Thách thức đối với tăng trưởng kinh tế năm 2024

TRỊNH DŨNG 17/12/2023 08:23

Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách và giải ngân vốn năm 2023, Quảng Nam vẫn quyết tâm đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 từ 7,5 - 8%. Để có thể đạt được chỉ tiêu này, cần sự vào cuộc tổng lực và các giải pháp đồng bộ, khắc phục những hạn chế cố hữu.

Công nghiệp hỗ trợ cơ khí tại Thaco Industries.Ảnh: T.D
Công nghiệp hỗ trợ cơ khí tại Thaco Industries.Ảnh: T.D

TÌM ĐỘNG LỰC TRONG THÁCH THỨC

Quảng Nam suy giảm kinh tế 2023, nên điều không thể khác là phải tập trung tìm kiếm động lực, giải pháp để phục hồi tăng trưởng trong năm đến.  

Hụt hơi tăng trưởng

Tổng cục Thống kê công bố số liệu “khá thất vọng” về tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của Quảng Nam khi giảm đến 8,25% so với năm 2022.

Phân tích về mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm  của khu vực nông, lâm, thủy sản ước tăng 3,5%, đóng góp 0,41% điểm.

Theo ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở NN&PTNT, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng. Giá thức ăn chăn nuôi giảm, giá bán sản phẩm ổn định, người chăn nuôi mở rộng quy mô tổng đàn. Thủy sản phát triển cả khai thác và nuôi trồng.  

Khu vực dịch vụ dần phục hồi, tăng trưởng khá. Các sự kiện du lịch diễn ra khắp nơi, thu hút một lượng khách quốc tế tăng trở lại, kéo theo các ngành dịch vụ liên quan tăng trưởng.

Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm ở khu vực dịch vụ tăng 4,6%, đóng góp 1,38 điểm % (thấp hơn mức tăng 6,7% năm 2022, cao hơn mức tăng 1,1% và mức giảm 8,3% của năm 2021, 2020).

Thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm và khu vực công nghiệp - xây dựng) giảm sâu. Ước thuế giảm 9,1%, làm giảm 1,94 điểm %. Lý do là Thaco Group - chiếm gần 70% tổng thu giảm mạnh, lại được gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt đã ảnh hưởng đến kết quả thu ngân sách các tháng đầu năm.

Ở khu vực công nghiệp - xây dựng ước tính giảm 21,7%, đã làm giảm gần 8,1 điểm %. Riêng toàn ngành công nghiệp giảm 24,3%. Mức giảm sâu nhất trong những năm qua này đã làm giảm 7,62 điểm %. Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm ở ngành xây dựng giảm 7,9% đã làm giảm 0,47 điểm %.

Theo Cục trưởng Cục Thống kê Lê Quý Đạt thì tổng cầu thế giới và nội địa suy giảm. Các ngành chủ lực (ô tô, trang phục, da giày...) giảm mạnh do năng lực nội tại của các doanh nghiệp chưa phục hồi hoàn toàn.

Nhu cầu thị trường giảm sút, chi phí sản xuất tăng cao, vật tư khan hiếm, đơn hàng xuất khẩu giảm cả về số lượng và quy mô. Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước có hiệu lực từ ngày 1/7/2023, nhưng tiêu thụ chưa khả quan. Sức ép giá cả vật liệu, lãi suất tăng... ảnh hưởng đến tiến độ thi công các dự án khiến ngành xây dựng gặp khó khăn.

Tăng trưởng kinh tế giảm sâu (đứng vị trí 63/65 tỉnh thành, và thấp nhất trong 5 tỉnh thành kinh tế trọng điểm miền Trung và 14 tỉnh thành Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung).

Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT nói GRDP giảm là xu hướng chung của các tỉnh thành có giá trị công nghiệp lớn. Tốc độ tăng trưởng phụ thuộc khá nhiều vào thị trường thế giới. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng đến 10,3% (mức tăng cao nhất kể từ 2017 trở lại đây), nên các năm sau, để tăng trưởng 1% thì giá trị tổng sản phẩm GRDP khá cao, rất khó để thực hiện.

Tìm động lực tăng trưởng

Quảng Nam đưa chỉ tiêu GRDP năm 2024 sẽ tăng từ 7,5 - 8%; tổng vốn đầu tư/GRDP trên 30%. Động lực tăng trưởng sẽ nương theo xuất khẩu khi đã có tín hiệu tích cực từ quý IV/2023. Tổng giá trị xuất khẩu năm 2023 ước hơn 5,9 tỷ USD, tăng hơn 9%, với thị trường xuất khẩu đã được rộng mở hơn 60 quốc gia.

 

Xu hướng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng dần, GRDP quý IV chỉ còn giảm 6,87% thay vì giảm 8,76% như quý III. Dù không ít doanh nghiệp báo lỗ hay rời bỏ thị trường thì vẫn có thêm 1.100 doanh nghiệp gia nhập thị trường, 460 doanh nghiệp tái hoạt động và 77% doanh nghiệp cho biết sẽ tiếp tục sản xuất, kinh doanh với quy mô cũ. Số doanh nghiệp này sẽ mang thêm lượng vốn lớn vào thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã nhận được đơn hàng mới...

Một điều dễ hiểu là đơn hàng xuất khẩu, gia công đang tăng trở lại. Có đơn hàng sẽ có việc làm, sẽ tạo ra thu nhập, dẫn đến tăng tiêu dùng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế địa phương.

Kế hoạch của chính quyền là kết nối, tạo cơ hội hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp với Thaco Industries về công nghiệp cơ khí hỗ trợ. Sẽ gia tăng đầu tư kết cấu hạ tầng, bố trí các dự án trong các khu công nghiệp (KCN).

Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng các KCN mới. Đầu tư hạ tầng, phát triển, kết nối các loại hình du lịch với tiểu thủ công nghiệp, làng nghề, nông thôn, ven biển. Thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đô thị, du lịch...

Sẽ hoàn thành nạo vét luồng cảng Kỳ Hà cho tàu 2 vạn tấn, xúc tiến các nguồn vốn hỗ trợ từ Trung ương, xã hội hóa, cộng nguồn ngân sách tỉnh mở tuyến mới Cửa Lở cho tàu 5 vạn tấn cập cảng. Bổ sung quy hoạch phát triển các bến cảng Tam Giang, Tam Hòa. Quan trọng hơn là kêu gọi đầu tư từ nguồn xã hội hóa, phát triển dịch vụ hậu cần cảng và logistics gắn cảng biển Chu Lai.

Ngành công nghiệp dược liệu hình thành sẽ gia tăng giá trị dược liệu, bảo vệ rừng tốt hơn và gia tăng sinh kế cho đồng bào dân tộc miền núi. Kỳ vọng vào một trung tâm silica hình thành sẽ chấm dứt việc khai thác, tuyển rửa, xuất khẩu thô. Xây dựng ngành công nghiệp văn hóa với các di sản Hội An, Mỹ Sơn và tài nguyên văn hóa, du lịch khác.

Ngân sách sẽ phải được sử dụng hiệu quả làm vốn mồi, huy động mọi nguồn lực vào đầu tư. Cơ cấu lại chi đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tập trung nguồn lực hoàn thành dứt điểm các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa rộng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Chính quyền sẽ gia tăng gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cung cấp thông tin hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ đào tạo lao động, tiếp cận và ổn định trong sử dụng đất đai, vốn nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển... Sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ.

Đó là những kỳ vọng. Tuy nhiên, theo phân tích, tổng vốn đầu tư/GRDP trên 30%, tương ứng với 38,5 - 39 ngàn tỷ đồng. Số vốn đầu tư nhà nước có thể định lường được. Còn nguồn tư nhân và FDI thì khó định lường được, khi nhiều doanh nghiệp gần như đã kiệt sức. Các dự án, nhà máy lớn dường như đã đầu tư gần hết, đến cuối chu kỳ đầu tư.

