Vịn câu thơ mà đi

HỨA XUYÊN HUỲNH 17/12/2023 10:30

Từng có thi sĩ biết vịn câu thơ đứng dậy, lúc ngã lòng. Lại có bao thế hệ người Việt yêu thơ, biết dừng nghỉ cùng thơ, biết vịn câu thơ rồi vững tâm mà đi…

Hình ảnh nhắc nhớ đến câu ca dao “...làm tô mỳ Quảng mời anh xơi cùng”. Ảnh: H.X.H
Hình ảnh nhắc nhớ đến câu ca dao “...làm tô mỳ Quảng mời anh xơi cùng”. Ảnh: H.X.H

1. Óc thiết thực của người Việt từng nhìn thấy ở trang phục. Như với chiếc áo dài màu đen thuở xưa của đàn ông, giản tiện đủ để có thể “che giấu” một cách tài tình miếng thịt giữa làng và cả chiếc áo lót rách nát bên trong. Từng thấy ở lối ẩm thực và sinh hoạt, kiểu “ăn lấy đặc, mặc lấy bền”.

Thấy ở công trình kiến trúc, như đình chùa, thô sơ nhưng vững chãi. Kiểu nhà thấp, nhiều cột, hai mái to lớn như sà xuống mặt đất liền với những cột chống là những ngón tay chắc chắn bám một cách quyết liệt để người Việt xưa cảm thấy có những liên lạc ấm cúng trong ngôi nhà cổ của mình. Không ai muốn chất đá gạch mong manh để chọi với sức tàn phá vô tận của dòng thời gian.

Và ngạc nhiên thay, óc thiết thực của người Việt còn thấy trong thơ, lối thơ nhịp chẵn, nhất là dòng thơ lục bát.

Kiến giải về óc thiết thực này được mổ xẻ qua góc nhìn của một người ngoại quốc (A.Pazzi) cho có vẻ khách quan, kỳ thực là của chính tác giả Việt Nam, Vũ Hạnh. Nhà văn gốc Quảng này đã dành cả phần 2 trong cuốn “Người Việt cao quý” để chứng minh óc thiết thực là một căn bản tinh thần quý giá của người Việt.

Thiết thực trong ăn mặc thì có thể hiểu được. Và với kiến trúc, nhà văn Vũ Hạnh có cơ sở để hình dung rằng trong bóng mát tỏa xuống khá dày với những hàng cột vững chắc ấy, người Việt dễ bắt gặp “một vài cánh dơi kỷ niệm chập chờn bay trên đầu mình, đưa họ trở về quá khứ lịch sử…”. Nhưng với thơ nhịp chẵn (thơ bốn tiếng, thơ lục bát, thơ mới tám tiếng) mà cũng biểu lộ được óc thiết thực, kể cũng lạ.

Nhịp chẵn để thành đôi cặp, được vuông tròn, không có chia rẽ, lẻ loi, nói lên tâm trạng không ưa phiêu lưu. Tác giả đặc biệt nhấn mạnh: óc thiết thực ấy hiển hiện trong “yêu vận”, tức lối vần gieo ở lưng câu trong thể thơ lục bát, tiếng cuối của câu lục (câu sáu chữ) hợp vần với tiếng sáu của câu bát (câu tám chữ). Một lối gieo vần cho thấy có sự bám víu, chắc chắn.

“Hầu như người Việt cần phải nghỉ ngơi cho thật vững tâm rồi mới dám bước tới thêm. Trên con đường dài gồm tám chữ ấy, người Việt đã có một trạm nghỉ ngơi để mà đổi ngựa, kiếm nước, chỉnh đốn hành trang tiếp tục lên đường” (Vũ Hạnh, Sđd, NXB Hội Liên hiệp VHNT TP.Hồ Chí Minh 1992, trang 39).

Cũng nhờ có được “nghỉ ngơi cho thật vững tâm” đó ngay trên một câu bát, mà thể thơ lục bát có thể kéo dài vô tận như trong tuyệt tác “Truyện Kiều” 3.254 câu. “Và cũng như người Việt Nam có thể đi mãi không ngừng, vươn tới không thôi, như dân tộc họ trải qua lịch sử tiến về phương Nam suốt mấy ngàn năm”, nhà văn Vũ Hạnh mượn “lăng kính” của một người ngoại quốc để đúc kết.

2. Nhắc đến lịch sử Nam tiến của dân tộc Việt, hành trình luôn được nối dài bởi các nền văn chương, hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến khảo luận của nhà văn xứ Quảng Nguyễn Văn Xuân, “Khi những lưu dân trở lại”.

