Tranh gỗ phù điêu Chùa Cầu lan tỏa giá trị di sản
(QNO) - Với mong muốn lan tỏa di sản Hội An đến cộng đồng trong nước và quốc tế, ông Nguyễn Đức Thắng (SN 1981, xã Cẩm Hà, Hội An) chủ cơ sở điêu khắc mỹ nghệ Đức Vĩ đã chế tác tinh tế nhiều bức phù điêu Chùa Cầu. Sản phẩm này đã đạt chuẩn OCOP 3 sao và được nhiều khách hàng đặt mua về trang trí nội thất.
Ông Thắng cho biết, sinh ra và lớn lên ở TP.Hội An, năm 1999 ông theo học nghề từ những bậc tiền bối ở làng mộc ở Kim Bồng (xã Cẩm Kim). Năm 2003 ông đứng ra mở xưởng làm đồ thủ công mỹ nghệ với những sản phẩm như tôn tượng, linh vật… và khá thành công với lĩnh vực này.
Nhờ đôi bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo, nhiều sản phẩm được chế tác từ gỗ ở cơ sở của ông Thắng được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, nhiều khách hàng đặt mua với số lượng lớn, doanh thu đem lại khá ổn định.
Để sản phẩm thêm đa dạng về mẫu mã, chủng loại, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, ông Thắng đã chuyển hướng sang làm phù điêu với những sản phẩm mang phong cách cổ điển, tân cổ điển cho đến hiện đại.
Nguyễn Đức Thắng chế tác phù điêu bằng gỗ với nhiều chủ đề như Chùa Cầu, phong cảnh long hổ tranh đấu, thuận buồm xuôi gió… với nhiều kích thước khác nhau, vừa có giá trị nghệ thuật và kinh tế, phù hợp trang trí nội thất trong nhà, chùa chiền và các công trình kiến trúc.
Ông Thắng chia sẻ: “Để làm nên bức phù điêu Chùa Cầu một cách tinh tế, chân thực như phiên bản thực tại ở Hội An, tôi và các cộng sự đã mày mò, phác thảo bản vẽ trên giấy và gỗ, từng thất bại 4 - 5 lần mới được tác phẩm ưng ý. Công đoạn khó nhất là khi đục đẽo làm sao để bố cục tác phẩm trên bề mặt gỗ phẳng được cân xứng, mang tính ước lệ về hình khối”.
Cũng theo ông Thắng, hiện nay, sản phẩm phù điêu Chùa Cầu được cơ sở của ông làm với 2 kích thước 23 x 41cm và 27 x 61cm và phục vụ theo yêu cầu của khách hàng. Mỗi sản phẩm có giá dao động từ 1 – 1,5 triệu đồng. Đến nay, cơ sở của ông sản xuất và tiêu thụ hơn 700 tấm phù điêu mang hình ảnh Chùa Cầu.
Khách hàng tiêu thụ sản phẩm phù điêu tập trung ở các địa phương trong tỉnh, Đà Nẵng, Hà Nội, lẫn du khách nước ngoài. Năm 2023, sản phẩm phù điêu Chùa Cầu của ông được tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao và Cục Sở hữu trí công nhận về độc quyền sáng chế.
Năm 2023, ông Thắng đưa sản phẩm phù điêu Chùa Cầu đi tham dự Đại hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Hội An và triển lãm không gian di sản văn hoá và sản phẩm thủ công truyền thống ở Ninh Bình. Cạnh đó, trong lễ hội Việt – Nhật, bức phù điêu Chùa Cầu của ông còn được TP.Hội An chọn làm quà tặng cho Đại sứ quán Nhật tại Việt Nam.
Ngoài làm các tác phẩm phù điêu, cơ sở của ông Thắng còn chế tác ra nhiều sản phẩm khác có giá trị được tận dụng từ cây khô, củi lũ như bình hoa, đèn trang trí, dĩa đựng trái cây hình lá và một trong những sản phẩm này được UBND TP.Hội An công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.
Hiện nay, cơ sở của Nguyễn Đức Thắng thu hút hơn 10 lao động phụ và thợ giỏi ở khắp mọi miền Tổ quốc, thu nhập đem lại cho mỗi lao động từ 350 đến hơn 500 nghìn đồng/ngày. Hằng năm, cơ sở của ông làm ra hàng trăm sản phẩm các loại, doanh thu đem lại gần 1 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Xuân Vui - Phó Trưởng phòng Kinh tế Hội An thông tin, năm 2023 thành phố có 4 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao và 3 sản phẩm được nâng hạng. Sản phẩm phù điêu Chùa Cầu của Nguyễn Đức Thắng là một sản phẩm đặc trưng của địa phương, có triển vọng, thị trường tiêu thụ tốt. Cơ sở của ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất nên có thể phát triển thành sản phẩm hàng hoá, tính thương mại cao. Cạnh đó, sản phẩm phù điêu Chùa Cầu này được nhiều du khách nước ngoài ưa chuộng, có tiềm năng xuất khẩu.
[VIDEO] - Ông Thắng chia sẻ về ý tưởng làm bức phù điêu Chùa Cầu Hội An: