Chợ quê mấy nẻo nhớ

LÊ TRÂM 12/12/2023 14:00

(VHQN) - Hồi nhỏ, với tôi được mẹ cho đi chợ là thấy sướng râm ran mấy ngày, nhiều đêm thao thức chẳng thể nào ngủ nổi. Lâu lâu lại nhắc: “Chừng mô mình đi chợ rứa mẹ?”.

Chợ Đo Đo (Bình Quý, Thăng Bình) vẫn giữ nét quê xưa. Ảnh: L.T
Chợ Đo Đo (Bình Quế, Thăng Bình) vẫn giữ nét quê xưa. Ảnh: L.T

Đổi lúa đi chợ

Công cuộc “đi chợ” đầu tiên của tôi kể ra đã hơn nửa thế kỷ. Một hành trình tầm cỡ “đi sứ” xuất phát từ một cái xóm nhỏ “bên tê” sông Ly Ly, nghĩa là việc đầu tiên phải qua đò. Thời thơ ấu, một năm chỉ được vài lượt qua đò, có năm chẳng được đi, do vậy cảm giác “qua đò đi chợ” đầy cảm xúc khó tả.

Rời bến đò, đầu đội chiếc nón lá cũ, tay xách dép, cứ thế lon ton băng đồng trên con đường trơn trợt theo mẹ ra đường “công hương”, qua hết cái làng Trà Đình trù phú, hết làng lại phải qua khu Mả Lạng đầy những ngôi mộ u tịch mới tới chợ Mộc Bài nằm ven quốc lộ.

Vừa tới đầu xóm chợ đã nghe râm ran tiếng người í ới, càng lúc càng rõ, càng to. Cứ thế nhịp tim đập mạnh dần lên theo tiếng người ồn ào. Mà nào đã được vào chợ đâu! Mẹ bảo, mẹ con mình ghé chỗ máy gạo Bà Hai Điện đã, máy xong mới được đi chợ.

Hồi ấy tôi không hiểu tại sao phải ghé nhà máy gạo trước khi vào chợ, sau này thì hiểu, người quê tôi thường đi chợ bằng… lúa! Bởi, quanh năm chẳng khi nào có tiền, muốn đi chợ phải gánh theo mấy ang lúa, máy thành gạo xong bán gạo lại cho chủ máy gạo, hoặc bán cho “bạn hàng” rồi mới có tiền đi chợ.

Tôi níu lấy vạt áo mẹ, lâu lâu lại sững người trì chân trước gian hàng bán đồ chơi, bánh kẹo hoặc các gian hàng ăn uống...

Vào chợ! Thôi thì trăm hoa nghìn sắc. Mấy gánh rau sắp dọc hai bên đường vào chợ. Mấy con gà bị trói chưn để dọc đường đi. Có cả đôi giỏ heo con đang kêu ụt ịt đòi ăn. Những bầu đường bát. Những bó mía được chặt thành từng khúc ngăn ngắn bó lại bởi mấy sợi lá mía. Một đôi bầu sắp đầy bánh cốm của mấy người từ Quảng Nghĩa ra bán, mấy mẹt hàng bán các loại thuốc của bà “người Miên”.

Tôi bị hút hồn bởi tiếng hát lẫn rao hàng của anh chàng bán tạp hóa kiêm cao đơn hoàn tán mặc chiếc áo sặc sỡ đội chiếc mũ rộng vành có cặp mắt láo liên. Bất chợt, một cô gái áo tím xinh đẹp đi ngang qua, anh chàng bán hàng rong mở lời trêu ghẹo rồi ném theo một hộp cao. Cô gái làu bàu tiếp tục bước đi. Tôi nhìn theo cái hộp cao xoay mấy vòng rồi lăn vào mép đường, thèm nhặt lấy mà chẳng dám! Như đọc được ý nghĩ của tôi, mẹ vỗ vào vai tôi: “Đi thôi con! Kệ họ!”.

Thôi thì đủ thứ: Gian hàng bánh kẹo có kẹo ú gói lá chuối, kẹo đậu, bánh in, bánh nổ… Gian hàng ăn quy tụ: bánh ú, bánh đúc, bánh bèo, xôi đường, mỳ Quảng, bún mắm… các thứ. Gian tạp hóa đủ các loại gia vị, mắm muối kèm thêm trầu cau, thuốc lá Cẩm Lệ, thuốc nguyên lá kẹp thành tấm…

Rồi gian hàng cá, các sạp bán thịt… Tôi níu lấy vạt áo mẹ, hai mẹ con hòa vào rừng người đông đảo của buổi chợ sớm, lâu lâu lại sững người trì chân trước gian hàng bán đồ chơi, bánh kẹo hoặc các gian hàng ăn uống…

Đi chợ mùa lụt

Đi chợ thích nhứt là vào mùa lụt. Bởi, dịp ấy thường đi chợ cả xóm. Khi qua hết đợt lũ xuống, nước bắt đầu “bình”, nghĩa là nước không lên nữa, dừng hẳn lại chờ rút, mặt nước trở nên phẳng rất thuận lợi cho việc bơi ghe. Thời điểm ấy, bơi ghe qua sông Ly Ly chẳng khác đang bơi ghe trên đồng.

Nước khỏa trắng từ nhà cho tới tận chợ. Nên cả xóm chọn đi chợ xa nhất - Bà Rén, cách bốn năm cây số. Thứ gì bán được thì chất lên ghe, tất nhiên nhiều nhất vẫn là lúa. Dịp này, người lớn đâm ra dễ tính nên bọn trẻ con thường được cha mẹ cho “đi theo”, nghĩa là cứ lên ghe, không mục đích, có thể phụ với chủ ghe cùng bơi tí chút cho “nhẹ ghe” còn chủ yếu là đi chơi.

Nhà tôi ở đầu xóm, ghe đi ngang xóm một lát là đủ mặt làng trên xóm dưới. Cảm giác khi bơi ghe ngang qua sông rất lạ, cứ bình yên như là “không thấy” gì, khác xa mọi bữa vốn “cách sông trở đò” là thế. Và chọn con đường ngắn nhất, có thể bơi ngang đồng hoặc chen vào các vườn nhà ai đó không bị tre hay rào ngăn cách, cứ thế trực chỉ.

Chợ Đồn - tên gọi khác của chợ Bà Rén. Vừa đi vừa đoán, chỗ ni là xóm Tứ Chánh, chỗ tê là xóm Đình, … chỗ ni là đồng Nhứt, chỗ tê khu Mả Dằm…, dưới sâu ni là cống Bà Hàn, kia là Tàu Đuồi, trúng trật không kể. Mọi người không vào chợ ngay mà ghé máy gạo Hoành bên quốc lộ.

Cột ghe, ai máy gạo cứ máy, người không máy gạo có thể thong thả đi chân không ra chợ nhiều khi vác theo cả dằm bơi. Có người cứ ngồi trên ghe… chơi, chờ mọi người đi chợ xong thì cùng bơi ghe về. Họ, đôi khi vì không thích ghé chợ, có người chỉ đơn giản là chẳng có gì để mua bán, ghé chợ làm gì...

Bây giờ, ào cái là tới chợ. Đôi khi, sau giờ làm việc chỉ cần đảo qua mấy cái chợ xép, ngồi vắt vẻo trên xe chỉ thứ này thứ nọ là có tất. Có khi chỉ cần ở nhà lướt mạng, thêm một cái bấm máy là có shipper chở hàng tới tận nơi, kiểu gì cũng có. Nhưng mà không vui, không đã như kiểu la cà các buổi chợ quê.

LÊ TRÂM