợp đồng lao động. Bạn cần liên hệ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh để nộp hồ sơ và có tư vấn cụ thể hơn.
Tham khảo quy định: Điều 17 Nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp (Nghị định số 28/2015/NĐ-CP) quy định:
1. Trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, người lao động chưa có việc làm và có nhu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp phải trực tiếp nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp theo đúng quy định tại Điều 16 của Nghị định này cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi người lao động muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.
2. Người lao động được ủy quyền cho người khác nộp hồ sơ hoặc gửi hồ sơ theo đường bưu điện nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Ốm đau, thai sản có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền.
b) Bị tai nạn có xác nhận của cảnh sát giao thông hoặc cơ sở y tế có thẩm quyền.
c) Hỏa hoạn, lũ lụt, động đất, sóng thần, địch họa, dịch bệnh có xác nhận của chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn. Ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp trong các trường hợp nêu trên là ngày người được ủy quyền trực tiếp nộp hồ sơ hoặc ngày ghi trên dấu bưu điện đối với trường hợp gửi theo đường bưu điện.
3. Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, ghi phiếu hẹn trả kết quả theo mẫu do Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quy định và trao phiếu trực tiếp cho người nộp hồ sơ hoặc gửi qua đường bưu điện đối với người nộp hồ sơ qua đường bưu điện; trường hợp hồ sơ không đúng theo quy định tại Điều 16 Nghị định này thì trả lại người nộp và nêu rõ lý do.
Khoản 6, Điều 1 Nghị định số 1/2020 như sau: Bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của một trong các giấy tờ sau đây xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc:
a) Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
b) Quyết định thôi việc.
c) Quyết định sa thải.
d) Quyết định kỷ luật buộc thôi việc.
đ) Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
e) Xác nhận của người sử dụng lao động trong đó có nội dung cụ thể về thông tin của người lao động; loại hợp đồng lao động đã ký; lý do, thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động.
g) Xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc doanh nghiệp hoặc hợp tác xã giải thể, phá sản hoặc quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm, cách chức đối với các chức danh được bổ nhiệm trong trường hợp người lao động là người quản lý doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã.
h) Trường hợp người lao động không có các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động do đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật và người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền thì thực hiện theo quy trình sau: Sở LĐ-TB&XH hoặc BHXH cấp tỉnh gửi văn bản yêu cầu Sở Kế hoạch và đầu tư xác nhận đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật hoặc không có người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền.
Sở Kế hoạch và đầu tư có trách nhiệm phối hợp với cơ quan thuế, cơ quan công an, chính quyền địa phương nơi đơn vị sử dụng lao động đặt trụ sở chính thực hiện xác minh nội dung đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật hoặc không có người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền.
Sở Kế hoạch và đầu tư gửi văn bản trả lời cho Sở LĐ-TB&XH và BHXH cấp tỉnh về nội dung đơn vị sử dụng lao động không có người đại diện theo pháp luật hoặc không có người được người đại diện theo pháp luật ủy quyền trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu xác nhận của Sở LĐ-TB&XH hoặc BHXH cấp tỉnh.
i) Trường hợp người lao động tham gia BHTN theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 43 Luật Việc làm thì giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng là bản chính hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu của hợp đồng đó.
[VIDEO] - Đẩy mạnh chi trả lương hưu, chế độ không dùng tiền mặt:
Câu hỏi 15: Công ty tôi có đóng BHXH cho nhân viên nước ngoài, hợp đồng lao động kết thúc thì họ trở về nước. Hiện tại ở Việt Nam, họ chỉ tin tưởng và thân với tôi (đồng nghiệp làm chung công ty). Cho tôi hỏi người này có thể ủy quyền cho tôi lãnh thay BHXH một lần thì có được không?
