Giải ngân nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia: Quảng Nam phấn đấu đạt 80% kế hoạch
Văn phòng Chính phủ tổ chức cuộc họp trực tuyến với 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp năm 2023 để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
Theo báo cáo tổng hợp của Bộ KH-ĐT, đến ngày 30/11 tình hình giải ngân vốn đầu tư công của 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn thấp (bao gồm cả vốn đầu tư của năm 2022 kéo dài sang năm 2023), trong đó có Quảng Nam khoảng 862,2 tỷ đồng (đạt 53% kế hoạch).
Khó khăn của Quảng Nam cũng như 10 địa phương trong danh sách giải ngân thấp bao gồm công tác xây dựng, ban hành một số quy định về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phải sửa đổi, bổ sung, cập nhật nhiều do trong thực tiễn thực hiện vẫn còn phát sinh vướng mắc, bất cập chưa được quy định đầy đủ.
Một số văn bản trả lời kiến nghị trong thực hiện chương trình MTQG chưa thực sự rõ ràng dẫn đến việc chỉ đạo thực hiện gặp khó khăn. Cụ thể, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên không phải là đối tượng thụ hưởng các nội dung về giáo dục nghề nghiệp thuộc 2 chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025.
Một số chỉ tiêu cụ thể trong thực hiện giảm nghèo bền vững còn thấp, chưa bền vững; một bộ phận nhỏ người dân vẫn còn tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức và hỗ trợ người khác vươn lên thoát nghèo bền vững...
Bên cạnh đó, hộ nghèo, hộ cận nghèo đa chiều, hộ thoát nghèo, thoát cận nghèo tại một số địa phương phần lớn có thành viên bị bệnh tật, khuyết tật, thiếu đất để xây dựng chuồng trại, thiếu lao động để tham gia dự án... nên không đáp ứng điều kiện để tham gia dự án, phương án sản xuất, dịch vụ theo quy định như phải đảm bảo về cơ sở vật chất, lao động, tư liệu sản xuất và cam kết đảm bảo phần đối ứng thực hiện dự án, phương án.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đã báo cáo những khó khăn của Quảng Nam, và cho biết đã có nhiều cố gắng, sau khi các bộ ngành tháo gỡ thì tiến độ thực hiện các chương trình được khơi thông hơn.
Quảng Nam có 6 huyện thụ hưởng cả 3 chương trình, nguồn vốn nhiều nên áp lực giải ngân lớn. Việc thẩm định phê duyệt dự án đầu tư do phòng kinh tế - hạ tầng cấp huyện, ít người nhưng danh mục công việc quá nhiều, nên tiến độ chậm. Sau khi phát hiện khó khăn này thì tỉnh đã trưng dụng tất cả cán bộ có chuyên môn cùng thực hiện mới đạt tiến độ thẩm định.
Dù có không ít khó khăn, nhưng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, Quảng Nam cam kết mức độ giải ngân đến cuối năm đạt 80% kế hoạch vốn đầu tư, vốn sự nghiệp đạt trên 60% kế hoạch. Mục tiêu này đang được toàn tỉnh và các địa phương dốc lực thực hiện.