Ông Lê Quý Đạt nói vẫn chưa hết khó khăn. Kêu gọi đầu tư hầu như những năm gần đây không có dự án lớn. Doanh nghiệp thiếu vốn, thu nhập nhân dân giảm, thắt chặt chi tiêu, lao động thiếu việc làm, kinh tế phụ thuộc ô tô, nhưng thị trường ô tô lại phụ thuộc thu nhập người dân nên ít khả quan tiêu thụ… Trong bối cảnh này, cần sự nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống chính trị tìm kiếm giải pháp khả thi để đạt được mục tiêu GRDP đã ấn định.

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY TĂNG TRƯỞNG CHO ĐỊA PHƯƠNG

Ngân sách của tỉnh còn phụ thuộc vào ô tô Trường Hải nên năm này đã gặp nhiều khó khăn khi doanh nghiệp này hoạt động khó. Ảnh: D.L
Ngân sách của tỉnh còn phụ thuộc vào ô tô Trường Hải nên năm này đã gặp nhiều khó khăn khi doanh nghiệp này hoạt động khó. Ảnh: D.L

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh: "Năng lực, đạo đức, trách nhiệm công vụ quyết định cho sự phát triển"

Qua thực tế giám sát, khảo sát của HĐND tỉnh, nếu thấy không thực hiện đúng các chỉ tiêu, kế hoạch theo nghị quyết hay vi phạm quy định của các luật (đầu tư, ngân sách...) sẽ nhắc nhở, chấn chỉnh, đề nghị UBND tỉnh rà soát, xem xét, điều chỉnh cho phù hợp; nếu cố tình chây ì hay sai phạm sẽ đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý, trong đó có trách nhiệm người đứng đầu.

Quảng Nam hiện nay là một trong những địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp. Có thể do nguyên nhân khách quan hoặc cơ chế, chính sách còn chồng chéo, khó thực hiện, nhưng không thể đổ lỗi cho cơ chế, chính sách vì các nguyên nhân nêu ra không mới….

Các cơ quan quản lý, địa phương, chủ đầu tư phải xem lại trách nhiệm của mình khi không thể giải ngân hết vốn hay không thực thi được các kế hoạch, chỉ tiêu đã đề ra. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh cần xem xét, rà soát  vai trò, trách nhiệm, năng lực của những người đứng đầu, để đề xuất cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, cân nhắc, điều chuyển.

Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường đã từng than phiền rằng tiền có không tiêu được, điều chuyển cũng không xong… Nếu cuối năm không hoàn thành nhiệm vụ sẽ điều chuyển lãnh đạo đơn vị liên quan trách nhiệm. Người đứng đầu sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư là người chịu trách nhiệm chính, đầu tiên trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Nếu không hoàn thành nhiệm vụ, buộc phải xem xét trách nhiệm hoặc điều chuyển là điều cần thiết.

Thường vụ Tỉnh ủy đã có tính toán, cân nhắc. Năm 2023, Thường vụ đã đôn đốc, nhắc nhở, chấn chỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh cũng đã yêu cầu UBND tỉnh xem xét trách nhiệm các chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân quá chậm phải điều chuyển… Trong năm 2024 sẽ triển khai tích cực, mạnh mẽ hơn, để đội ngũ cán bộ, công chức có đủ năng lực thực thi công vụ… đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Kinh tế suy thoái, nội lực nhiều doanh nghiệp giảm sút... đã khiến tăng trưởng của địa phương giảm sâu. Tuy nhiên, “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, cần rà soát, phân tích những gì được và chưa được, đâu là điểm yếu để thẳng thắn phân tích, đánh giá từng vị trí, vai trò trong hệ thống của mình.