Đã có lúc nhà văn Nguyễn Văn Xuân cho rằng lục bát là văn vần chứ không phải thơ; thơ chỉ dành cho hạng có học thức cao, còn văn vần như lục bát hay nói lối thì dành cho hạng trung bình trở xuống.

Nhưng ở góc độ diễn trình của thơ ca hò vè trong hoàn cảnh của cuộc Nam tiến (trên đường hành quân hay trong cuộc khai thác đất đai), nhà văn Nguyễn Văn Xuân nhìn ra với những người vốn mang dòng máu văn nghệ từ Đàng Ngoài vào thì “sự giải trí thật cần thiết mà môn giải trí nào cũng lấy dân chúng làm căn bản”.

Lúc ấy, dân chúng là đối tượng không cần đọc, ngẫm nghĩ. Mà họ chỉ cần xem, nghe, xúc động, cười cợt, hoa chân múa tay trước các bộ môn trình diễn, trước thơ, vè, chuyện kể, ca kịch… dễ hiểu, cụ thể, “vui ra vui, buồn ra buồn”.

Và chính trong khảo luận “Khi những lưu dân trở lại”, tác giả bất ngờ ngợi khen óc thiết thực của một danh thần xứ Quảng, “một sĩ phu đúng ra chỉ nên đọc thơ, phú…”.

Trong 3 loại xe nước từng xuất hiện, thì xe rùa bằng gỗ thuận lợi cho tiểu nông ở Thừa Thiên Huế vì bờ sông Hương rất thấp, xe gió rất lợi cho đại nông ở Quảng Ngãi, còn xe trâu thuận lợi cho trung nông ở Quảng Nam.

Chiếc xe trâu này, theo nhà văn Nguyễn Văn Xuân, “chính là một cống hiến của Ai Cập”, đúng hơn là cống hiến của cụ Phạm Phú Thứ trong sứ bộ Phan Thanh Giản đi Pháp và Ý năm 1863. Hồi đó, đi bộ trên vùng cảng Suez, cụ Phạm thấy kiểu xe nước gồm hai bánh có răng cưa như đồng hồ, do trâu kéo liền mô tả lại, kèm hình vẽ, chép trong cuốn “Bác vật chí”.

Chiếc xe nước kéo bằng sức trâu đầu tiên từ trang sách “bước” ra đồng ruộng xứ Quảng là do một ông phó tổng ở Hòa Vang thực hiện. Từ đó, mẫu xe này trở nên thịnh hành… Chuyện sẽ dừng ở đó, như một minh chứng cho óc canh tân và nhạy bén của cụ Phạm.

Nhưng tác giả “Khi những lưu dân trở lại” tiếp tục cảm thán: “Sự thành công của Phạm Phú Thứ, một sĩ phu đúng ra chỉ nên đọc thơ, phú là một hậu quả tích cực của người dân luôn được tiếp xúc với cái mới nên không còn quá tin ở kinh sách trừu tượng nữa”. Một sĩ phu “đúng ra chỉ nên đọc thơ, phú”, tức được hiểu theo cách có một hạng sĩ phu luôn chỉ biết cười gió ngạo trăng, hay thơ phú mà giới sĩ phu thường đọc luôn xa rời hiện thực?

3. Ngay đến cụ Phạm Phú Thứ còn bị “nghi ngờ” thì hỏi sao bản thân thơ phú không bị cho là thiếu óc thiết thực, là viển vông, là phiêu lưu, là mơ mộng...

Will Durant trong cuốn “Lịch sử văn minh Trung Hoa”, phần viết về thời đại các thi sĩ, đã bình phẩm cái hay của thơ Trung Hoa và gọi đó là lối thơ “nói ít, làm thinh”. Will Durant nhận ra, theo người Trung Hoa “đã là thơ thì phải ngắn, muốn cho thơ dài tức là tự mâu thuẫn với chính mình”.

Gần như là một sự đối lập với lục bát. Nhưng dài ngắn có lẽ không còn quan trọng nữa rồi. Chúng ta đã có “yêu vận” để dựng nên trạm dừng nghỉ ngay trong câu thơ 8 chữ. Ngày trước, Phùng Quán từng “Có những phút ngã lòng/ Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy”. Trước đó nữa và sẽ còn kéo dài đến mai sau, nhiều người Việt có thể vịn câu thơ mà đi, vì chính trong câu thơ đã có ẩn chứa sự phong lưu xen lẫn óc thiết thực…

Tự dưng muốn đọc lại câu ca dao này quá, vì có “yêu vận”, có nhịp điệu, có hình ảnh thân quen của xứ sở, có tình: “Thương nhau múc bát chè xanh/ Làm tô mỳ Quảng mời anh xơi cùng”.

HỨA XUYÊN HUỲNH