Quế Sơn gặp khó trong đầu tư xây dựng cơ bản
Mặc dù huyện Quế Sơn nỗ lực triển khai nhiều biện pháp nhưng việc đầu tư xây dựng cơ bản vẫn gặp khó khăn, dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đạt thấp.
Không “tiêu” hết vốn
Theo số liệu tổng hợp của UBND huyện Quế Sơn, tổng kế hoạch các nguồn vốn đầu tư công năm 2023 trên địa bàn huyện là hơn 311,6 tỷ đồng, gồm cả vốn kéo dài năm 2022 chuyển sang và vốn bổ sung ngoài kế hoạch giao hồi đầu năm nay.
Tính đến ngày 15/11, Quế Sơn đã phân bổ gần 233,3 tỷ đồng và giải ngân được hơn 121,8 tỷ đồng, đạt 52,2% số vốn đã phân bổ. Dự kiến, đến hết năm 2023, tổng nguồn vốn huyện phân bổ khoảng 257,6 tỷ đồng và khả năng tới cuối năm nay giải ngân được gần 202,7 tỷ đồng, đạt 78,7%. Như vậy, còn lại kế hoạch vốn chưa phân bổ là 54 tỷ đồng.
Dự kiến, kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách huyện Quế Sơn năm 2024 là hơn 57,8 tỷ đồng. Trong đó, địa phương ưu tiên nguồn vốn trả nợ các công trình hoàn thành đưa vào sử dụng từ năm 2023 trở về trước; bố trí đủ 100% phần vốn ngân sách huyện để chi cho công tác bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng công trình và thu hồi vốn ứng ngân sách huyện năm 2023 trở về trước; tiếp đến là bố trí vốn các công trình chuyển tiếp trong năm 2024; thực hiện đối ứng các công trình thuộc những chương trình và nghị quyết của cấp trên hỗ trợ đầu tư. Phần kinh phí còn lại mới bố trí đầu tư công trình mới năm 2024.
Mới đây, tại cuộc làm việc với Thường trực HĐND tỉnh, ông Nguyễn Phước Sơn - Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn nói thời gian qua, địa phương gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Theo đó, một số công trình chuyển tiếp còn kéo dài do vướng thủ tục trình phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn năm 2023 như cầu Trà Đình ở xã Quế Phú, hồ chứa nước Châu Sơn tại xã Quế An.
Cạnh đó, Quế Sơn gặp khó trong công tác vận động bồi thường, giải phóng mặt bằng và xác định nguồn gốc đất tại Cụm công nghiệp Đông Phú 1; đường giao thông kết nối các tiểu vùng sản xuất nông - lâm nghiệp với các khu và cụm công nghiệp; Dự án mở rộng mặt đường ĐH3.QS; Dự án khu tái định cư di dời dân khẩn cấp vùng sạt lở ở các xã Quế Xuân 1, Quế Phú và thị trấn Hương An.
Trong khi đó, việc triển khai các bước lập, trình hồ sơ đầu tư những công trình thuộc chương trình nông thôn mới năm 2023 còn chậm và kéo dài do phải điều chỉnh, bổ sung quy mô, tổng mức đầu tư, danh mục trình cho phù hợp.
Chẳng hạn, nhà thi đấu thể thao đa năng huyện, Trường Tiểu học Quế An. Đáng chú ý, một số công trình đang trong giai đoạn quyết toán dự án hoàn thành nên chờ giá trị phê duyệt quyết toán để trả nợ và các công trình đầu tư kéo dài qua nhiều năm chưa hoàn thành nên rất khó cho việc giải ngân…
Đâu là nguyên nhân?
Theo lãnh đạo huyện Quế Sơn, có nhiều nguyên nhân khiến việc đầu tư xây dựng cơ bản ở địa phương gặp khó khăn. Ông Nguyễn Phước Sơn cho biết, trong quá trình giải phóng mặt bằng, vẫn còn một bộ phận nhân dân chưa đồng tình ủng hộ và thống nhất theo chủ trương chung của huyện là tự nguyện hiến đất đai, cây cối, hoa màu nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư các công trình.
Thời gian qua, việc khan hiếm đất đắp, biến động tăng mạnh giá sắt thép và một số loại vật liệu xây dựng khác đã làm ảnh hưởng lớn đến công tác lập, trình hồ sơ phê duyệt đầu tư cũng như triển khai đầu tư các công trình chuyển tiếp, công trình mới năm 2023.
Đáng nói, thủ tục đầu tư các công trình có tổng mức đầu tư quy mô lớn còn rườm rà, thủ tục trình xin các cấp có thẩm quyền điều chỉnh chủ trương, điều chỉnh dự án còn kéo dài thời gian nên làm chậm tiến độ dự án.
Ngoài những nguyên nhân khách quan nêu trên, ông Nguyễn Phước Sơn cũng nhìn nhận, một số đơn vị chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lập dự án chưa rà soát kỹ quy mô dự án ban đầu nên khi triển khai thực hiện có những dự án phải điều chỉnh quy mô, tổng mức đầu tư nên kéo dài tiến độ phê duyệt điều chỉnh dự án.
Việc quản lý, theo dõi, đôn đốc, phối hợp của chủ đầu tư với nhà thầu, đơn vị tư vấn còn chưa sâu sát làm chậm trễ trong quá trình lập hồ sơ; đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu và chấm thầu còn kéo dài thời gian và chưa chặt chẽ nên phải hủy, tổ chức đấu thầu lại dẫn đến thi công chậm tiến độ.
Một số đơn vị được giao làm chủ đầu tư hoặc đại diện chủ đầu tư dự án chưa tham mưu, phối hợp kịp thời với các sở, ngành cấp tỉnh và phòng chuyên môn cấp huyện nên việc thực hiện nhiệm vụ đôi lúc chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, còn kéo dài. Đồng thời chưa báo cáo vướng mắc, khó khăn kịp thời cho cấp có thẩm quyền xem xét, chỉ đạo giải quyết...