Người đứng đầu, cán bộ, công chức phải tự đặt ra câu hỏi so sánh, xác định các nguyên nhân vì sao suy giảm, vì sao giải ngân chậm… để đưa ra những giải pháp tốt, toàn tâm, toàn ý, toàn lực vì sự phát triển địa phương. Năng lực, đạo đức, ý thức trách nhiệm công vụ là lựa chọn hàng đầu, tiếp đến các giải pháp đồng bộ sẽ quyết định cho sự thành công của tăng trưởng địa phương trong tương lai!  T.DŨNG (ghi)

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn: "Dốc lực giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia"

Năm 2023, tổng nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh hơn 3.279 tỷ đồng (bao gồm cả vốn năm 2022 kéo dài), chủ yếu giải ngân ở đoạn cuối năm sau khi đã có văn bản tháo gỡ vướng mắc từ các bộ, ngành Trung ương. Đến nay, Quảng Nam giải ngân khoảng 862,2 tỷ đồng (đạt 53% kế hoạch), phấn đấu giải ngân các chương trình đến cuối năm 2023 đạt 80% kế hoạch vốn đầu tư, vốn sự nghiệp đạt trên 60% kế hoạch.

Trong năm qua, toàn tỉnh đã tăng cường các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện các chương trình MTQG, tập trung bố trí đủ vốn để đẩy nhanh tiến độ và hoàn thành 3 chương trình MTQG, tổ chức lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn đầu tư của các chương trình, dự án khác trên địa bàn để thực hiện các mục tiêu, nhất là các mục tiêu về huyện, xã về đích nông thôn mới, huyện thoát nghèo…

Nguồn lực xã hội hóa từ doanh nghiệp và sự tham gia đóng góp của cộng đồng dân cư, người dân trên tinh thần tự nguyện cũng là một động lực hỗ trợ hoàn thành các dự án, công trình.  

Từ nguồn lực đầu tư của các chương trình, diện mạo nông thôn và khu vực miền núi được thay đổi một cách căn bản, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân.

Năm 2024, từ các kinh nghiệm trong triển khai chương trình của năm này, Quảng Nam khẩn trương đẩy nhanh tiến độ triển khai hoàn chỉnh các thủ tục đầu tư, bố trí thêm nhân sự tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư để phân bổ dứt điểm kế hoạch vốn năm 2024 trong tháng 4/2024.

Các đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, theo dõi và chủ đầu tư các chương trình, dự án tăng cường trách nhiệm, tích cực hơn nữa trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các dự án, tổ chức nghiệm thu và lập hồ sơ, thủ tục giải ngân, thanh quyết toán vốn của từng dự án.

Tỉnh phấn đấu đến tháng 5/2024 giải ngân 100% kế hoạch vốn 2022 kéo dài (trong trường hợp được Quốc hội cho phép kéo dài), đến tháng 7/2024 giải ngân 100% kế hoạch vốn 2023 kéo dài và đến tháng 12/2024 giải ngân 100% kế hoạch vốn 2024, trong đó ưu tiên tập trung giải ngân dứt điểm vốn ngân sách Trung ương, sau đó đến ngân sách tỉnh. LÊ DIỄM (ghi)

Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Đức: “Cần nhiều giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy kinh tế”

Năm 2024 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII. Do vậy, tỉnh cần tập trung phân tích, đánh giá các chỉ tiêu, nhất là chỉ tiêu về cơ cấu kinh tế nhằm tạo sự đột phá trên lĩnh vực phát triển công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, góp phần tăng trưởng kinh tế. Trong đó, chỉ tiêu GRDP năm 2024 tăng 7,5 - 8%.

