Nông dân, với số không và một

NGUYỄN ĐIỆN NAM 17/12/2023 08:15

Có thể hiểu nhiều nghĩa diễn đạt quanh hai con số 0 và 1, gắn với cuộc đời nông dân.

Một “thời xa vắng” nông dân nhiều cái không, không có nhà kiên cố, không nhiều tiền (đồng nghĩa nhà quê nghèo mạt), không ăn sang mặc đẹp như người thành thị giàu có, không có những tiện nghi xa xỉ, thậm chí con cái không được học hành tới nơi tới chốn…

Có thể diễn đạt như thơ Nguyễn Sĩ Đại về nông dân thời ấy: “Tôi đã thấy những xích xiềng phong kiến/Cái trói tay của công hữu màu mè/Mấy chục năm kéo người xa ruộng đất/Mấy chục năm ròng cái đói vẫn ghê ghê”.

Giờ thì đời nông dân vẫn còn cực nhưng một bộ phận khá lớn nông dân đã dần bước vào thế giới mạng, kết nối internet toàn cầu, từ thời @ đến chuyển đổi số với các phương tiện công nghệ điện tử, tin học dùng chuỗi số 0 và 1 để số hóa dữ liệu. Vậy nôm na là từ không - có - gì đến có - một - cái - gì đó rất khác đang chuyển động cùng đời sống, sinh hoạt, làm ăn của nhiều giới, trong đó có nông dân.

Nói như trên là căn cứ từ đâu? Chỉ lẩy ra vài số liệu từ cuộc họp báo hôm 14/12 thông tin về Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam sắp tới để minh chứng.

Theo đó, Hội Nông dân Việt Nam đã sơ bộ tổng kết, trong nhiệm kỳ VII vừa qua, các cấp hội trong cả nước đã phối hợp tổ chức tập huấn, hướng dẫn, vận động hội viên nông dân sử dụng và truy cập mạng internet, các trang mạng xã hội để khai thác thông tin về thị trường, giá cả phục vụ sản xuất, kinh doanh, đến nay có hơn 7,3 triệu hội viên kết nối internet để truy cập thường xuyên.

Đồng thời hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản cho nông dân được đẩy mạnh, hỗ trợ nông dân tham gia các sàn thương mại điện tử, đã có hơn 5,3 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được giúp tạo tài khoản trên sàn thương mại điện tử (Postmart.vn và Voso.vn); 5,8 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số; hơn 78 nghìn sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, hội nông dân các cấp đã tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cho hơn 11,8 triệu lượt hội viên; hỗ trợ xây dựng và duy trì hơn 200 cửa hàng “nông sản an toàn” để trưng bày, giới thiệu, quảng bá kết nối hỗ trợ tiêu thụ và cung cấp các sản phẩm nông sản an toàn cho người tiêu dùng.

Có lẽ để nông dân trở nên khá giàu và tiếp cận được những thành tố văn minh, tân tiến, thì phải có sự tác động từ nhiều chương trình, nhưng hẳn không thể xem nhẹ việc đưa nông dân hội nhập thế giới mạng, sử dụng công nghệ thông tin, bước đầu biết đến tiện ích với các kỹ năng số, giao dịch điện tử.

Dĩ nhiên cần có phân tích kỹ trong số hơn 108 nghìn hộ nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu có bao nhiêu hộ tiếp cận được công nghệ cao, sử dụng mạng và thiết bị điện tử, nhưng hẳn khi hỗ trợ nông dân xây dựng được 5.003 sản phẩm OCOP (công nhận đạt từ 3 sao trở lên), thì chắc chắn không thể không có yếu tố sử dụng công nghệ thông tin và sàn thương mại điện tử.

Những ấp ủ cho giấc mơ nông dân hiện đại hóa sản xuất, ứng dụng công nghệ tân tiến trong làm ăn, văn minh hơn trong sinh hoạt đời sống, sẽ còn là hành trình dài. Nhưng từ không đến có, có một rồi sẽ có nhiều.

Có lẽ sẽ lùi dần không gian sống như thời xa xưa mà Nguyễn Sĩ Đại mô tả, rằng chỉ có “nắng trên đầu, bùn cứ suốt dưới chân/cuốn sách học như món hàng xa xỉ”. Bây giờ nông dân muốn đi vào đời sống hiện đại, làm giàu thì đều cần chú trọng việc học, học từ sách, từ mạng, từ bạn bè chia sẻ trong các hội nghề nghiệp, học sử dụng công nghệ, để bước vào thế giới số, kinh tế số, thương mại điện tử lan tỏa toàn cầu.

NGUYỄN ĐIỆN NAM