Sáng chiều chị với chợ
(VHQN) - Không còn nhìn rõ chỉ tay trên lòng bàn tay chị. Bởi tay chị tôi sần lên những nốt chai thời gian, hết cầm súng thời du kích, sang đi thanh niên xung phong mang cuốc xẻng, ky trạc lên đắp kênh hồ Phú Ninh.
Đường kinh doanh trong lòng tay chị thoáng hiện một ngôi sao mờ trên gò thủy tinh, không làm ăn lớn nhưng chạy chợ thì giỏi. Hay như mấy bà già trầu tấm tắc người “có tay chạy chợ” thường giỏi xoay xở bán buôn.
Mà hồi bao cấp, chạy chợ không dễ, ngăn sông cấm chợ nhiều thứ hàng, chị chủ yếu làm nông, xong mùa mới “chạy xắp” các chợ quê. Thường qua 23/10 âm lịch, lúa đông xuân gieo cấy xong, chị lên bờ sấp ngửa chạy chợ Vĩnh Điện, Phong Thử, Ái Nghĩa, Thanh Quýt, Đò Xu… mua đi bán lại nông sản.
Sáng tinh mơ chị dậy hái rau, cắt búp chuối, buồng cau, hốt ổ trứng gà… rồi gánh cả vô chợ Vĩnh Điện. Hồi đó chợ cũ còn đông sát tới bến sông, nơi có ghe thuyền cá mắm từ dưới biển lên, chuối sắn từ nguồn xuống. Rau củ ở các vùng quanh chợ cũng dồn về. Tả như thơ Nguyễn Đức Mậu gần đúng: “Chợ quê bán những rau dưa/ Lá trầu mới hái, chuối vừa chín cây…”.
Các bà các chị bán rau từ sáng tinh mơ tới chín mười giờ là hết. Chợ gần Tết thì họp tới khuya lơ. Chị bán dăm ba bữa, cóp nhặt được ít vốn lại bắt đầu chạy thêm lên các chợ khác. Bán xong ở Vĩnh Điện mua hàng cá mắm chạy lên Phong Thử, Ái Nghĩa bán, rồi mua đường bát, bánh tráng, nếp… về lại.
Hồi có hàng ngon muốn đến chợ gần phố lớn thì tuốt ra Hòa Cầm, hoặc xuống Hội An. Trao đi đổi lại hàng qua các chợ kiếm ít tiền lời, đủ sắm đôi dép cho mấy em, xấp vải cho mẹ, hoặc để dành lại vài cặp đường đen làm bánh tết, nào bánh in, khô, da, nổ…
Thoáng cái hết sáng thanh xuân của chị, với chợ!
Quang gánh mỗi khi chị trở về từ các chợ, là nhiều bữa có thức “ăn tươi” cho cả nhà, khi là bộ lòng heo, lòng bò, tảng huyết; lúc có những củ sắn dây và nhúm tôm tép để trộn xào… Có bữa nào chị về mắt trảm lơ, xụi người, ấy là tiếng cười vụt tắt bởi mua không may bán không đắt, chỉ còn giắt rổ vài cây kẹo ú cho em út thôi.
Những phiên chợ thanh xuân của chị với chợ trôi đi lúc nào không hay, để nay buổi chiều bóng xế. Người đàn bà vào ngưỡng tuổi 70 xương khớp khúc khắc, mắt mờ, chân run dần, chị lui về sân vườn rau cỏ, mọi thứ bán mua tại nhà.
Quanh vườn trồng chuối, cau, giắt mấy bụi rau quế, vài luống cải, mồng tơi, mà túc tắc vẫn có người đến mua, cũng là những người chạy chợ như thuở nào chị đã từng đi.
Chiều đi qua đời người dường lặp lại cái bóng chập chững nào đó ở miền ký ức. Những náo nức ngày xưa cũng theo chợ dời qua chỗ mới, như chợ Vĩnh Điện cũng không còn ở chỗ cũ.
Nơi đấy, cây gòn ngày xưa đã bay đi hết những mùa bông và cũng không còn dáng đứng nghiêng nghiêng trong chiều đông. Nhưng đâu đó chợ quê vẫn còn, có những hồi đông chợ, như là hơi thở của vùng đất con người quê xứ ấy.