Giải ngân nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia: Đặt quyết tâm cao nhất
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn vừa buổi làm việc với 3 huyện Đông Giang, Nam Giang, Bắc Trà My về giải ngân nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023.
Báo cáo tiến độ phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), gồm cả vốn sự nghiệp, vốn đầu tư tại huyện Đông Giang cho biết đến nay đã thực hiện được 115,9 tỷ đồng/341,8 tỷ đồng kế hoạch vốn (tỷ lệ 33,93%); huyện Nam Giang giải ngân hơn 191 tỷ đồng/390 tỷ đồng (48,9%); huyện Bắc Trà My thực hiện được 153,1 tỷ đồng/447,4 tỷ đồng (34,2%).
Theo các địa phương, lý do chậm giải ngân do vướng nhiều cơ chế chính sách, phân bổ vốn trễ, thiếu nhân lực thẩm định dự án, quy trình đấu thầu lâu nên khi thực hiện dự án vào mùa mưa tiến độ chậm...
Ông Đinh Văn Bảo - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang thông tin, ngoài những khó khăn chung, thì năng lực, nhân lực miền núi hạn chế cũng ảnh hưởng nhiều đến thực hiện các dự án.
Khi thực hiện dự án còn vướng đất rừng, nhiều dự án không phù hợp với khả năng bố trí vốn đối ứng của địa phương... dẫn đến phải thay đổi thiết kế dự toán, tổng mức đầu tư. Ngoài ra còn có một số tiểu dự án không có đối tượng thụ hưởng nên không thực hiện được.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu các địa phương phải có cam kết gửi về Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình MTQG cấp tỉnh trong ngày 20/12/2023 về tiến độ, trách nhiệm thực hiện giải ngân nguồn vốn các chương trình MTQG.
“Tại cuộc họp với Chính phủ, tỉnh đã cam kết đến cuối năm 2023 phải giải ngân đạt 80% kế hoạch vốn và đến tháng 6/2024 giải ngân 100%. Muốn làm được điều này thì các huyện phải đặt quyết tâm cao nhất, cùng với tỉnh thực hiện giải ngân nguồn vốn.
Về phía huyện, các phòng, ban phải cam kết với Ban chỉ đạo cấp huyện, bám sát từng dự án, tiểu dự án để đôn đốc. Các huyện chia thành 3 nhóm đầu tư các nguồn vốn để bám sát, gồm nhóm đang hoàn thiện thủ tục đầu tư, nhóm xong thủ tục đang trong giai đoạn tổ chức lựa chọn nhà thầu, đã lựa chọn nhà thầu và hoàn thiện thì giải ngân nhanh khi đã đủ điều kiện” - ông Tuấn yêu cầu.
Đối với dự án không thực hiện được (do không còn đối tượng thụ hưởng, không có khả năng giải ngân vốn, không có mặt bằng thi công dự án...), ông Tuấn đề nghị chuyển mục tiêu đầu tư trong từng chương trình, không vượt tổng mức dự toán đã được phê duyệt.
Đồng thời các đia phương cũng phải lên kế hoạch vốn năm 2024; khẩn trương hoàn thành dứt điểm thủ tục đầu tư trong tháng 3/2024 và tổ chức triển khai thi công, phấn đấu đến tháng 12/2024 giải ngân đạt 100%.
Các chủ đầu tư cần tăng cường trách nhiệm trong quản lý điều hành, xây dựng kế hoạch tiến độ cụ thể cho từng dự án (từ thi công, giải ngân vốn đến công tác quyết toán vốn đầu tư) để theo dõi, quản lý một cách chặt chẽ, kịp thời theo đúng quy trình quy định của nhà nước; phấn đấu hoàn thành các nội dung công việc và chịu trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện các chương trình.