Xã hội

Tiên Phước quyết tâm đột phá bằng kinh tế vườn, trang trại

LÊ DIỄM - HỒ QUÂN 20/12/2023 08:44

(QNO) - Kinh tế vườn, trang trại được xác định là hướng phát triển kinh tế bền vững của Tiên Phước. Nhiều năm qua, triển khai định hướng của địa phương, người dân đã phát huy tiềm năng sẵn có để xây dựng các mô hình kinh tế vườn, trang trại gắn với du lịch sinh thái và xây dựng nông thôn mới.

tit-chinh-ktv-tt2.png

Kinh tế vườn, trang trại được xác định là hướng phát triển kinh tế bền vững của Tiên Phước. Nhiều năm qua, triển khai định hướng của địa phương, người dân đã phát huy tiềm năng sẵn có để xây dựng các mô hình kinh tế vườn, trang trại gắn với du lịch sinh thái và xây dựng nông thôn mới.

Mảnh vườn rộng hơn 1ha là gia sản nhiều đời nay của gia đình ông Ngô Minh Hòa (thôn Trà Lai, xã Tiên Mỹ, Tiên Phước). Là người kế nghiệp của gia đình, ông Hòa gắn bó với mảnh vườn, gìn giữ, phát triển các giống cây bản địa để có thu nhập. Đáng chú ý, ông đang lưu giữ giống gốc măng cụt Tiên Phước và đã phát triển hơn 100 cây, trong đó có khoảng 50% cây cho quả. Sản lượng măng cụt trung bình mỗi năm khoảng 350kg, là một trong những vườn măng cụt có sản lượng cao trên địa bàn xã.

“Măng cụt Tiên Phước là loại trái cây sạch, giàu dinh dưỡng, hiệu quả kinh tế vượt trội. Riêng vườn nhà tôi có nhiều cây đã trồng nhiều đời, có một số mới nhân giống vài năm gần đây. Nhờ thích nghi với thổ nhưỡng, kết hợp trồng và chăm sóc đúng kỹ thuật nên măng cụt phát triển tốt, mang lại kinh tế ổn định cho gia đình” - ông Hòa cho biết.

Những vườn măng cụt Tiên Phước. Ảnh: PV
Những vườn măng cụt Tiên Phước. Ảnh: PV
Diện tích trồng măng cụt trên địa bàn Tiên Phước là 500ha, trong đó có 68ha đang trong thời kỳ thu hoạch. Bình quân mỗi mùa, 1ha măng cụt cho sản lượng khoảng 5 - 10 tấn. Giá bán măng cụt khá cao, dao động từ 90 - 120 nghìn đồng/kg. Đây là một trong loại cây trồng chủ lực của Tiên Phước trong tương lai.

Cùng với kinh nghiệm nhà nông, những chính sách hỗ trợ về cây giống, hệ thống tưới tiêu, tập huấn kỹ thuật do chính quyền các cấp tổ chức đã trở thành sức bậc cho kinh tế vườn Tiên Phước. Tiêu biểu như vườn trái cây rộng hơn 2ha của ông Huỳnh Văn Hiền (thôn 3, xã Tiên Sơn, Tiên Phước) luôn đạt mức doanh thu khoảng 380 triệu đồng.

Chính quyền địa phương hỗ trợ hệ thống nước tưới, kỹ thuật chăm sóc cây cho người dân. Ảnh: PV
Chính quyền địa phương hỗ trợ hệ thống nước tưới, kỹ thuật chăm sóc cây cho người dân. Ảnh: PV

Ông Hiền cho biết, so với nhiều địa phương khác tại Tiên Phước, phần lớn đất vườn tại Tiên Sơn là gò đồi, khó khăn về nước tưới. Nhờ chính sách hỗ trợ nhà nước, ông biết cách trồng, chăm sóc cây ăn quả đúng kỹ thuật, không quá lo việc tưới tiêu mùa nắng. Hiện 70 cây sầu riêng và 100 cây măng cụt mang lại thu nhập ổn định khoảng 300 triệu đồng mỗi năm. Cạnh đó, việc trồng xen canh chuối lùn, tiêu và nuôi cá trong ao, nuôi gà thả vườn mang lại nguồn thu hơn 80 triệu đồng/năm. Với nhà nông, đây thực sự là khoảng thu nhập lý tưởng mà không tốn quá nhiều công chăm sóc.

[VIDEO] - Phát triển kinh tế vườn Tiên Phước:

Không phải ngẫu nhiên, Tiên Cảnh trở thành điểm đến du lịch tiềm năng của Tiên Phước. Nơi đây không chỉ nổi tiếng với Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, Làng cổ Lộc Yên, danh thắng Lò Thung, mà còn có cảnh quê yên bình, những mảnh vườn xanh um hút mắt, nhiều loại cây trái. Điểm đặc biệt của vườn nơi đây là được bao bọc bởi những bờ đá được xếp gọn gàng, những hàng chè tàu xanh ngút, cắt tỉa thẳng tắp.

Làng cổ Lộc Yên. Ảnh: PV
Làng cổ Lộc Yên. Ảnh: PV

Từ năm 2019, khi Làng cổ Lộc Yên được Bộ VH-TT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia, người dân càng có ý thức vun vén, phát triển vườn tược. Khoảng 80 hộ dân đã tham gia phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với phát triển du lịch sinh thái và được huyện hỗ trợ theo Đề án 03.

Đến nơi đây, du khách tận hưởng khung cảnh miền trung du xứ Quảng yên bình, thăm thú nhà cổ, vào vườn hái trái, câu cá, thưởng thức các món ăn được chế biến từ trái cây… Khi ra về, những giỏ trái cây sạch, ngon ngọt là món quà quê níu lòng du khách.