Ban Kinh tế - Ngân sách đề nghị rà soát, phân tích tốc độ tăng trưởng trong những năm qua, đặc biệt là năm 2023, cần xác định rõ tiềm năng nội lực, những nhân tố tác động, sự cần thiết xác định chỉ tiêu tăng trưởng năm 2024 phù hợp để phấn đấu, hoàn thành chỉ tiêu cả giai đoạn 2021 - 2025.

Một số giải pháp cần tập trung như theo dõi sát tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi đảm bảo cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp.

Tập trung vào các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, nhất là đối với nguồn vốn FDI, tiếp tục chủ động tạo quỹ đất sạch và các điều kiện cần thiết để sẵn sàng thu hút, đón nhận các nhà đầu tư chiến lược trong xu hướng dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ.

Khuyến khích thu hút nhà đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiêp, có giải pháp chuyển đổi mô hình quản lý cụm công nghiệp từ nhà nước sang doanh nghiệp nhằm phát huy hiệu quả hoạt động các cụm công nghiệp hiện có.

Cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào sử dụng các dự án đầu tư trọng điểm nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo nguồn thu mới, góp phần dịch chuyển cơ cấu nguồn thu ngân sách nhà nước trên địa bàn.

Thêm nữa là tập trung nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, đảm bảo liên thông, kết nối liên vùng và phát triển đô thị các huyện miền núi. SONG LINH (ghi)

Phó Giám đốc Sở Tài chính Phan Thị Thanh Thảo: “Cần nghiên cứu nguồn thu mới để hạn chế bị động”

Năm 2023 kinh tế Quảng Nam tăng trưởng âm, cân đối ngân sách tỉnh hụt thu hơn 600 tỷ đồng, làm ảnh hưởng lớn đến điều hành chi ngân sách những tháng cuối năm 2023 và năm 2024.

Trong năm đến, bên cạnh rà soát, cân đối lại những khoản thu ngân sách, rà soát nợ thu ngân sách thì việc quản lý, điều hành để có những nguồn thu khác, không quá phụ thuộc vào một nguồn thu lớn, là những vấn đề cần bàn bạc, xem xét. Trong quản lý điều hành, việc nghiên cứu tìm kiếm những nguồn thu mới rất cần được quan tâm, để củng cố tính an toàn trong điều hành ngân sách.

Việc quản lý, sử dụng các khoản thu cũng cần quan tâm. Nội dung được chuyển nguồn thì mới chuyển nguồn, nếu để lại thì để vào nguồn kết dư ngân sách, như vậy sẽ ảnh hưởng đến việc quản lý, điều hành ngân sách năm sau càng khó hơn. Với các đơn vị, địa phương thì từ đầu năm cần phải xây dựng nguồn dự toán sao cho phù hợp với tình hình chung. LÊ DIỄM (ghi)

Ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP.Hội An: “Giữ nhân hòa để phát triển”

Những khó khăn tỉnh phải đối mặt trong năm 2023 đã ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển. Tôi nghĩ khó khăn này còn sẽ kéo dài, nhưng với truyền thống đoàn kết của Quảng Nam, nhất định chúng ta cũng sẽ vượt qua và tiếp tục phát triển thông qua những giải pháp hợp lý. Chúng ta cố gắng giữ “nhân hòa” để tạo động lực cho phát triển.

Tôi đề nghị Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh sớm có kế hoạch, giải pháp để khắc phục khó khăn; kiện toàn, củng cố, nâng chất lượng hoạt động của tổ chức bộ máy các sở ngành. Nhiều sở ngành làm việc với tinh thần tốt, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Nhưng cũng có một số sở ngành còn chậm chạp trong xử lý công việc.

Bây giờ chúng ta cần “xốc” lại tinh thần, sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này. Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng nên có các cuộc làm việc để động viên tinh thần cán bộ, công chức từ tỉnh đến huyện, tạo động lực tiếp tục nỗ lực công tác.

