Chính sách cho cán bộ dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính: Băn khoăn về quy định hoàn trả kinh phí hỗ trợ
“Có nên thu hồi kinh phí đã hỗ trợ của đối tượng nghỉ việc do thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính hay không nếu quay trở lại làm việc trong thời gian 60 tháng, kể từ ngày được hưởng chính sách?”. Đây là băn khoăn của nhiều đại biểu HĐND tỉnh khi thảo luận đối với dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh xây dựng, trình tại kỳ họp.
Tiếp thu phản biện
Do còn nhiều ý kiến khác nhau nên tại Kỳ họp thứ 18 vừa qua, HĐND tỉnh thống nhất chưa ban hành nghị quyết về chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách (NHĐKCT) tinh giản biên chế thuộc diện dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.
Cũng cần nói thêm, dự thảo nghị quyết mà UBND tỉnh trình HĐND tỉnh đã có sự tiếp thu tối đa đối với các nội dung được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh kiến nghị sau khi tổ chức hội nghị phản biện.
Cụ thể, đối với trường hợp thôi việc ngay, theo dự thảo, ngoài chế độ, chính sách được hưởng theo quy định tại Nghị định số 29 ngày 3/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế, đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã còn được hỗ trợ thêm một lần bằng 80% kinh phí được hưởng theo chính sách tinh giản biên chế quy định tại Nghị định số 29, nhưng không thấp hơn 50 triệu đồng.
Còn đối với NHĐKCT, để đảm bảo mức hỗ trợ hợp lý, công bằng hơn căn cứ theo thời gian công tác, dự thảo quy định 3 mức hỗ trợ. Theo đó, nếu NHĐKCT cấp xã có thời gian công tác dưới 5 năm được hưởng mức hỗ trợ 30 triệu đồng, từ đủ 5 năm đến dưới 10 năm được hưởng mức hỗ trợ 40 triệu đồng và đủ 10 năm trở lên được hưởng mức hỗ trợ 50 triệu đồng (trước đây quy định chung mức hỗ trợ 50 triệu đồng).
Bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ nói: “Hiện nay chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức tinh giản biên chế thuộc diện dôi dư do sắp xếp ĐVHC còn thấp, chưa đủ tạo động lực để động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức tinh giản biên chế.
Vì vậy, việc xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức; cán bộ, công chức và NHĐKCT cấp xã tinh giản biên chế thuộc diện dôi dư do sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 là cần thiết”.
Theo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, phạm vi, đối tượng, điều kiện áp dụng, nội dung hỗ trợ đảm bảo phù hợp với Nghị định số 29 ngày 3/6/2023 của Chính phủ về tinh giản biên chế; mức hỗ trợ và nguồn kinh phí thực hiện đã được rà soát, thẩm định chặt chẽ...
Thời gian áp dụng chế độ trong 24 tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã; 12 tháng đối với NHĐKCT cấp xã kể từ khi có quyết định sắp xếp của cấp có thẩm quyền là phù hợp.
Băn khoăn
Thống nhất về phạm vi, đối tượng, điều kiện và mức hỗ trợ được quy định tại dự thảo nghị quyết, tuy nhiên, nhiều đại biểu HĐND tỉnh vẫn còn băn khoăn về quy định hoàn trả lại số tiền đã nhận nếu đối tượng được bầu cử, tuyển dụng lại vào các cơ quan, tổ chức, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước trong thời gian 60 tháng kể từ ngày thực hiện tinh giản biên chế.
Đại biểu Võ Xuân Ca - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho rằng, NHĐKCT cấp xã được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ, nay phải nghỉ việc do thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC, được hưởng hỗ trợ 30 triệu đồng.
Nhưng theo quy định, trong thời gian 5 năm kể từ ngày nghỉ việc, có người phấn đấu thi đậu công chức, viên chức, đi làm ở các cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì phải hoàn trả tiền hỗ trợ này. Quy định như vậy là rất bất cập, có thể cản trở sự phấn đấu phát triển của đối tượng.
Dưới góc độ cơ quan thẩm tra chính sách, theo bà Dương Thị Thanh Hiền - Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh, cơ chế hỗ trợ được HĐND tỉnh ban hành theo thẩm quyền được giao tại Nghị quyết 29 của Chính phủ, với mục tiêu có thêm một chính sách trong việc giải quyết cán bộ dôi dư do thực hiện chủ trương sắp xếp ĐVHC giai đoạn 2023 - 2025.
“Quy định việc hoàn trả kinh phí hỗ trợ nếu trong thời gian 60 tháng đối tượng được nhận vào làm việc lại ở các đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước được thiết kế theo khoản 6, Điều 3 của Nghị định 29. Cơ quan chuyên môn rất trăn trở khi thảo luận và đưa vào dự thảo quy định này, nhưng nó thuộc về nguyên tắc làm chính sách” - bà Hiền nói.
Giải trình thêm khi chủ tọa Kỳ họp thứ 18 gợi ý “có thể bỏ quy định này, thay vào đó là các nội dung khác được thực hiện theo quy định của Nghị định 29”, bà Trần Thị Kim Hoa nêu quan điểm: “Như vậy sẽ rất khó. Nghị định 29 quy định rất nhiều nội dung liên quan. Sau khi triển khai thực hiện chính sách, nếu phát sinh những nội dung khiếu nại, hoặc có ý kiến thì việc giải trình sẽ không đầy đủ căn cứ pháp lý. Nên cần thiết phải đưa quy định này vào trong dự thảo nghị quyết”.
Cùng thảo luận nội dung này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang đồng tình với ý kiến của nhiều đại biểu HĐND tỉnh là không quy định việc hoàn trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng. HĐND tỉnh quyết định cơ chế hỗ trợ thêm của tỉnh thì không nên quy định thu hồi.
Đồng thời lưu ý cơ quan chủ trì soạn thảo nên kiến nghị Trung ương không quy định thu hồi phần hỗ trợ thêm tại Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Trên cơ sở đó xây dựng hoàn thiện chính sách hỗ trợ của tỉnh.