Ông Châu Ngọc Quang - Trưởng phòng Chế độ BHXH trả lời:
Bạn cần thực hiện đúng theo quy định về ủy quyền của pháp luật Việt Nam trong trường hợp nhận thay người khác. Đối với lao động là người nước ngoài, trước khi chấm dứt hoặc kết thúc hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc, đơn vị sử dụng lao động nên làm sớm thủ tục báo giảm, đóng BHXH đủ và nộp hồ sơ hưởng BHXH một lần ngay từ đầu tháng (nếu ngày chấm dứt hoặc kết thúc hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc là ngày cuối tháng) để người lao động được nhận tiền trước khi về nước.
Câu hỏi 14: Tôi muốn được rõ thông tin về trường hợp người bệnh đến khám chữa bệnh (KCB) tại nơi đăng ký KCB ban đầu nhưng không trình đầy đủ thủ tục KCB thì được thanh toán trực tiếp tại cơ quan BHXH chi phí trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT?
Ông Dương Phú Đức - Tổ tư vấn pháp lý về chính sách BHYT trả lời:
Theo quy định tại khoản 4, Điều 30 Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ, người có thẻ BHYT đi KCB tại nơi đăng ký KCB BHYT ban đầu nhưng không xuất trình thẻ BHYT thì được cơ quan BHXH thanh toán trực tiếp chi phí KCB BHYT như sau:
Thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT nhưng tối đa không quá 0,15 lần mức lương cơ sở tại thời điểm KCB đối với trường hợp KCB ngoại trú và tối đa không quá 0,5 lần mức lương cơ sở tại thời điểm ra viện đối với trường hợp KCB nội trú.
Theo quy định về nguyên tắc, quỹ BHYT chi trả các chi phí KCB BHYT (thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật) theo danh mục và mức giá do Bộ Y tế quy định.
Do đó, bạn sẽ được cơ quan BHXH thanh toán các chi phí trong phạm vi chi trả của quỹ BHYT và mức hưởng trên thẻ BHYT. Đối với các chi phí chênh lệch do bạn KCB tại khu vực KCB theo yêu cầu (nếu có), bạn phải tự chi trả.
Đề nghị bạn mang hồ sơ đến cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú để được giải quyết. Hồ sơ gồm có:
+ Bản chụp các loại giấy tờ sau (mang theo bản gốc để đối chiếu): thẻ BHYT, giấy tờ chứng minh nhân thân có ảnh; phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh của lần KCB đề nghị thanh toán.
+ Bản chính hóa đơn và các chứng từ có liên quan.
Câu hỏi 13: Tôi thấy thẻ BHYT có dòng chữ “Tham gia BHYT 5 năm liên tục từ ngày…”, vậy nó có nghĩa gì và có quyền lợi gì đối với người được cấp thẻ đó?
Ông Dương Phú Đức - Tổ tư vấn pháp lý về chính sách BHYT trả lời:
Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, từ ngày 1/1/2015, người có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi chi phí khám chữa bệnh trả (gồm 5%; 20% theo từng đối tượng tham gia BHYT) trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến, sẽ được hưởng 100% chi phí KCB BHYT.
Căn cứ điểm d, khoản 1, Điều 5 Thông tư 41/2014/TTLT-BYT-BTC quy định từ 1/1/2016, thẻ BHYT cấp cho người tham gia BHYT sẽ phải thể hiện thời gian tham gia liên tục trước đó, tối đa là 60 tháng (5 năm).
Căn cứ theo điểm c, khoản 1, Điều 22 Luật BHYT sửa đổi bổ sung 2014 thì người tham gia BHYT sẽ được hưởng 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh khi đã đóng BHYT đủ 5 năm liên tục và được cơ quan BHXH cấp “Giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm”.
Căn cứ tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên như sau:
- Trường hợp người bệnh có số tiền cùng chi trả tại một lần hoặc nhiều lần khám bệnh, chữa bệnh tại cùng cơ sở khám chữa bệnh đó lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì cơ sở khám chữa bệnh không thu số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở của người bệnh.
- Trường hợp người bệnh có số tiền cùng chi trả lũy kế trong năm tài chính tại các cơ sở khám chữa bệnh khác nhau hoặc tại cùng một cơ sở khám chữa bệnh lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì người bệnh mang chứng từ đến cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT để thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở và nhận giấy xác nhận không phải cùng chi trả trong năm đó.
Do vậy, không phải trường hợp nào đã tham gia BHYT liên tục từ 5 năm trở lên đều được hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT. Để được chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh BHYT, người tham gia BHYT phải đáp ứng đủ 2 điều kiện sau:
Thứ nhất: Có thời gian tham gia BHYT từ đủ 5 năm liên tục trở lên tính từ thời điểm người đó tham gia BHYT đến thời điểm đi khám chữa bệnh.
Thứ hai: Có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở tính từ thời điểm tham gia BHYT đủ 5 năm liên tục, trừ trường hợp tự đi khám chữa bệnh không đúng tuyến.
Câu hỏi 12: Người tham gia BHYT hộ gia đình khi Chính phủ thay đổi lương cơ sở thì cá nhân có phải đóng thêm phần chênh lệch không?
Bà Trần Thị Thu Hồng - Trưởng phòng Quản lý thu - sổ, thẻ trả lời:
Căn cứ khoản b, điểm 3, Điều 10 Nghị định 146/2018/NĐ-CP: “Khi Nhà nước điều chỉnh mức đóng BHYT, điều chỉnh mức lương cơ sở, người tham gia không phải đóng bổ sung hoặc không được hoàn trả phần chênh lệch do điều chỉnh mức đóng BHYT, mức lương cơ sở đối với thời gian còn lại mà người tham gia đã đóng BHYT”.
Như vậy, nếu bạn đang tham gia BHYT hộ gia đình khi Chính phủ thay đổi lương cơ sở thì bạn không phải đóng phần chênh lệch.
Câu hỏi 11: Tôi mua BHYT tại huyện Thăng Bình (Quảng Nam) vào tháng 9/2022, đến tháng 2/2023 thì chuyển đến làm việc tại Nhơn Trạch (Đồng Nai) và được đóng BHYT từ đó đến tháng 9/2023. Nay tôi nghỉ việc và muốn mua BHYT thì đóng phí như thế nào? Thời gian còn lại của BHYT mua ở huyện Thăng Bình mà tôi chưa sử dụng hết (còn 7 tháng) thì sẽ giải quyết ra sao?
Bà Trần Thị Thu Hồng - Trưởng phòng Quản lý thu - sổ, thẻ trả lời:
Căn cứ vào khoản 8, Điều 13 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, mức đóng hằng tháng BHYT theo hộ gia đình như sau:
- Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở.
- Người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất.
- Từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Theo Nghị định 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023, mức lương cơ sở hiện nay là 1.800.000 đồng/tháng. Thời gian đóng BHYT theo hộ gia đình còn lại do trùng với thời gian tham gia tại nơi làm việc ở Nhơn Trạch (Đồng Nai), bạn liên hệ BHXH huyện Thăng Bình để được hướng dẫn hoàn trả.
[VIDEO] - Tiện ích khi khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân:
Câu hỏi 10: Năm 2006 đến 2010 tôi đóng BHXH theo mức lương cơ sở: 890.000 đồng/tháng. Từ năm 2011 đến 2020 đóng BHXH theo mức cơ sở 3.200.000 đồng/tháng. Từ năm 2021 đến 2022 tôi đóng BHXH theo mức 7.000.000 đồng/tháng (cao hơn mức cơ sở). Từ năm 2023 tôi đóng BHXH theo mức 8.000.000 đồng/ tháng.