Quan điểm chỉ đạo của Trung ương về “dám nghĩ, dám làm”… là đúng rồi, nhưng trong thực tế hiện nay khi kiểm điểm lại thì cán bộ, công chức mới dám nghĩ chứ chưa dám làm. Chưa cụ thể hóa được cơ chế “bảo vệ” theo chủ trương của Trung ương.

Khó khăn của tỉnh thời gian qua, đã tác động rất nhiều đến niềm tin của doanh nghiệp và người dân. Cho nên tôi nghĩ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị các cấp phải đồng hành với các doanh nghiệp, người dân để cùng tháo gỡ khó khăn.

Tôi đề nghị, đối với các doanh nghiệp hiện nay liên quan đến bất động sản, tỉnh cần khẩn trương có giải pháp tháo gỡ vướng mắc về giá đất, dù biết là khó. Do không có giá đất, năm 2023 tỉnh giao TP.Hội An 500 tỷ đồng tiền khai thác quỹ đất đã coi như “trắng tay”.

Nếu không có giá đất thì khó giải quyết vấn đề khó khăn khi tiền có sẵn rồi, hạ tầng làm rồi, nhưng không thể hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, không nghiệm thu được để ra “sổ đỏ”, không bán được đất. Tỉnh hết sức quan tâm, cái gì khó, vướng, chúng ta tiếp tục hỏi trung ương, hoặc bàn luận thế nào để tháo gỡ cho được vấn đề này.

Cùng với đó xem xét, rà soát, gia hạn các dự án để có cơ sở pháp lý tiếp tục triển khai. Nhiều tuyến đường dân chấp hành hết rồi, chỉ còn cái nhà chình ình ra đó nhưng cũng không cưỡng chế được và không được gia hạn. Và như vậy, đô thị cứ dở dang, nhếch nhác.

Cần tập trung tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư cấp huyện đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Những quy định gì bất hợp lý cần rà soát, kiến nghị, còn cái gì thuộc thẩm quyền tỉnh thì chủ động sửa đổi phù hợp… Và quan trọng là phải làm nhanh. H.GIANG (ghi)

Các doanh nghiệp bắt đầu có đơn hàng xuất khẩu năm 2024. Ảnh: D.L
Các doanh nghiệp bắt đầu có đơn hàng xuất khẩu năm 2024. Ảnh: D.L

Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Quang Thử: “Kiểm soát chặt đầu tư và gia tăng tỷ lệ giải ngân”

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công 2024 công bố bằng 81% so kế hoạch năm 2023 (hơn 6.912 tỷ đồng) chỉ là dự kiến. Con số xác định phải chờ đến hết chu kỳ giải ngân 2023 (31/1/2024), khi biết được số vốn năm 2023 kéo dài sang 2024 là bao nhiêu.

Việc phân bổ vốn sẽ được bám sát, cụ thể hóa các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng. Sẽ cơ cấu đầu tư công khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Việc bố trí cho các nhiệm vụ, dự án phải phù hợp với khả năng thực hiện, giải ngân. Tiến độ phân bổ, giao kế hoạch chi tiết sẽ theo đúng quy định. Tập trung đầu tư cho các công trình trọng điểm chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII, công trình bức xúc có tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng.

Kế hoạch đầu tư công được xây dựng trong điều kiện ngân sách khó khăn. Các nguồn vượt thu, tăng thu, tiết kiệm chi dự kiến sẽ không đảm bảo như những năm trước. Việc phân bổ vốn sẽ theo thứ tự ưu tiên. Sẽ kiểm soát nợ đọng xây dựng cơ bản, bố trí trả nợ, không để phát sinh nợ mới.

Một trong những điểm mới của đầu tư công 2024 là căn cứ vào giải ngân 2023, sẽ hạn chế tối đa hoặc không bố trí kế hoạch vốn năm 2024 đối với các dự án có nguồn vốn phân bổ lớn nhưng chậm giải ngân, để tập trung giải ngân kế hoạch vốn năm 2023 (nếu được phép kéo dài).

