"Chợ" của người già
Người già, cái chân không còn cứng khỏe như xưa, nên nẻo chợ của họ không ở đâu xa mà ngay trước ngõ nhà mình.
Tôi vô tình nhận ra “nẻo chợ” dung dị mà chứa chan biết bao tình cảm này. Đó là những sáng cuối tuần, tôi tranh thủ chở con về thăm má. Vừa chơi với cháu, má vừa ngó trông ra cổng nhà đợi tới giờ “họp chợ”.
Đúng 9 giờ sáng, chiếc xe máy cũ sờn đậu trước cổng nhà má, cả trước cả sau xe đều chất đầy thực phẩm tươi sống: thịt, cá, tôm, rau, cà, dưa muối, măng chua... Tiếp đó là tiếng bíp còi, rồi tiếng gọi mời của cô Tư bán hàng.
Má tôi tay bồng cháu, tay xách giỏ đồ ra trước ngõ để đi chợ. Cùng với má còn có cô Sáu, cụ Ba, dì Lựu, toàn những người chung phận già và đau ốm liên miên, chân đi khó nhọc. Họ mừng khi gặp cô Tư và mua được những món mình cần.
Thấy mọi người tụm lại, cô Tư bắt đầu “chào hàng”, nào cá chuồn mới sớm lấy ở biển, nào miếng thịt heo quê mới chia của đứa cháu ở núi về, thêm mấy búp măng rừng tươi rói... Món nào của cô Tư cũng ngon, giá cả phải chăng. Hèn chi cô Tư mới gắn bó một cách thân tình, đong đầy yêu thương với biết bao đường làng, ngõ xóm.
Nhiều người nói bán hàng rong là phận đời nổi chìm, còn tôi nhận thấy ở cô Tư đó là phận đời an nhiên. Bởi mỗi ngày, cô Tư lại có dịp đong đếm yêu thương với mỗi xóm làng, mặc nhiên “mở chợ” như mở nẻo đường ngắn hơn đến với người già. Và vô hình trung, cô Tư góp thêm tiếng nói cười cho tuổi già của những người như má tôi.
Có lần cô Tư ốm không đi bán hàng được. Sợ cả xóm người già đợi chờ, cô nhờ người thân gọi điện báo má tôi biết chừng. Hoặc nhiều lần khác nữa, cô Tư ghé cổng nhà, đứng dưới bóng rợp cây sung, cô đợi mãi chưa thấy má tôi. Biết má vắng nhà, cô Tư gọi điện hỏi có cần gì thì cô chuẩn bị treo ở cổng.
Tôi nhận thấy giữa má tôi, những người già xóm tôi và cô Tư y như có sợi dây gắn kết. Cũng như bữa ăn của mỗi con người phải duy trì, phải hiện diện trong đời sống một cách đều đặn mỗi ngày.
Có lần, tôi ra trước ngõ “họp chợ”, hỏi nhà cô Tư xa không? Cô trả lời: “Tít ở biển kia. Hồi trước cô toàn bán cá, thấy người già cần, cô đi chợ thêm nhiều thứ để họ đổi bữa!”.
Nghe lời cô kể, chiếc xe di động này gắn bó với cô hơn chục năm ròng, nắng mưa và những sáng đi sớm, chiều về muộn đã quá quen thuộc. Cả những giấc ngủ chỉ vỏn vẹn mươi phút ven đường cũng trở thành điều hiển nhiên theo mỗi chuyến xe cô Tư đi bán.
Cô nói, nghề nào cũng có cái cực cái vui. Cô thấy vui là phần nhiều, có dịp trút cả bầu tâm sự đầy nỗi cực lòng. Bởi đơn giản, cô cũng là vợ, là mẹ, là người đàn bà gánh trọng trách nuôi dạy các con. Cô Tư và các bà, các mẹ cũng có dịp chỉ bảo nhau cách làm món ngon cho chồng và mấy đứa con, làm sao cho mâm cơm nhà trở nên ý nghĩa.
Ngày qua tháng lại, “nẻo chợ” của má tôi vẫn hiện diện ở trước ngõ nhà mình, ngay dưới bóng cây sung già y hệt tuổi của má, của các bà các mẹ trong xóm nhỏ làng tôi. Nghe tiếng nói cười của họ, tôi thấy lòng bình yên quá đỗi. Tôi mường tượng ngày nào đó tuổi già của mình cũng ập đến và đường đi chợ cũng ngắn lại như phía ngoài kia...