Tôi năm nay 42 tuổi. Theo quy định đóng BHXH thì khi nghỉ hưu số lương hưu tôi được hưởng là bao nhiêu? Vì tôi lăn tăn là số tiền BHXH đóng tại mỗi thời điểm rất khác nhau, mức sống và lương cơ sở tại các năm khác nhau, trong khi đồng tiền đang ngày càng mất giá... Nếu tính bình quân của 15 năm thì liệu lương hưu có đủ để yên tâm về già. Và bình quân từ khi tham gia BHXH đến đủ 15 năm hay bình quân cả quá trình đóng (ví dụ từ nay đến khi nghỉ hưu tôi đóng của 25 năm thì sao).
Bà Đỗ Thị Bích Hoa - Trưởng phòng Truyền thông trả lời:
Vì nội dung bạn hỏi chưa rõ ràng, thông tin bạn đưa ra chưa đủ cơ sở để tính được lương hưu hằng tháng sẽ là bao nhiêu nên bạn có thể tham khảo thêm những quy định sau:
Theo quy định, tiền lương hưu được tính trên cơ sở thời gian đóng BHXH và mức thu nhập bình quân đóng BHXH. Cụ thể:
Lương hưu = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân thu nhập đóng BHXH. Thời gian tham gia càng dài, mức thu nhập đóng BHXH càng cao thì lương hưu sẽ càng cao.
- Nếu bạn là nữ, tham gia 20 năm tỷ lệ hưởng là 55%. Nếu là nam thì tỷ lệ này là 45%. Sau đó mỗi năm tham gia thêm sẽ được cộng 2% cho đến khi đạt 75%.
- Mức thu nhập đóng BHXH sẽ được nhân với hệ số điều chỉnh theo quy định. Tỷ lệ này phụ thuộc vào tình hình, mức độ tăng trưởng kinh tế và được Bộ LĐ-TB&XH công bố hằng năm.
- Mức thu nhập căn cứ tính lương hưu sẽ là bình quân cả quá trình tham gia đóng BHXH của người lao động. Trường hợp bạn hỏi, tham gia BHXH được 25 năm, nếu là nữ tỷ lệ hưởng là 65%; nếu là nam thì tỷ lệ này là 55%.
Ban có thể đến cơ quan BHXH để được hỗ trợ, tư vấn trực tiếp hoặc liên hệ số điện thoại của Phòng Truyền thông BHXH tỉnh Quảng Nam: 0235.3845514 hoặc thông qua Cổng thông tin điện tử BHXH tỉnh Quảng Nam: https://quangnam.baohiemxahoi.gov.vn; fanpage BHXH tỉnh Quảng Nam.
Câu hỏi 9: Tôi đóng BHXH bằng chứng minh nhân dân 9 số, đến năm 2021 thì được cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip. Nhưng CCCD được cấp bị sai giới tính. Đến cuối năm 2022 công an xã đã làm lại hồ sơ để hủy CCCD sai rồi cấp mới vào đầu năm 2023 (không trùng với số CCCD cũ).
Tôi nghỉ việc vào tháng 11/2023 và đã hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng CCCD cũ (CCCD bị sai). Vậy cho tôi hỏi đến tháng 12/2023 này tôi muốn hưởng BHXH một lần bằng CCCD số mới thì có bị ảnh hưởng gì không? Nếu có tôi cần làm những thủ tục gì?
Bà Nguyễn Thị Minh Thư - Phó Chánh Văn phòng BHXH Quảng Nam trả lời:
Do bạn không cung cấp đầy đủ thông tin: mã số BHXH, số CCCD/chứng minh nhân dân, họ và tên, ngày tháng năm sinh, số điện thoại liên hệ,… nên chúng tôi không có cơ sở tra cứu hệ thống dữ liệu để trả lời cụ thể. Bạn vui lòng liên hệ cơ quan BHXH nơi cư trú để được hỗ trợ.
Câu hỏi 8: Tôi đã làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp với thời gian hưởng từ ngày 23/7/2023 đến ngày 24/9/2023, đã nhận đủ 3 tháng trợ cấp thất nghiệp này. Đầu tháng 9/2023, tôi có tìm được việc làm, được ký hợp đồng ngày 11/9/2023 và đóng BHXH từ tháng 9. Vậy tôi xin hỏi trong trường hợp này tôi có được đóng BHXH, BHTN của tháng 9 không?
