Vướng mắc nhiều dự án đầu tư công trình dân dụng
(QNO) - Ngoài những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục hồ sơ chậm..., thì vật liệu xây dựng thông thường (đất, cát...) tăng giá, nhà thầu bỏ thi công... đã khiến nhiều dự án công trình dân dụng "đứng bánh".
Triền miên ách tắc
Hệ thống thoát nước các dự án ven biển phía bắc thị xã Điện Bàn (giai đoạn 2) nối từ đường ĐT603B ra sông Cổ Cò chỉ có 3/6 tuyến hoàn thành. Các tuyến còn lại đều dở dang, ngổn ngang đất cát, bê tông, cống, hộp... Kế hoạch hoàn thành dự án tháng 5/2023 không thể thực hiện được.
Ông Huỳnh Xuân Sơn – Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Quảng Nam (chủ đầu tư) nói, 3 tuyến còn lại đi qua các khu đô thị chưa giải phóng mặt bằng được, buộc phải dừng thi công. Cơ quan đã lập các thủ tục để xin gia hạn thời gian thực hiện dự án đến ngày 31/12/2025.
Tương tự, dự án sửa chữa hoàn trả đoạn km0 - km1+700 tuyến ĐT609 (Điện Bàn) vẫn còn 2 đoạn chưa có mặt bằng để thi công. UBND tỉnh đã 3 lần gia hạn cho dự án, nhưng công trình đã tạm dừng thi công từ tháng 12/2020 đến nay. Tổng số tiền đền bù, giải phóng mặt bằng hơn 13 tỷ đồng (đã phê duyệt), nhưng vẫn còn một số hộ phải điều chỉnh phương án đền bù, chưa thể hoàn tất việc bàn giao mặt bằng.
Trung tâm phát triển quỹ đất thị xã Điện Bàn đang tiến hành chi tiền cho một số hộ dân bị ảnh hưởng của dự án. Tuy nhiên, không ít hộ dân không đồng ý nhận tiền. Lý do viện dẫn là đơn giá bồi thường thấp, không đủ kinh phí xây dựng lại nhà ở mới và một số ý kiến khác liên quan đến đất đai. Chủ đầu tư đã lập các thủ tục để xin gia hạn thời gian thực hiện dự án đến ngày 30/6/2024.
Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia nhận chuyển giao từ Sở Công Thương nhiều năm qua vẫn "đứng bánh". Chủ đầu tư cho hay dự án này triển khai thi công tại các địa bàn vùng sâu, xa, biên giới chưa có điện, trải dài trên nhiều thôn, xã 8 huyện miền núi.
Ông Huỳnh Xuân Sơn nói dự án không có chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Chỉ dựa vào việc tuyên truyền, vận động người dân giao đất, chặt cây trong phạm vi hành lang an toàn điện và thời gian thi công trên núi chỉ 6 tháng/năm, nên rất khó khăn, tốn nhiều thời gian.
Một dự án khác là hồ Lộc Đại (Quế Hiệp, Quế Sơn) nhiều năm không gỡ nổi. Chi phí giải phóng mặt bằng thực tế vượt chi phí dự án được duyệt (8,15ha chưa bồi thường, khoảng 9,5 tỷ đồng), thiếu tiền chi trả, không thể đẩy thêm tiến độ thi công. Hay như chi phí bồi thường dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, cải tạo, sửa chữa Khu trung tâm thể thao, thể dục Quảng Nam khái toán trong chủ trương đầu tư chỉ 6 tỷ đồng đã lên 24,455 tỷ đồng. Không còn cách nào khác, chủ đầu tư phải đề nghị tăng tổng mức đầu tư từ 45 tỷ đồng lên 63,775 tỷ đồng.
Quá nhiều vướng mắc, kể cả địa phương chậm trễ thẩm tra phê duyệt quyết toán đến nhà thầu “tạm dừng” thi công xây lắp như dự án Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Quế Sơn), nên tính đến ngày 12/12/2023, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Quảng Nam mới chỉ giải ngân 197,1/628,2 tỷ đồng vốn đã phân bổ cho 48 dự án (đạt 31,39%).