UBND cấp huyện không giải ngân hết kế hoạch vốn kéo dài, phải nộp trả ngân sách Trung ương hay tỉnh, thì phải chịu trách nhiệm phân bổ từ nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện cho các dự án này.

Các sở chuyên ngành được yêu cầu rà soát, rút ngắn đối đa thời gian thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định dự án  đầu tư, thiết kế kỹ thuật dự án. Các chủ đầu tư lựa chọn đơn vị tư vấn đảm bảo năng lực, uy tín, có kinh nghiệm để nâng cao chất lượng lập hồ sơ, tránh phải bổ sung, điều chỉnh nhiều lần, không khoán trắng công việc cho đơn vị tư vấn.

Người đứng đầu đơn vị được giao nhiệm vụ đề xuất chủ trương đầu tư, chủ đầu tư chịu trách nhiệm về tiến độ thực hiện và chất lượng của hồ sơ, thủ tục dự án. Các số liệu giải ngân sẽ được công khai cho các cơ quan theo dõi, giám sát.

Giải ngân, hiệu quả sử dụng vốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ đã được xác định. Chỉ thị 15 của Tỉnh ủy (27/8/2021) đã chỉ rõ nếu không hoàn thành kế hoạch giải ngân đúng tiến độ, không thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, không hoàn ứng, thanh quyết toán dự án đúng thời gian quy định, phải kiểm điểm trách nhiệm cá nhân, tập thể liên quan, nhất là người đứng đầu.

Tuy nhiên, hiện nay, chưa xử lý kỷ luật một chủ đầu tư nào. Không sơ kết, không thực hiện như chỉ thị khiến các chủ đầu tư “lờn”. Giải ngân không tốt cũng rồi, cũng qua, ai cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Thực sự rất cần một hành động cụ thể đủ mạnh để răn đe, thậm chí cách chức vì thiếu trách nhiệm với động lực phát triển của địa phương thì may ra mới có thể nhận diện được sự thay đổi từ chính quyền sở tại và các chủ đầu tư! T.DŨNG (ghi)

Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My Thái Hoàng Vũ: “Áp lực giải ngân lớn khi cùng lúc thực hiện nhiều chương trình đầu tư”

Sau khi tỉnh hụt thu trong năm 2023 thì việc cân đối đầu tư công cho giai đoạn sắp tới sẽ có nhiều khó khăn. Bây giờ có thêm 3 chương trình MTQG thì buộc tỉnh, huyện phải đối ứng.

Đối với miền núi, sau khi rà soát thì thấy rằng tất cả chương trình với nhiều công trình đầu tư, số đối ứng rất lớn nên địa phương miền núi sẽ gặp khó khăn nhiều trong giai đoạn tới về bố trí vốn đối ứng.

Xây dựng nông thôn mới của các xã ở miền núi khó khăn hơn nhiều so với đồng bằng. Khi đạt nông thôn mới thì việc thực hiện nhiều chính sách dành cho người dân gặp khó khăn, khó nhất là thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội như chính sách bảo hiểm y tế, chi phí học tập, tiền ăn cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số. Các xã khó khăn thì nên để giai đoạn sau này hẳn thực hiện nông thôn mới, làm sớm sẽ không bền vững.

Nguồn vốn đầu tư dồn về cho miền núi nhiều, kéo theo đó áp lực công việc rất lớn nhưng con người thì không tăng. Ví dụ như giải phóng mặt bằng, nhiều công trình cùng lúc thực hiện khiến quá tải, không có đủ nhân lực, nên áp lực lên việc giải ngân nguồn lực đầu tư. Hay như việc thẩm định phê duyệt dự án đầu tư do phòng kinh tế - hạ tầng cấp huyện chủ trì, ít người nhưng danh mục công việc quá nhiều, nên tiến độ chậm. DIỄM LỆ (ghi)

TRỊNH DŨNG