Ông Châu Ngọc Quang - Trưởng phòng Chế độ BHXH trả lời:
Việc đóng BHXH, BHTN căn cứ vào hợp đồng lao động giữa người lao động và đơn vị sử dụng lao động. Ngày 11/9/2023, bạn có ký hợp đồng lao động, đủ điều kiện đóng BHXH tháng 9 thì bạn sẽ bị thu hồi tiền trợ cấp thất nghiệp tháng 9/2023.
Câu hỏi 7: Theo Quyết định 145286 của cơ quan BHXH thì tôi được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp là 10 tháng từ ngày 27/12/2022 đến hết ngày 26/10/2023. Đến nay tôi đã nhận được tiền trợ cấp thất nghiệp được 8 tháng. Đến ngày 28/8/2023, tôi đến thông báo việc làm theo đúng lịch thông báo việc làm hằng tháng từ cơ quan BHTN.
Tuy nhiên, đến ngày 5/9/2023 tôi đã ký hợp đồng lao động với công ty mới và ngày 6/9/2023 tôi đến thông báo dừng hưởng bảo hiểm thất nghiệp. Cơ quan bảo hiểm ghi tôi đã nhận bảo hiểm 9 tháng và bảo lưu lại 1 tháng cuối. Vậy tháng thứ 9 tôi có được nhận tiền trợ cấp thất nghiệp không?
Ông Châu Ngọc Quang - Trưởng phòng Chế độ BHXH trả lời:
Vì bạn có việc làm ngày 5/9/2023, sau ngày hưởng trợ cấp thất nghiệp lần thứ 9 (27/8/2023). Vì vậy theo quy định, bạn được hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng thứ 9.
Câu hỏi 6: Tôi nghỉ việc tại công ty A từ ngày 31/5/2023 vị trí công nhân và thời gian đóng bảo hiểm chốt đến hết tháng 5/2023. Từ tháng 6/2023 tôi ký hợp đồng thử việc tại công ty B và đến ngày 31/7/2023 tôi chấm dứt hợp đồng với công ty B. Trong thời gian thử việc tôi không tham gia đóng BHXH.
Tháng 9/2023 tôi làm hồ sơ bảo hiểm thất nghiệp tuy nhiên bộ phận tiếp nhận không chấp thuận do tôi đã quá 90 ngày tính từ ngày chốt sổ (tháng 5/2023) mà không tính từ ngày tôi kết thúc hợp đồng tại công ty B (31/7/2023). Tôi có tham gia BHXH trên 12 tháng trong thời gian 24 tháng gần nhất. Tôi xin hỏi trường hợp của tôi có đủ điều kiện làm BHTN không?
Ông Châu Ngọc Quang - Trưởng phòng Chế độ BHXH trả lời:
Bạn không đủ điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp, lý do:
Theo quy định tại điều 49 Luật Việc làm năm 2013 và các văn bản hướng dẫn quy định:
1. Người lao động được xác định là đang đóng BHTN theo quy định tại Điều 49 Luật Việc làm khi thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Người lao động đã đóng BHTN của tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan BHXH xác nhận trên sổ BHXH.
b) Người lao động đã đóng BHTN của tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và được cơ quan BHXH xác nhận trên sổ BHXH.
c) Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc do ốm đau, thai sản từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng, không hưởng tiền lương tháng tại đơn vị và được cơ quan BHXH xác nhận trên sổ BHXH.
d) Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà nghỉ việc không hưởng lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan BHXH xác nhận trên sổ BHXH.
đ) Người lao động có tháng liền kề trước tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc tháng chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc mà tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng tại đơn vị và được cơ quan BHXH xác nhận trên sổ BHXH.
