Từ 17/12, Quảng Nam đón không khí lạnh mạnh nhất từ đầu mùa
(QNO) - Từ ngày 17/12, Quảng Nam chịu ảnh hưởng một đợt gió mùa Đông Bắc có cường độ mạnh nhất kể từ đầu mùa đông năm 2023.
Theo bản tin của Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, từ ngày 17/12 các địa phương trong tỉnh chịu ảnh hưởng một đợt gió mùa Đông Bắc có cường độ mạnh, đây sẽ là đợt mạnh nhất kể từ đầu mùa đông năm 2023, đến ngày 20/12 không khí lạnh được tăng cường thêm.
Ảnh hưởng của không khí lạnh, khu vực trên đất liền từ ngày 17/12 đến 23/12 trời nhiều mây, có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to. Lượng mưa phổ biến 10 - 30mm/ngày, có nơi 50mm/ngày.
Nhiệt độ thấp nhất trong đợt gió mùa Đông Bắc phổ biến 18 - 20 độ C, vùng núi cao có nơi 16 - 18 độ C (nhiệt độ thấp nhất khả năng xuất hiện từ ngày 20/12 đến cuối tháng), trời rét về đêm và sáng sớm. Gió Đông Bắc cấp 3, ven biển cấp 4 - 5.
Vùng biển Quảng Nam từ ngày 17 - 23/12 có mưa, gió Đông Bắc cấp 6, có nơi cấp 7, giật cấp 8, sóng biển cao 2 - 4m, biển động mạnh.
Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam cảnh báo, vùng biển Quảng Nam và các địa phương ven biển, tàu thuyền hoạt động trên biển cần có biện pháp phòng tránh gió mạnh, sóng lớn; khu du lịch ven biển, vùng biển Cửa Đại - Cù Lao Chàm cần đề phòng sóng biển cao; đề phòng sạt lở bờ biển, nhất là vùng biển Cửa Đại (TP.Hội An), Cửa Lở (Núi Thành).
Mưa lớn gây nguy cơ xảy ra lũ quét tại các sông suối vùng núi; sạt lở đất đá ở sườn dốc, sông suối nhỏ; ngập úng tại các vùng thấp trũng, nơi tập trung đông dân cư.
* Để chủ động ứng phó gió mùa Đông Bắc có thể gây ra mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, ngày 14/12, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) tỉnh đề nghị ban chỉ huy PCTT và TKCN các địa phương, cơ quan, đơn vị thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết qua các bản tin dự báo, cảnh báo của cơ quan khí tượng thủy văn.
Chủ động triển khai các phương án đảm bảo an toàn về người và tài sản. Thông tin kịp thời đến nhân dân biết để chủ động các biện pháp phòng tránh.
Rà soát, chủ động triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông suối, khu vực thấp trũng, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn người và tài sản, đặc biệt là các khu vực có hiện tượng sụn lún, có vết nứt, cây cối nghiêng, ngã…
Cắm biển cảnh báo, khoanh vùng khu vực, có giải pháp hạn chế nước mưa chảy vào các vết nứt. Tổ chức trực ban, kiểm tra, kiểm soát, chốt chặn, thông báo cho người dân không đi vào khu vực nguy hiểm. Bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn.
Chủ động triển khai biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp. Triển khai các biện pháp phòng chống rét đảm bảo an toàn cho người dân, cây trồng và vật nuôi.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và đơn vị, địa phương liên quan thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống có thể xảy ra.
Kiểm đếm phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển. Chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và tài sản của nhân dân vùng ven biển, trên biển, trên đảo, trên các lồng bè và khu vực nuôi trồng thủy hải sản; các tàu vận tải, các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển.
Các đơn vị quản lý hồ chứa thủy lợi, thủy điện tăng cường theo dõi, kiểm tra, quan trắc các hạng mục công trình đầu mối của hồ chứa để kịp thời phát hiện và xử lý sự cố (nếu có). Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến lượng mưa, mực nước hồ chứa, thông tin đến vùng hạ du và vận hành điều tiết hồ đảm bảo theo đúng quy định.