Ổn định đời sống với kinh tế vườn

DIỄM LỆ - THÚY VÂN 12/12/2023 13:00

Những mô hình kinh tế hộ gia đình, kinh tế vườn, rừng đã giúp ổn định đời sống nhân dân huyện Bắc Trà My. Năm 2023 với nhiều thành quả của ngành nông nghiệp góp phần phát triển kinh tế, xã hội của huyện.

Kênh mương nội đồng được khởi thông để cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp ở Bắc Trà My. Ảnh: L.V
Kênh mương nội đồng được khởi thông để cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp ở Bắc Trà My. Ảnh: L.V

Hưởng ứng phát triển mô hình phát triển kinh tế vườn, rừng, trang trại, chăn nuôi... người dân đã mạnh dạn hơn trong làm ăn, ứng dụng khoa học kỹ thuật để đạt hiệu quả cao hơn. Như mô hình nuôi lươn không bùn của ông Trần Kim Nhuận ở xã Trà Dương (Bắc Trà My).

Đầu năm 2023, ông Nhuận đầu tư khoảng 100 triệu đồng để xây các ao nuôi lươn không bùn. Đây là mô hình mới ở Bắc Trà My, ứng dụng kỹ thuật mà ông Nhuận đã học hỏi được. Sau 8 tháng nuôi và chăm sóc, ông Nhuận xuất bán khoảng 1,4 tấn lươn thịt với giá từ 130-150 nghìn đồng/kg.

Ông Nhuận cho biết, để thực hiện thành công mô hình này, ông đã lặn lội vào các tỉnh miền Tây để học tập kinh nghiệm nuôi lươn không bùn, sau đó mới về địa phương nuôi thử nghiệm.

Ông Nhuận nói: “Để chọn lọc được giống lươn cái nhiều trứng, theo dõi lươn đẻ trứng và ấp trứng lươn là những khâu quan trọng nhất trong thực hiện thành công mô hình này. Nuôi lươn không bùn ít tốn công chăm sóc mà lợi nhuận đem lại cao. Bà con nuôi lươn theo cách này cũng không sợ ảnh hưởng bởi thời tiết nắng, mưa gì cả vì trang trại đã xây dựng đảm bảo theo tiêu chuẩn cho lươn đẻ trứng, sinh sản”.

Hay như anh Cao Duy Đà (xã Trà Tân) đã mạnh dạn làm trang trại, trồng cây và nuôi heo đen trên khu đất vườn gần 3.000m2 của gia đình. Anh Đà đã khoanh vùng nuôi heo đen, nay đã có 4 con heo nái giống và đàn heo thịt 40 con.

Mỗi năm, anh Đà xuất bán 2 lứa, trừ chi phí anh thu lãi hơn 100 triệu đồng. Gia đình anh Đà là địa chỉ cung ứng heo giống cho các hợp tác xã trên địa bàn huyện, cung ứng heo thịt cho thương lái ở TP.Đà Nẵng, TP.Tam Kỳ.

Anh Đà cho biết: “Heo đen hiện nay có giá 120 nghìn đồng/kg nên heo đạt thịt thì hiệu quả tốt. Tôi thấy giống heo đen tại địa phương có nguồn thức ăn phong phú, nuôi thả rông trong khuôn viên vườn.

Thức ăn chủ yếu là chuối cây, rau lang, lá môn... rất dễ trồng và thu mua của bà con trong khu vực lân cận. Trong quá trình nuôi tôi cũng nhận thấy heo đen, heo lai rừng có sức đề kháng rất tốt, ít mắc bệnh, hiệu quả kinh tế cao”.

Anh Đà còn đầu tư nuôi hơn 100 con gà thả vườn, mỗi năm cho thu nhập gần 50 triệu đồng từ gà thịt và trứng gà.

Ông Nguyễn Hồng Vương - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Trà My cho biết, với kinh tế vườn, thực hiện Nghị quyết 35 của HĐND tỉnh, toàn huyện Bắc Trà My đã có 194 vườn được UBND huyện phê duyệt hỗ trợ.

Trong đó, bao gồm các nội dung hỗ trợ như 59 công trình cấp nước, 24 công trình xây dựng lắp đặt hệ thống tưới, chỉnh trang 20 vườn, hỗ trợ giống cây trồng cho 167 vườn, hỗ trợ vật tư phân bón cho 168 vườn. Có 6 trang trại đã được phê duyệt hỗ trợ hàng rào, máy móc, thiết bị, nhà xưởng sản xuất.

Các vườn cây ăn quả trong nhân dân được trồng mới nhiều loại cây có hiệu quả kinh tế, người dân đã cải tạo vườn để trồng cây, được hỗ trợ từ Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh. Nông dân đã lồng ghép chăn nuôi trong các khu vườn cây, tạo thành hàng trăm mô hình lấy ngắn nuôi dài khá hiệu quả.

DIỄM LỆ - THÚY VÂN