Phát huy tiếng nói của già làng

ĐĂNG NGUYÊN 17/12/2023 14:46

(QNO) - Từ việc phát huy vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, thời gian qua, việc thực thi chính sách pháp luật, bảo tồn văn hóa, phát triển các mô hình sinh kế… ở miền núi trở nên thuận lợi và ngày càng mang tính hiệu quả thiết thực.

Bí thư Tỉnh ủy động viên các già làng, người có uy tín tại xã Trà Nú (Bắc Trà My). Ảnh: Đ.N
Bí thư Tỉnh ủy động viên các già làng, người có uy tín tại xã Trà Nú (Bắc Trà My). Ảnh: Đ.N

Những “cánh tay nối dài”

Ở tuổi 73, già làng Nguyễn Văn Hồng (thôn Phú Tân, xã Tam Trà, Núi Thành) vẫn miệt mài góp sức cho công tác bảo tồn cồng chiêng của đồng bào Co. Già Hồng nói, đó vừa là trách nhiệm, vừa thỏa niềm đam mê theo ông suốt cả cuộc đời.

Những nhịp chiêng được đánh vang từ căn nhà của già Hồng. Ở tuổi 73, không ai nghĩ, già Hồng vẫn rắn rỏi một tay nhấc chiêng cao ngang mặt, tay còn lại dùng chiếc dùi gõ các nhịp trầm bổng theo tiết tấu truyền thống.

“Tôi biết chơi cồng chiêng từ khi lên 10 tuổi, đến năm 18 tuổi thì đã tham gia đi biểu diễn trong các lễ hội. Văn hóa cồng chiêng, với tôi như một phần cuộc sống không thể thiếu” - già Hồng chia sẻ.

Ở tuổi 73, già Nguyễn Văn Hồng vẫn miệt mài góp sức bảo tồn văn hóa người Co. Ảnh: Đ.N
Ở tuổi 73, già Nguyễn Văn Hồng vẫn miệt mài góp sức bảo tồn văn hóa người Co. Ảnh: Đ.N

Lo lắng trước nguy cơ văn hóa cồng chiêng thất truyền, bên cạnh sưu tầm các loại nhạc cụ truyền thống, nhiều năm nay già Hồng góp sức truyền dạy cồng chiêng cho lớp trẻ người Co tại địa phương. Từ tâm huyết của ông, các câu lạc bộ cồng chiêng, múa cheo, đan lát… dần được hình thành, góp thêm câu chuyện sinh động cho công tác bảo tồn bản sắc.

Già Hồng như một lát cắt nhỏ trong các câu chuyện phát huy vai trò, tiếng nói của già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc  thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh. Như già Bhling Hạnh (ở thôn Công Dồn, xã Zuôih, Nam Giang), bằng trách nhiệm với cộng đồng, hàng chục năm nay, già Hạnh đóng góp công sức, duy trì lớp truyền dạy văn hóa trống chiêng Cơ Tu cho lớp trẻ địa phương.

Cộng đồng người Co ở thôn Phú Tân (xã Tam Trà, Núi Thành) trình diễn nghệ thuật múa cheo trong ngày hội đại đoàn kết. Ảnh: Đ.N
Cộng đồng người Co ở thôn Phú Tân (xã Tam Trà, Núi Thành) trình diễn nghệ thuật múa cheo trong ngày hội đại đoàn kết. Ảnh: Đ.N

Bên cạnh sưu tầm và phục dựng thành công các lễ nghi truyền thống, già Hạnh vận động nhiều gia đình tìm kiếm, cất giữ các nhạc cụ truyền thống; sáng tác lời cho nhiều ca khúc dân ca Cơ Tu; khuyến khích người dân bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch.

Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được già Hạnh tuyên truyền, giúp đồng bào DTTS ở xã Zuôih nâng cao nhận thức, xây dựng cuộc sống mới ngày càng tiến bộ.

Nhiều làng nghề truyền thống được phục hồi và phát triển thành sản phẩm du lịch từ sự nỗ lực của các già làng và người có uy tín. Ảnh: Đ.N
Nhiều làng nghề truyền thống được phục hồi và phát triển thành sản phẩm du lịch từ sự nỗ lực của các già làng và người có uy tín. Ảnh: Đ.N

Phát huy vai trò nòng cốt

Theo số liệu thống kê, Quảng Nam hiện có hơn 400 già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS. Thời gian qua, vai trò của người uy tín được phát huy rõ nét, trở thành lực lượng nòng cốt trong công tác tuyên truyền chính sách, phổ biến và giáo dục pháp luật đến với cộng đồng miền núi.

Bằng tinh thần nêu gương, nhiều già làng và người có uy tín tiên phong “giữ lửa” các làng nghề truyền thống, góp sức bảo tồn các giá trị truyền thống tốt đẹp của cộng đồng. Ngoài ra, nhiều người uy tín còn là điển hình trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết, tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia…

Bằng tinh thần nêu gương, các già làng vùng cao đã truyền dạy và tiếp lửa cho cộng đồng bảo tồn bản sắc. Ảnh: Đ.N
Bằng tinh thần nêu gương, các già làng vùng cao đã truyền dạy và tiếp lửa cho cộng đồng bảo tồn bản sắc. Ảnh: Đ.N

Ông Alăng Mai - Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng hơn 136.000 người DTTS sinh sống; chiếm 9,1% dân số toàn tỉnh, chủ yếu là đồng bào Cơ Tu, Xê Đăng, Giẻ Triêng.

Những năm qua, từ chính sách ưu tiên của Trung ương và của tỉnh, diện mạo vùng đồng bào DTTS có nhiều đổi thay, đời sống người dân từng bước cải thiện, văn hóa truyền thống được tôn trọng, giữ gìn và phát huy, mặt bằng dân trí ngày càng nâng lên đáng kể.

Từ mối quan hệ mật thiết với cộng đồng, các già làng đã tuyên truyền, thuyết phục và động viên người dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; đặc biệt là các chương trình, mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội tại miền núi thời gian qua.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự góp sức của người uy tín giúp diện mạo đời sống người dân miền núi ngày càng “thay da đổi thịt“. Ảnh: Đ.N
Bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự góp sức của người uy tín giúp diện mạo đời sống người dân miền núi ngày càng “thay da đổi thịt“. Ảnh: Đ.N

“Lực lượng người có uy tín, già làng ở các thôn bản đã phát huy tốt vai trò của mình đối với cộng đồng, được xem như lực lượng nòng cốt trong việc hoà giải mâu thuẫn, tích cực vận động người dân bảo đảm an ninh - trật tự, thực hiện vai trò cầu nối giúp tuyên truyền các chính sách đến với cộng đồng một cách hiệu quả.

Bên cạnh đó, nhiều già làng còn là nghệ nhân, những người “giữ lửa” các làng nghề truyền thống, như cánh tay nối dài đắc lực phối hợp với chính quyền trong việc phổ biến pháp luật đến cộng đồng dân cư - ông Alăng Mai nói.

ĐĂNG NGUYÊN