2. Tháng đóng BHTN của người lao động được tính nếu người sử dụng lao động và người lao động đã thực hiện hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc và đã đóng BHTN.
Đối chiếu với quy định trên, bạn không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp nếu đã quá 90 ngày tính từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động tại đơn vị cũ.
Câu hỏi 5: Tôi dự sinh con tháng 1/2024, trước đó tôi đã tham gia BHXH thời gian 12 tháng trước khi sinh, tôi có tham gia đóng BHXH tại 2 công ty (công ty A tháng 11/2022, tháng 12/2022, tháng 1/2023 và công ty B từ tháng 3/2023 đến tháng 12/2023, khoảng thời gian ngắt quãng tôi hưởng BHTN). Xin hỏi, dựa vào thời gian như trên, tôi có đủ kiều kiện hưởng chế độ thai sản không?
Ông Châu Ngọc Quang - Trưởng phòng Chế độ BHXH trả lời:
Theo quy định của pháp Luật về BHXH, bạn đã đóng BHXH đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng khi sinh con (dự sinh tháng 1/2024) nên đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản.
Câu hỏi 4: Tôi muốn hỏi về thủ tục thoái thu và chốt sổ. Tôi đóng trùng tiền bảo hiểm ở hai nơi giờ muốn thoái thu lại 1 tháng thì thủ tục như thế nào?
Bà Nguyễn Thị Minh Thư - Phó Chánh Văn phòng BHXH Quảng Nam trả lời:
Theo quy định tại Văn bản hợp nhất 2525/VBHN-BHXH ngày 15/8/2023 của BHXH Việt Nam ban hành Quy trình thu BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động (BHTNLĐ), bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ BHXH, thẻ BHYT:
Hoàn trả: là việc cơ quan BHXH chuyển trả lại số tiền được xác định không phải tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, bệnh nghề nghiệp hoặc đóng thừa khi ngừng giao dịch với cơ quan BHXH; đóng trùng cho cơ quan, đơn vị, cá nhân đã nộp cho cơ quan BHXH.
Theo đó, tại Điều 43 Văn bản hợp nhất 2525/VBHN-BHXH về việc hoàn trả như sau:
* Các trường hợp hoàn trả bao gồm:
a) Đơn vị giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật hoặc di chuyển nơi đăng ký tham gia đã đóng thừa tiền BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, bệnh nghề nghiệp.
b) Các trường hợp hoàn trả BHXH tự nguyện, BHYT.
c) Đơn vị chuyển tiền vào tài khoản chuyên thu không thuộc trách nhiệm quản lý thu của cơ quan BHXH tỉnh, huyện theo phân cấp.
d) Số tiền đơn vị, cá nhân đã chuyển vào tài khoản chuyên thu không phải là tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, bệnh nghề nghiệp.
đ) Kho bạc hoặc ngân hàng hạch toán nhầm vào tài khoản chuyên thu.
e) Trường hợp một người có từ 2 sổ BHXH trở lên có thời gian đóng BHXH, BHTN trùng nhau theo hướng dẫn tại Công văn số 25/LĐTBXH-BHXH ngày 1/1/2016 của Bộ LĐ0TB&XH về việc hoàn trả tiền đóng BHXH, BHTN thì cơ quan BHXH thực hiện hoàn trả cho người lao động số tiền đơn vị và người lao động đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất và số tiền đã đóng vào quỹ BHTN (bao gồm cả số tiền thuộc trách nhiệm đóng BHXH, BHTN của người sử dụng lao động), không bao gồm tiền lãi. Cơ quan BHXH quản lý nơi người lao động đang làm việc hoặc đang sinh sống thực hiện hoàn trả và cấp lại sổ BHXH cho người lao động theo quy định.
g) Trường hợp đóng BHXH cho người lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.
* Về thủ tục hồ sơ:
- Trường hợp đơn vị đề nghị hoàn trả thuộc điểm a nêu trên: a) Tờ khai đơn vị tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS).
b) Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, bệnh nghề nghiệp (Mẫu D02-LT57).
