Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp
Năm 2023, chất lượng giáo dục nghề nghiệp có nhiều chuyển biến, tuy vậy vẫn còn không ít khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ này. Trong cuộc trao đổi với phóng viên báo Quảng Nam, ông Nguyễn Quí Quý - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Vướng trong thực hiện chương trình mục tiêu
* Thưa ông, trong các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) của tỉnh đều có các dự án, tiểu dự án liên quan giáo dục nghề nghiệp (GDNN). Việc thực hiện nhiệm vụ này trong khuôn khổ các chương trình mục tiêu quốc gia ra sao?
* Ông Nguyễn Quí Quý: Việc triển khai, thực hiện các chương trình MTQG luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự hướng dẫn của các bộ, ngành trung ương.
Nguồn lực ngân sách địa phương bố trí đối ứng đảm bảo cho các chương trình MTQG theo đúng quy định, kịp thời phân bổ kế hoạch vốn thực hiện cho các cơ quan, đơn vị, địa phương để triển khai thực hiện. Tuy nhiên việc triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, cuối năm 2022, trung ương, tỉnh mới cơ bản ban hành đầy đủ các cơ chế, chính sách và quy định, hướng dẫn thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021 - 2025, đồng thời nguồn vốn thực hiện các chương trình năm 2022 phân bổ trễ (vào cuối năm 2022).
Theo đó, việc tổ chức thực hiện các chương trình nói chung và các tiểu dự án, dự án về GDNN, việc làm nói riêng trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 gặp nhiều khó khăn.
Các quy định về hỗ trợ phát triển GDNN và giải quyết việc làm thuộc 2 chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có nhiều nội dung tương đồng và hướng dẫn chung giữa các cấp và các cơ quan thực hiện (Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; các cơ sở GDNN) nên các cơ quan, đơn vị, địa phương còn nhiều lúng túng khi triển khai thực hiện; đồng thời phải tiến hành rà soát kỹ theo các quy định của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính và các quy định có liên quan khác để tránh sai sót, trùng lặp, chồng chéo trong quá trình thực hiện.
Đến nay, đã có quy định về nội dung và định mức hỗ trợ đối với 4/4 nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách hỗ trợ học nghề theo chương trình, tuy nhiên tiêu chí xác định lao động thu nhập thấp vẫn chưa được hướng dẫn, trong khi 3 nhóm đối tượng còn lại là “người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo” số lượng hạn chế và không phải tất cả đều có nhu cầu đào tạo nghề trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng.
Trong khi đó, mức hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng theo Quyết định số 46 ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ hiện nay không còn phù hợp với chi phí thực tế nên khó đảm bảo chất lượng đào tạo và khuyến khích các cơ sở GDNN tham gia thực hiện chính sách.
* Việc giải ngân nguồn vốn các dự án, tiểu dự án liên quan GDNN có khả quan không, thưa ông?
* Ông Nguyễn Quí Quý: Tổng nguồn kinh phí trong năm 2023 quá lớn (bao gồm nguồn kinh phí năm 2022 chuyển sang và nguồn kinh phí phân bổ trong năm 2023), đặc biệt là nguồn kinh phí sự nghiệp phân bổ cho các huyện, thị xã, thành phố nên hầu hết địa phương không có khả năng giải ngân hết nguồn kinh phí này trong năm 2023. Hiện nay chưa có số liệu cụ thể về giải ngân bởi phải còn tổng hợp từ các địa phương, chúng tôi tiếp tục đôn đốc để thúc đẩy tỷ lệ giải ngân nguồn vốn về GDNN.
Hiện nay, các huyện, thị xã, thành phố không còn trung tâm GDNN và trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên cấp huyện nên nhiều nội dung hỗ trợ theo chương trình không thực hiện được (như sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện đào tạo; xây dựng, chỉnh sửa chương trình đào tạo…). Phần lớn nguồn kinh phí này chỉ thực hiện nội dung hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng.
Ngoài ra, người lao động khi tham gia các lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng đều mong muốn học tại địa phương (nơi mình đang sinh sống), trong khi các cơ sở GDNN khi thực hiện đào tạo trình độ sơ cấp phải thực hiện đúng các quy định về đăng ký, đăng ký bổ sung hoạt động GDNN theo quy định.
