Tín dụng chính sách xã hội ở Đông Giang: Nhiều tín hiệu vui
(QNO) - Không dừng lại ở con số dư nợ tăng trưởng ấn tượng, hoạt động tín dụng chính sách của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Đông Giang thời gian qua đã được người vay sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
Nhiều tín hiệu vui
Thông qua Hội Cựu chiến binh xã Mà Cooih, năm 2017, hộ gia đình A Lăng Tư (trú thôn A Roong, xã Mà Cooih) đã vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng chính sách của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Giang để mua con trâu con, mua bò về nuôi. Cùng với 10 con heo nái giống heo cỏ địa phương mà ngành nông nghiệp huyện hỗ trợ, hai vợ chồng còn trồng keo và bắt đầu gầy dựng cuộc sống riêng. Nhờ chí thú làm ăn, đảng viên trẻ A Lăng Tư sau gần 2 năm đã trả xong nguồn vốn vay ban đầu.
Về sau, hộ anh tiếp tục vay tăng thêm để làm trang trại, trồng chuối, trồng sắn, đào ao nuôi cá… Cuộc sống gia đình dần ổn định, A Lăng Tư trở thành tấm gương điển hình trong vượt khó vươn lên, được bà con tín nhiệm bầu giữ chức Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn A Roong. “Tổng cộng hộ mình đã vay khoảng 180 triệu đồng. Thời gian đến, sau khi thu hoạch xong sắn, hai vợ chồng sẽ vay thêm tiền cải tạo diện tích đất nêu trên để trồng cây ăn quả” - anh A Lăng Tư chia sẻ.
Hội Nông dân thị trấn Prao là đơn vị nhận ủy thác cho vay 9 chương trình thông qua 7 tổ tiết kiệm và vay vốn. Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Đông Giang - ông Đào Anh Vũ cho biết, ở thị trấn này, hội viên nông dân sau khi vay vốn đã sử dụng đúng mục đích. Nhờ tính cần cù lao động, ham học hỏi, nhiều hộ đã thành công với mô hình sản xuất kinh doanh mà mình chọn. Hộ Bhnướch Thị Crứt là minh chứng tiêu biểu. Thiếu đất sản xuất, vợ chồng bà tìm xuống tận thôn Panai (xã Tà Lu, Đông Giang) mua, thuê thêm đất. Để có nguồn lực đầu tư, gia đình làm các thủ tục vay vốn từ tín dụng chính sách, trước tiên là chăn nuôi bò, gia cầm, sau đó là trồng cây, nuôi cá…Hộ được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Việc triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đã tác động tích cực trên hành trình xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và con vật nuôi tại xã A Ting. Nhiều hội viên nông dân sử dụng vốn vay để triển khai khá hiệu quả các mô hình. Đơn cử, các hộ Cơ Lâu Crênh, A Lăng Hới, Pơ Loong Thị Be, Cơ Lâu Thị Nhu với chăn nuôi heo địa phương; Bríu Ngà, Cơ Lâu Du, Đinh Văn Béc chăn nuôi bò sinh sản; Võ Ngọc Hồng, Trần Văn Sơn, Lê Văn Năm, Nguyễn Thanh Sơn, Võ Thị Lý thành công với trồng cây ăn quả tổng hợp...
Chuyển biến chiều sâu
Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Giang - ông Đặng Văn Dũng thông tin, tính đến ngày 30/11/2023, dư nợ tín dụng chính sách của đơn vị đạt 286,238 tỷ đồng, tăng 36,722 tỷ đồng so với đầu năm (tỷ lệ tăng 15,4%). Ước thực hiện đến 31/12/2023, con số dư nợ là 290,74 tỷ đồng, tăng 41,224 tỷ đồng so với đầu năm (tỷ lệ tăng 16,52%). Điều đó đồng nghĩa đơn vị đã hoàn thành 100% kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, ông Đặng Văn Dũng nhìn nhận, câu chuyện không phải là con số dư nợ tăng trưởng ấn tượng, mà vốn tín dụng chính sách tiếp tục được đầu tư có hiệu quả; thúc đẩy phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Đặc biệt, nhận thức của hộ nghèo và đối tượng chính sách khác thay đổi đáng ghi nhận, khi họ biết dùng vốn vay vào sản xuất kinh doanh cho sinh lời.
Theo thống kê, 11 tháng đầu năm 2023, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Giang cho vay tổng cộng 15 chương trình với 1.161 lượt khách hàng. Đến cuối tháng 11 năm nay, số khách hàng dư nợ của đơn vị là 6.144 trường hợp. Đáng chú ý, Đông Giang có 5 khách hàng tiếp cận vay vốn theo diện xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản. Hay tháng 10/2023, vốn vay cũng đã giải ngân cho 3 người chấp hành xong án phạt tù (100 triệu đồng/người).
Có thể khẳng định, con số 5 khách hàng đi xuất khẩu lao động và 3 trường hợp mãn hạn tù được vay vốn tuy còn nhỏ bé, song cho thấy người dân Đông Giang đã biết vươn xa tìm việc nhằm “từ giã” đói nghèo luôn bấu víu; hoặc xóa bỏ mặc cảm lầm lỡ để vươn lên bằng sức lao động của mình. Theo ông Đào Anh Vũ, giải ngân vốn để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống là tín dụng nhân văn đối với người hoàn lương, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương là việc nên làm.
Một điểm sáng khác của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đông Giang đó là triển khai hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: năm 2021 đến năm 2025 theo Nghị định số 28, ngày 26/4/2022 của Chính phủ. Đến cuối tháng 11/2023, đơn vị đã giải ngân cho 224 hộ, với tổng số tiền 10 tỷ đồng. Nguồn lực này được các hộ xây dựng và sửa chữa nhà ở, chuyển đổi nghề, cải tạo lại đất sản xuất.
Để hiện nay, các hộ A Râl Xu, Zơ Râm Bồr, A Lăng Blốh, Ating Bhlam tại Tổ dân phố Gừng (thị trấn Prao); hay hộ Zơ Râm Hoàng tại thôn Bhlô Bền (xã Sông Kôn) đã có thể yên tâm lao động sản xuất, khi mà nơi “an cư” được xây dựng khang trang, bền chắc. Hay như tại Tổ dân phố A Duông (thị trấn Prao), vườn đồi của của các hộ như A Râl Tê, Bnướch Brác chờ ngày tươi tốt nhờ được cải tạo để trồng cây ăn quả, cây quế… hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập khả quan, ổn định lâu dài.