Đội cồng chiêng tóc dài Xê Đăng

PHÚ THIỆN 19/12/2023 15:51

(QNO) - Lâu nay, phần lớn hình ảnh thườn thấy trong các lễ hội là đàn ông đánh cồng, đánh chiêng, phụ nữ nhảy múa những điệu truyền thống phụ họa. Với đồng bào Xê Đăng ở Nam Trà My, phụ nữ cũng có thể chơi cồng chiêng, có khi không thua kém gì nam giới.

 
Chị em tham gia đội cồng chiêng làng Tak Răng. Ảnh: PHÚ THIỆN

Đến thăm những bản làng vùng cao Nam Trà My, nhiều người không khỏi bất ngờ thán phục khi chính phụ nữ Xê Đăng lại có thể chơi cồng chiêng không thua nam giới...

Ở làng Tak Răng (thôn 2, xã Trà Cang), bộ cồng chiêng được nghệ nhân Hồ Văn Thập tinh chỉnh âm thanh, được xếp gọn vào một góc để đợi "đội quân tóc dài" đến nhận và mang đi diễn tại chương trình tổng kết sắp xếp dân cư của làng.

Theo nghệ nhân Hồ Văn Thập, cồng chiêng không đơn thuần là nhạc cụ, mà còn là nét văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của đồng bào Xê Đăng, chính vì vậy mà thứ nhạc cụ này cũng kèm theo những quy tắc riêng, kiêng cử nhất định.

Chẳng hạn cồng chiêng phải được dùng đúng lúc, đúng chỗ, đúng người, thường thì đàn ông sẽ đảm nhận việc đánh cồng chiêng, vì sức mạnh đôi tay họ sẽ tạo nên âm thanh vang vọng, mạnh mẽ. Nhưng đôi lúc vẫn có ngoại lệ, phụ nữ vẫn có thể làm việc này.

Tiết mục cồng chiêng được phụ nữ Xê Đăng thể hiện. Ảnh: PHÚ THIỆN
Tiết mục cồng chiêng được phụ nữ Xê Đăng thể hiện. Ảnh: PHÚ THIỆN

Trong tiết mục khai màn cho chương trình tổng kết, một đội cồng chiêng gồm 7 người, trong đó chỉ có ba người đàn ông đánh chiêng, một trống và 3 chiêng còn lại do các chị em trong làng đảm nhận.

Trước hàng trăm ánh mắc thán phục, họ khom lưng, vặn người, khụy gối - những tư thế đánh cồng chiêng quen thuộc, tay đập liên hồi làm nên những nhịp chiêng trong trẻo, điệu múa ngày mùa lại có dịp rầm rập, âm vang trên nền xanh của rừng núi.

Chị Hồ Thị Tuyết (làng Tak Răng) chia sẻ, hầu hết chị em đều tập đánh cồng chiêng từ nhỏ, tuy nhiên họ chỉ đánh những giai điệu đơn giản, không phức tạp như đàn ông. Các giai điệu ấy lặp đi lặp lại, kéo dài từ 7 đến 10 phút cho mỗi điệu múa. Vì vậy mà mỗi khi có hội làng hay có dịp cần đánh cồng chiêng, chị em thường xung phong biểu diễn.

[VIDEO] - Một tiết mục cồng chiêng do phụ nữ Xê Đăng thể hiện:

Trước thực trạng giới trẻ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao Nam Trà My hiện ít mặn mà đối với phong tục truyền thống của cha ông, thì việc chị em phụ nữ tập luyện, trình diễn cồng chiêng không chỉ là làn gió mới, mà còn thể hiện sự kế thừa, phát huy vốn nghệ thuật hết sức tốt đẹp ấy. Đây cũng là cơ hội để những giai điệu cồng chiêng trường tồn theo năm tháng, làm động lực tinh thần cho cộng đồng các dân tộc ở Nam Trà My.

PHÚ THIỆN