Xu hướng trí thức quay về ruộng vườn
(QNO) - Mơ ước có mảnh vườn nuôi cá, thả gà, trồng rau đang là xu thế của rất nhiều trí thức ở thành thị, ở Tam Kỳ cũng vậy. Và không ít người đã bắt đầu làm nông, tạo ra thực phẩm sạch cho chính gia đình mình dùng và còn mang lại hiệu quả kinh tế.
1. Gần hai năm nay luật sư Đào Duy Khánh (phường Trường Xuân, Tam Kỳ) dành hết tâm huyết với khu vườn rộng gần 500m2 ở vùng ven thành phố. Sau giờ hành chính là ông ra vườn. Từ mảnh đất trống nay đã thành khu vườn khá xanh tốt, phong phú.
Ông Khánh tự nghiên cứu mô hình trồng rau thuỷ canh kết hợp nuôi cá aquaponics. Đây là một hệ sinh thái tuần hoàn khép kín. Các sinh vật có quan hệ cộng sinh lẫn nhau gồm cá, vi sinh và cây trồng. Chúng được kết nối với nhau thông qua các bộ phận tạm gọi là phần cứng gồm hệ thống các thiết bị vật dụng.
Quy trình này diễn ra như sau: Cá trong bể ăn thức ăn thải ra NH3, NO2 hoà tan vào nước -> thùng lọc vi sinh chuyển hoá NH3 -> NO2 -> NO3 là chất mà cây có thể hấp thụ trực tiếp -> cây hấp thụ NO3 để sinh trưởng và phát triển.
Đây là mô hình không mới, song ông Khánh đã mày mò nghiên cứu, năm đầu cũng gặp thất bại nhưng đến nay mô hình đã thành công.
“Từ thực tế là người thân của tôi thường đau ốm, mà mua thực phẩm ở chợ thì không yên tâm nên tôi quyết định tự nuôi cá, nuôi gà, trồng rau để bữa ăn hàng ngày đảm bảo chất lượng, an toàn cho sức khỏe. Ban đầu tôi chỉ trồng rau thủy canh để dùng trong nhà, nhưng nay thấy hiệu quả, có sản phẩm nên tôi đang phát triển mô hình. Nếu ai có nhu cầu thì tôi sẵn sàng hướng dẫn chuyển giao kỹ thuật, mong muốn nhiều người dùng thực phẩm sạch” - ông Khánh cho biết.
Vườn của luật sư Khánh hiện có rất nhiều loại rau bí, bầu, cà chua, rau cải ngọt, cải bẹ và một số loại rau xuất xứ nước ngoài như xà lách friese, cải kale…; hồ cá với khoảng 500 con và một bầy gà hơn 50 con. Ông Khánh không chỉ làm nông mà còn làm cả thợ cơ khí, điện nước… để tự thiết kế nhà giàn, hệ thống tuần hoàn. Hiện nay, ông đang làm mở rộng thêm diện tích nhà kính trồng rau để đáp ứng cho bạn bè có nhu cầu dùng rau sạch.
2. Còn anh Đoàn Quang Khải - chuyên viên Thành ủy Tam Kỳ thì nhà ở ngay trung tâm thành phố Tam Kỳ nhưng anh lại làm căn nhà vườn ở xã Tam Phú “vui thú điền viên”.
Mỗi chiều sau giờ làm việc và thứ Bảy, Chủ nhật, dù nắng hay mưa, anh Khải lại về “căn nhà ngoại ô” để làm nông. Với diện tích 300m2, anh Khải dành hơn 2/3 diện tích để trồng cây ăn quả, rau, hoa và nuôi gà. Thành quả của anh đủ để cung cấp thực phẩm sạch cho cả gia đình, nội, ngoại và bạn bè, đồng nghiệp…
“Tôi ước mơ có ngôi nhà xung quanh là vườn cây hoa trái nên khi có điều kiện là tôi thực hiện ngay, dù phải chạy đi chạy về mỗi ngày từ trung tâm thành phố về đây là gần 10 cây số, nhưng tôi rất thích làm vườn. Ở đây khi làm nông, tôi thấy được thư giãn, yêu đời, lạc quan hơn” - anh Khải chia sẻ.
3. Thực tế, để làm nông, những người như ông Khánh, anh Khải phải thực sự chịu khó, nghiên cứu tài liệu và kiên trì thực hành, ban đầu rất ít người thành công. “Làm nông rất khó đối với tôi, vì chưa bao giờ được học và được làm, nên phải kiên trì” - ông Khánh chia sẻ.
Còn anh Khải cũng cho biết: “Tôi cũng chỉ mới gọi là làm vườn, chứ chưa phải là làm nông, vì làm nông còn phải chịu khó rất nhiều. Tôi chỉ tranh thủ thời gian rảnh để làm thêm việc có ích”.
Xu hướng “trí thức làm nông” đang lan tỏa đến tới nhiều cán bộ, công chức, viên chức ở Tam Kỳ. Điều này xuất phát từ việc muốn được thư giãn cùng thiên nhiên, được lao động một cách hữu ích, vừa để giải phóng những áp lực từ công việc ở văn phòng vừa đem nguồn thực phẩm an toàn cho gia đình và những người xung quanh...