Lội sông bắt cua giống

PHƯỚC HIẾU 16/12/2023 09:30

Đêm buông, chúng tôi theo chân anh Trần Xuân Hảo (SN 1998) và Trần Xuân Hiếu (SN 2002, cùng trú thôn Long Thạnh, xã Tam Tiến, Núi Thành) đi săn cua giống ở sông Trường Giang. 

Lội tìm cua trên sông Trường Giang.
Lội tìm cua trên sông Trường Giang.

Công việc bắt cua diễn ra từ lúc 1h30 đến 5h sáng. Lúc này thủy triều xuống, mực nước còn khoảng 20cm. Khi đó, cua giống ở trong các khe, hang đá ven bờ sẽ bò ra ngoài để kiếm ăn hoặc bơi ra vùng nước sâu. Dụng cụ bắt cua khá đơn giản: chỉ có chiếc vợt dài hơn 2m, cái xô nhựa, đèn pin. 

Cua giống được nhiều chủ hồ nuôi ưa chuộng.
Cua giống được nhiều chủ hồ nuôi ưa chuộng.

Sau gần 4 tiếng đồng hồ lội hơn 3km ven sông, anh Hảo và Hiếu bắt được 130 con cua giống. Số cua này sẽ được bán cho các chủ hồ nuôi trên địa bàn xã và các xã lân cận với giá 5.000 đồng/con. Hai anh Hảo, Hiếu thu nhập khoảng 300 nghìn đồng mỗi người. 

Quan sát thật kỹ và tinh mắt mới phát hiện nơi cua ẩn nẩp.
Quan sát thật kỹ và tinh mắt mới phát hiện nơi cua ẩn nẩp.

Anh Hảo chia sẻ, mùa bắt cua giống diễn ra từ tháng 11 - 12 âm lịch và từ tháng 4 - 5 âm lịch. Đây là thời điểm các chủ hồ nuôi có nhu cầu mua cua giống với số lượng lớn để nuôi cua thương phẩm.

Anh Hảo dùng tay để bắt cua ẩn trong khe đá.
Anh Hảo dùng tay để bắt cua ẩn trong khe đá.

Ông Nguyễn Tấn Nổi (xã Tam Anh Bắc) có 1 hồ nuôi cua rộng hơn 4 sào, mỗi lần thả nuôi cua ông thường chọn mua hàng nghìn con cua giống của các hồ ươm ở tỉnh Quảng Ngãi.

Nhìn kỹ để phân biệt cua với ghẹ.
Nhìn kỹ để phân biệt cua với ghẹ.

“Những năm gần đây, tôi hay chọn mua thêm cua giống từ các hộ dân ở Tam Tiến về thả nuôi vì cua giống tự nhiên quen với môi trường nước, ít chết, nhanh lớn, chỉ cần khoảng 2,5 tháng là có thể xuất bán cho thương lái” - ông Nổi nói.

Anh Hảo và Hiếu phân loại cua trước khi đem đi bán cho các chủ hồ nuôi.
Anh Hảo và Hiếu phân loại cua trước khi đem đi bán cho các chủ hồ nuôi.

PHƯỚC HIẾU