Nguy cơ tái diễn dở dang công trình
Ông Huỳnh Xuân Sơn nói trong vòng cuối tháng 12 và đầu tháng 1/2024, sẽ có thêm vài dự án khởi công xây dựng. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 sẽ đạt khoảng 75%.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh, năm 2024, ban sẽ thực hiện 42 dự án, công trình (33 dự án chuyển tiếp, 9 dự án khởi công mới). Các phân tích cho thấy, kế hoạch vốn năm 2023 chưa sử dụng hết, chắc sẽ được kéo dài sang năm 2024 tiếp tục giải ngân thì 45,4 tỷ đồng vốn kéo dài từ năm 2022 sang năm 2023 không thực hiện được có nguy cơ bị thu hồi.
Lường trước các khó khăn, chủ đầu tư đã lập các thủ tục trình đề nghị tăng tổng mức đầu tư, xin thêm kinh phí giải phóng mặt bằng hay lập các thủ tục để xin gia hạn thời gian thực hiện dự án ách tắc kéo dài sang năm 2025.
Tuy nhiên, các kiến nghị xin vốn, gia hạn thời gian thực hiện dự án có được chấp thuận hay không vì các dự án này đã quá hạn đầu tư, bố trí vốn nhiều năm. Không được chấp thuận, đồng nghĩa với chuyện khá nhiều công trình sẽ dở dang... Thậm chí dự án như tu bổ tháp Chăm Khương Mỹ, chủ đầu tư cũng cân nhắc có nên tiếp tục đầu tư hay không khi tình trạng vôi hóa công trình đã “bị” dư luận phản ứng thời gian qua.
Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng hiện đang gặp rất nhiều vướng mắc, từ giải phóng mặt bằng, quy hoạch, lựa chọn đơn vị thẩm định giá thiết bị y tế đến giá vật liệu, nhân công xây dựng. Đây là những “vấn nạn” trong đầu tư lâu nay.
Ông Huỳnh Ngọc Bá – Phó Giám đốc Sở Xây cho rằng không có quy định cụ thể nên rất khó xử lý, khi quy hoạch chi tiết xây dựng là một quy trình rất phức tạp, không thể rút ngắn được và chi phí lập quy hoạch mặt bằng xây dựng theo quy định lại tốn quá nhiều tiền. Trong khi đó, các dự án cũ được gia hạn tiếp tục đầu tư đã phê duyệt dự án đầu tư rồi, thì tìm đâu ra tiền để bổ sung. Còn các mỏ nguyên liệu (đất, cát) có, nhưng không biết vì sao chưa thể khai thác được?
Khó khăn của chủ đầu tư, các vướng mắc đầu tư các công trình dân dụng không dễ tháo gỡ trong ngắn hạn. Do đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh báo cáo các nguồn vốn (Trung ương và tỉnh) kéo dài, báo cáo cấp thẩm quyền, hạn chế tối đa việc mất vốn. Rà soát, thống kê các dự án quá thời hạn, buộc phải dừng, trình đề xuất xin cho kéo dài thời gian thực hiện. Liệt kê các dự án chậm nhưng có nhu cầu bức thiết đưa vào sử dụng ngay như dự án Khu trung tâm thể thao, thể dục tỉnh. Ưu tiên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các công trình này.
Cạnh đó, xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện cho từng công trình, dự án (chuyển tiếp và xây mới). Phân định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư, các sở ngành về thời gian thực hiện, chỉ ra những khó khăn cá biệt của các công trình này là gì, không thể chung chung. Trên cơ sở đó để phân vai, phân nhóm hợp tác thực hiện đúng quy định.
“Xác định khung thời gian hoàn thành hồ sơ lựa chọn nhà thầu, mời thầu cho các dự án đầu tư mới, dứt điểm chậm nhất trong quý I/2024. Cần báo cáo từng cấp có thẩm quyền về các dự án chuyển tiếp kéo dài vốn từ 2023 sang 2024. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, chủ động làm việc với các sở, ngành tháo gỡ các vướng mắc, thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư, gia hạn thực hiện các dự án.
Phối hợp các địa phương giải phóng mặt bằng. Nếu không thể thực hiện được thì báo cáo ngay UBND tỉnh xem xét, quyết định. Thi công dự án đến đâu, quyết toán, tất toán đến đó, đưa vào sử dụng. Những dự án, công trình nguy cơ không thể thực hiện được thì báo cáo dừng kỹ thuật. Không thể kéo dài dai dẳng mà không tìm lối ra...” - ông Tuấn nói.