Du lịch làng Lộc Yên. Ảnh: PV
Du lịch làng Lộc Yên. Ảnh: PV

Tại Lộc Yên, mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với du lịch sinh thái của hộ ông Nguyễn Đình Sưu là một trong những điểm đến yêu thích của du khách. Mảnh vườn vỏn vẹn nửa héc ta, song ông Sưu kết hợp trồng các loại cây như bòn bon, sầu riêng, măng cụt, tiêu, cam, thanh trà… rất khoa học. Cạnh đó, ông cũng chỉnh trang sân ngõ, nhà cửa, trồng cây kiểng, đào ao thả cá… làm điểm dừng nghỉ cho du khách. Mỗi năm, doanh thu từ kinh tế vườn gắn với du lịch đạt hơn 100 triệu đồng.

“Trước đây, tới mùa thu hoạch trái cây, gia đình tôi phải toan lo đầu ra, giá cả. Hiện nay, khách thăm vườn đông, thưởng thức và mua trái cây về làm quà. Giá chuẩn nhà vườn nên du khách rất thích” - ông Sưu chia sẻ.

Người làm vườn hưởng lợi từ du lịch. Ảnh: PV
Người làm vườn hưởng lợi từ du lịch. Ảnh: PV

Cũng là một trong hộ dân trong làng cổ, vườn nhà ông Lê Thuận những năm qua trở thành một trong những điểm dừng chân về đêm ưa thích của du khách. Anh Lê Bình Ninh - con trai công Thuận cho biết, nắm bắt định hướng phát triển du lịch, cùng căn nhà cổ ông bà để lại, mảnh vườn trái cây của cha, ông dựng thêm gian nhà cổ 8 cột, xây thêm 6 căn phòng đầy đủ tiện nghi.

Khách nghỉ chân sẽ được gia đình ông Thuận phục vụ cơm quê. Đến mùa trái cây thì khách sẽ cùng chủ nhà ra vườn thu hái, thưởng thức tại chỗ. Gia đình ông Thuận từng bước tiếp cận với cách làm du lịch, phục vụ tốt nhu cầu của du khách, đảm bảo theo định hướng của chính quyền địa phương.

Huyện Tiên Phước đã ban hành Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch Làng văn hóa du lịch làng cổ Lộc Yên - Thạnh Bình giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, với tổng nguồn vốn thực hiện khoảng 312 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030, ngôi làng sẽ trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái làng quê đặc trưng của tỉnh Quảng Nam.

[VIDEO] - Du lịch miệt vườn Tiên Phước:

Thời gian qua, việc triển khai, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án các cấp đang trở thành chìa khóa phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại tại Tiên Phước. Đầu tiên phải kể đến Nghị quyết 35 về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại giai đoạn 2021-2025. Nghị quyết đã khuyến khích, định hướng nông dân Tiên Phước cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Các Nghị quyết, chương trình, đề án thúc đẩy kinh tế vườn, kinh tế trang trại Tiên Phước phát triển. Ảnh: PV
Các nghị quyết, chương trình, đề án thúc đẩy kinh tế vườn, kinh tế trang trại Tiên Phước phát triển. Ảnh: PV
Theo UBND huyện Tiên Phước, trong năm 2023, huyện đã tiếp nhận 560 hồ sơ đăng ký thực hiện, đã thẩm định cho 373 hộ gia đình đủ điều kiện, với tổng kinh phí đầu tư hơn 23,1 tỷ đồng. Đến nay, đã nghiệm thu đối với 246 hộ và giải ngân cho 215 hộ với số tiền hơn 7,8 tỷ đồng.

Thực hiện Chương trình OCOP, toàn huyện đã phát triển 35 sản phẩm OCOP đạt hạng sao cấp tỉnh, trong đó 15 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 20 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Đáng chú ý, có nhiều sản phẩm có nguồn gốc các loại trái cây, sản phẩm từ kinh tế vườn như rượu vang lòn bon, các dòng sản phẩm mít, chuối sấy; các sản phẩm từ mo cau, trầm hương,…

[VIDEO] - Phát triển các sản phẩm OCOP có nguồn từ các loại trái cây, sản phẩm kinh tế vườn:

Đáng chú ý, đề án “Phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với phát triển du lịch sinh thái làng quê, xây dựng huyện Tiên Phước mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025” khi triển khai đã thực sự thay da đổi thịt cho diện mạo xứ Tiên. Hiện toàn huyện có 500 vườn đạt tiêu chí vườn mẫu cấp huyện và vườn đạt tiêu chí xanh - sạch - đẹp hiệu quả; 600 vườn tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị. Giá trị thu nhập từ kinh tế vườn khoảng 156,3 triệu đồng/ha (thống kê năm 2022).

Chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ phát triển kinh tế vườn Tiên Phước. Ảnh: PV
Chính quyền các cấp quan tâm, hỗ trợ phát triển kinh tế vườn Tiên Phước. Ảnh: PV

Ông Trầm Quế Hương - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước nhìn nhận, kinh tế vườn, kinh tế trang trại tại Tiên Phước phát triển đúng hướng, đạt kết quả tích cực là nhờ vào sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân địa phương. Và chính người dân là chủ thể đang hưởng lợi từ các nghị quyết, chương trình, dự án. Cấp ủy, chính quyền trên địa bàn huyện đã xây dựng kế hoạch, tổ chức tốt việc khảo sát, lập dự án, từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển vùng sản suất tập trung tại các xã, liên xã gắn với quy hoạch, bố trí, sắp xếp dân cư, xây dựng nông thôn mới. Mới nhất là việc ban hành thực hiện Đề án quy hoạch xây dựng vùng sản xuất tập trung liên xã Tiên Châu - Tiên Hà giai đoạn 2021-2030.

LÊ DIỄM - HỒ QUÂN