Sớm gỡ vướng trong biên chế cán bộ công đoàn
Trên địa bàn tỉnh, thực trạng cán bộ công đoàn trong biên chế vừa thiếu, lại không chuyên trách, khiến hoạt động gặp nhiều khó khăn.
Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Quảng Nam hiện có 18 công đoàn (CĐ) cấp huyện, thị xã, thành phố và 5 CĐ ngành với 1.848 công đoàn cơ sở (CĐCS), hơn 136 nghìn đoàn viên (ĐV), được xếp hạng 1 về quy mô CĐCS và số lượng ĐV.
Biên chế được tỉnh giao chỉ còn 74 người (gồm 28 biên chế CĐ cấp tỉnh và 46 biên chế CĐ huyện và tương đương), nên LĐLĐ tỉnh phải hợp đồng thêm 40 cán bộ chuyên môn và 12 cán bộ lao động; 23 CĐ cấp huyện và tương đương, bình quân mỗi đơn vị chỉ có 1,9 biên chế.
Do đó, không có biên chế để bố trí các vị trí kế toán, kiểm tra, tổng hợp, thống kê, nữ công, phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS... Chưa kể các yếu tố đặc thù của tổ chức CĐ, như hệ thống thu, phân phối, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản CĐ...
Năm 2022, bình quân mỗi biên chế cán bộ CĐ chuyên trách của cả nước phụ trách tương ứng với 1.257 ĐV, nhưng tại Quảng Nam mỗi biên chế CĐ phụ trách đến 2.901 ĐV, có đơn vị như thị xã Điện Bàn, TP.Tam Kỳ mỗi biên chế quản lý hơn 4.000 ĐV.
Ông Phan Xuân Quang - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho rằng, để CĐ làm tốt nhiệm vụ thì tổ chức phải đủ mạnh, nhưng hiện nay, số lượng cán bộ CĐ trong biên chế không đồng đều, có nơi chỉ có 1 - 2 người mà phải quản lý hàng chục nghìn ĐV. Số lượng biên chế được giao đã ít, nhưng theo lộ trình tinh giản biên chế giai đoạn từ 2022 - 2026 sẽ tiếp tục giảm từ 74 còn 70 chỉ tiêu.
Ông Trương Đắc Hưng - Chủ tịch LĐLĐ thị xã Điện Bàn cho biết, tại Điện Bàn có 11 cụm công nghiệp với hàng chục nghìn ĐV, người lao động. Kinh phí hoạt động CĐ cấp huyện hàng chục tỷ đồng/năm. Nếu sử dụng cán bộ kế toán kiêm nhiệm, không am hiểu chuyên môn sẽ không đảm bảo quản lý chặt chẽ, sử dụng thiếu hiệu quả nguồn kinh phí CĐ.
Còn ông Nguyễn Đình Hòa - Chủ tịch LĐLĐ TP.Hội An nêu thực tế, cán bộ CĐ cơ sở thường là vị trí từ cấp quản lý, lãnh đạo cơ quan, địa phương khác chuyển sang trước khi về hưu. Điều này không đảm bảo chuyên môn thực hiện vai trò CĐ. Để đảm bảo thực thi nhiệm vụ, cán bộ CĐ cần được đào tạo bài bản, chuyên trách.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng đánh giá, Quảng Nam qua 26 năm tái lập có tốc độ tăng trưởng khá, trong đó công nghiệp thương mại dịch vụ phát triển vượt bậc. Dù có không ít khó khăn, bất cập trong công tác cán bộ, nhưng đội ngũ cán bộ CĐ các cấp đã nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Trong bối cảnh nước ta gia nhập nhiều hiệp định thương mại thế hệ mới và cho phép thành lập tổ chức đại diện của người lao động tại doanh nghiệp cũng như tình hình thực tiễn tại Quảng Nam, Tỉnh ủy đã đề nghị Ban Tổ chức Trung ương quan tâm, tháo gỡ những vướng mắc từ thực tế. Trong đó, đảm bảo đủ biên chế cho CĐ hoạt động hiệu quả, phát huy vai trò tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.
“Mỗi đơn vị CĐ cấp huyện hoặc tương đương cần có ít nhất 4 biên chế gồm 1 cán bộ kiểm tra - giám sát - giải quyết tranh chấp lao động, 1 kế toán và 2 cán bộ quản lý. Đối với LĐLĐ Quảng Nam đã giảm từ 7 ban xuống còn 5 ban sau khi sáp nhập, nên mỗi ban cần có ít nhất 7 biên chế” - đồng chí Lê Văn Dũng đề xuất.