Các lớp đào tạo thường xuyên dưới 3 tháng có sử dụng ngân sách nhà nước cũng phải đảm bảo các điều kiện được quy định về đào tạo thường xuyên nên việc tổ chức tuyển sinh, đào tạo gặp nhiều khó khăn.
Phát triển GDNN
* Ngoài thực hiện các chương trình MTQG gặp khó khăn, công tác GDNN của tỉnh trong năm 2023 đã tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm nào?
* Ông Nguyễn Quí Quý: Trong năm 2023, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 21 ngày 4/5/2023 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tỉnh đã quán triệt chỉ thị này để triển khai thực hiện, phát triển hệ thống GDNN.
Các cơ sở GDNN, địa phương tập trung thực hiện công tác tư vấn, hướng nghiệp, phân luồng học sinh THCS vào học GDNN; đẩy mạnh công tác tuyển sinh, tổ chức đào tạo các cấp trình độ GDNN trên địa bàn tỉnh.
Tổng tuyển sinh GDNN năm 2023 đến 30/11 là 23.008 người, trong đó trình độ cao đẳng 1.074 sinh viên, trình độ trung cấp 2.157 học sinh, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 19.777 người.
Các cơ sở GDNN của tỉnh từ công lập đến tư nhân đều có nhiều nỗ lực trong tuyển sinh, đổi mới đào tạo, liên kết đào tạo với doanh nghiệp trong và ngoài nước, giải quyết việc làm cho người học...
* Ông có thể nêu một vài giải pháp của ngành LĐ-TB&XH để tham mưu cho tỉnh trong thực hiện nhiệm vụ GDNN năm 2024?
* Ông Nguyễn Quí Quý: Năm 2024, tổng chỉ tiêu tuyển sinh GDNN là 24.000 người; trong đó cao đẳng, trung cấp là 4.000 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 20.000 người. Phấn đấu đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 73%, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 33% vào cuối năm 2024.
Quảng Nam cần tiếp tục tập trung triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển GDNN nêu tại Nghị quyết số 50 ngày 14/10/2022 của HĐND tỉnh về phát triển GDNN tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025.
Nguồn lực từ các chương trình MTQG sẽ được tận dụng cho sự phát triển, đổi mới GDNN sau khi vướng mắc được tháo gỡ trong năm 2024. Việc đẩy mạnh truyền thông, nâng cao hình ảnh, thương hiệu và giá trị xã hội của GDNN, nâng cao chất lượng, hiệu quả của truyền thông GDNN cần được chú trọng hơn.
Tiếp tục đầu tư các cơ sở GDNN trọng điểm, đẩy mạnh xã hội hóa GDNN, khuyến khích phát triển các cơ sở GDNN ngoài công lập, nhất là đối với các ngành nghề trong quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tích cực huy động các đơn vị, doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề, trong đó chú trọng phát triển loại hình đào tạo nghề tại doanh nghiệp và đào tạo nghề lưu động nhằm tạo điều kiện giải quyết việc làm tại chỗ.
Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp đối với các đối tượng người học, nhất là học sinh tốt nghiệp THCS học lên trình độ trung cấp, cao đẳng (chương trình 9+); thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; lao động nông thôn, lao động nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số.
Hướng dẫn các các sở GDNN trên địa bàn tỉnh thực hiện đồng bộ và hiệu quả các điều kiện đảm bảo chất lượng GDNN gồm phát triển chương trình, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, xây dựng và hoàn thiện hệ thống bảo đảm chất lượng GDNN, đổi mới phương thức quản trị cơ sở GDNN…
* Các cơ sở GDNN cần làm gì để nâng cao chất lượng đào tạo, thưa ông?
* Ông Nguyễn Quí Quý: Các cơ sở GDNN cần thực hiện liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ giữa các cơ sở GDNN của tỉnh với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó còn phải làm tốt công tác tuyển sinh GDNN năm 2024 theo phương châm đẩy mạnh quy mô tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo, tổ chức đào tạo gắn với nhu cầu việc làm của người học và nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp.
Cơ sở GDNN cần đẩy mạnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm, kêu gọi xã hóa, thu hút các nguồn lực, tăng cường gắn kết với doanh nghiệp. Trong xu thế hiện nay, việc gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, ưu tiên đào tạo, đào tạo lại nhân lực đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy và học cũng rất cần được quan tâm thực hiện ở cơ sở GDNN.
* Xin cảm ơn ông!