- Trường hợp hoàn trả thuộc điểm b, e: Người lao động lập Mẫu TK1-TS, kèm theo:
+ Sổ BHXH đối với người tham gia BHXH tự nguyện, tất cả sổ BHXH đối với người có thời gian đóng BHXH, BHTN trùng nhau.
+ Văn bản chứng thực hoặc bản kèm theo bản chính Giấy chứng tử đối với trường hợp chết.
- Trường hợp hoàn trả tiền đóng BHYT cho nhiều người trong cùng đối tượng, UBND xã, tổ chức dịch vụ thu/cơ sở giáo dục lập danh sách đề nghị hoàn trả theo Mẫu D03-TS gửi cơ quan BHXH.
- Các trường hợp còn lại: đơn vị hoặc ngân hàng, kho bạc có văn bản đề nghị.
Đối chiếu với trường hợp của bạn, đơn vị được hoàn trả phải có văn bản đề nghị gửi cơ quan BHXH tại địa phương nơi thu BHXH xem xét, giải quyết.
BHXH tỉnh Quảng Nam cung cấp thông tin chính sách để bạn biết và đối chiếu với trường hợp của mình. Bạn liên hệ cơ quan BHXH nơi bạn cư trú để được tư vấn, giải đáp cụ thể.
Câu hỏi 3: Kính nhờ anh chị quý cơ quan hỗ trợ giải đáp thắc mắc của gia đình như sau:
Cháu học lớp 9 ở Phú Ninh có tham gia BHYT học sinh, khi cháu đang học ở trường thì nhập viện cấp cứu mổ ruột thừa tại bệnh viện X. Trong tình trạng cấp cứu không có ba mẹ cháu, cậu của cháu đã tạm ứng 11,5 triệu đồng để tạm ứng mổ và nói không có BHYT, hai ngày sau mẹ cháu vào xuất trình BHYT thì bệnh viện nói chỉ được áp dụng kể từ ngày xuất trình.
Gia đình cháu khó khăn và vẫn đang ở bệnh viện X. Vậy nhờ cơ quan BHXH giải đáp thắc mắc của gia đình.
Ông Dương Phú Đức - Tổ tư vấn pháp lý về chính sách BHYT trả lời:
* Đối với cơ sở khám chữa bệnh (KCB) có ký hợp đồng KCB BHYT:
Căn cứ theo Điều 28 Luật BHYT sửa đổi, bổ sung năm 2014 có quy định như sau:
Điều 28. Thủ tục KCB BHYT:
1. Người tham gia BHYT khi đến KCB phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh; trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó; đối với trẻ em dưới 6 tuổi chỉ phải xuất trình thẻ BHYT.
2. Trường hợp cấp cứu, người tham gia BHYT được KCB tại bất kỳ cơ sở KCB nào và phải xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này trước khi ra viện.
Như vậy, trường hợp của anh/chị, anh/chị nhập viện trong tình trạng cấp cứu và trước khi ra viện anh/chị xuất trình thẻ BHYT cùng với giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó, thì khi đó trường hợp của anh/chị được coi là KCB đúng thủ tục và anh/chị sẽ được hưởng quyền lợi BHYT theo đúng quy định.
* Đối với cơ sở KCB không có ký hợp đồng KCB BHYT: Căn cứ tại khoản 6 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật BHYT có quy định như sau:
Cơ sở KCB không có hợp đồng KCB BHYT có trách nhiệm cung cấp cho người bệnh khi ra viện các giấy tờ, chứng từ hợp lệ liên quan đến chi phí KCB để người bệnh thanh toán trực tiếp với cơ quan BHXH theo quy định tại các Điều 28, 29 và 30 Nghị định này.
Như vậy, anh/chị cung cấp các giấy tờ; chứng từ hợp lệ liên quan đến chi phí KCB và đến cơ quan BHXH để được thanh toán trực tiếp theo quy định.
Do thông tin anh/chị cung cấp không đầy đủ nơi cấp cứu nên BHXH tỉnh Quảng Nam không có căn cứ để trả lời cụ thể. Đề nghị anh/chị liên hệ BHXH gần nhất (Phòng Giám định BHYT) cung cấp thông tin cụ thể để được hướng dẫn.
Câu hỏi 2: Hiện tại tôi đang làm công ty và công ty có đóng BHXH. Tôi muốn nghỉ việc nhưng vẫn muốn tiếp tục đóng bảo hiểm, vậy có thể làm hồ sơ đóng BHXH tự nguyện được không và nếu được thì mức đóng như thế nào?
Bà Trần Thị Thu Hồng - Trưởng phòng Quản lý thu - sổ, thẻ trả lời:
Căn cứ theo khoản 4, Điều 2 Luật BHXH 2014: “Đối tượng tham gia BHXH tự nguyện phải là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc trường hợp tham gia BHXH bắt buộc”. Căn cứ Điều 9 Nghị định 134/NĐ-CP: Phương thức đóng BHXH tự nguyện theo khoản 2 Điều 87 của Luật BHXH được quy định như sau:
1. Người tham gia BHXH tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:
a) Đóng hằng tháng.
b) Đóng 3 tháng một lần.
c) Đóng 6 tháng một lần.
d) Đóng 12 tháng một lần.
đ) Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần.
e) Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
2. Trường hợp người tham gia BHXH đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng BHXH còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng BHXH tự nguyện theo một trong các phương thức quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này cho đến khi thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều này.
Căn cứ Điều 10 Nghị định 134/NĐ-CP:
Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng. (Hiện nay, đang áp dụng Nghị định 07/2021/NĐ-CP ngày 27/1/2021 quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025).
Như vậy, người lao động khi nghỉ việc có thể tham gia BHXH dưới hình thức BHXH tự nguyện. Người tham gia muốn đóng BHXH tự nguyện có thể liên hệ cơ quan BHXH nơi mình cư trú hoặc tổ chức dịch vụ thu (bưu điện, Viettel, PVI Quảng Nam…) để được hướng dẫn thủ tục và lựa chọn mức đóng, phương thức đóng BHXH tự nguyện phù hợp với thu nhập của mình.
[VIDEO] - Khai mạc buổi tư vấn trực tuyến“BHXH, BHYT - Điểm tựa của mọi nhà”:
Câu hỏi 1: Tôi tham gia bảo hiểm từ tháng 1/2021 đến tháng 9/2023, tổng thời gian là 34 tháng. Từ đó tôi không tham gia BHXH nữa. Vậy tôi muốn rút số tiền BHXH một lần có được không? Nếu rút được thì làm thủ tục như thế nào và không rút được thì lý do tại sao?
Ông Châu Ngọc Quang - Trưởng phòng Chế độ BHXH trả lời:
Theo quy định của pháp luật BHXH hiện hành, người tham gia BHXH sẽ được nhận BHXH 1 lần trong các trường hợp sau:
a) Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.
b) Ra nước ngoài để định cư.
c) Ngoài trường hợp đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS quy định tại điểm c khoản 1 Điều 60 Luật BHXH, người mắc các bệnh, tật có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên và không tự kiểm soát hoặc không tự thực hiện được các hoạt động phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hằng ngày mà cần có người theo dõi, trợ giúp, chăm sóc hoàn toàn được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.
d) Đóng BHXH chưa đủ 20 năm và sau 12 tháng không tiếp tục đóng BHXH có nhu cầu nhận BHXH một lần.
* Về thủ tục nhận BHXH một lần: Bạn đến cơ quan BHXH nơi cư trú để nộp hồ sơ gồm: Sổ BHXH, Đơn đề nghị theo mẫu 14-HSB các hồ sơ giấy tờ chứng minh trong các trường hợp có liên quan.