Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đối thoại với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số
(QNO) - Sáng nay 21/12, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường chủ trì hội nghị Bí thư Tỉnh ủy đối thoại với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023. Cùng tham gia có Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Huỳnh Thị Thùy Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường bày tỏ vui mừng được gặp mặt, đối thoại với các già làng, người có uy tín vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Đồng thời cho biết, đây là dịp để lắng nghe, trao đổi, giải đáp những tâm tư, tình cảm, các kiến nghị, đề xuất, những vấn đề bức xúc, nổi cộm phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách trong thực tiễn.
Qua đó, nhằm hiểu sâu sát hơn tình hình thực tế, nhất là những khó khăn, vướng mắc mà các địa phương, đồng bào DTTS đang gặp phải; để xem xét, kịp thời chỉ đạo giải quyết hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc, bức xúc về cơ chế, chính sách, các kiến nghị, đề xuất chính đáng của đồng bào.
Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cũng cho biết, hội nghị là dịp để lãnh đạo tỉnh gặp gỡ và kịp thời động viên, chia sẻ, khích lệ tinh thần, khơi dậy tình cảm, trách nhiệm, tâm huyết và hành động quyết liệt của đội ngũ người có uy tín trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhất là thực hiện các chính sách ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần tiếp tục phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh...
Theo đồng chí Phan Việt Cường, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng bào các DTTS đã phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.
Từ chỗ là vùng nông thôn, miền núi nghèo nàn, lạc hậu, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn rất nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức cao; đến nay, diện mạo khu vực miền núi đã có những đổi thay tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện và từng bước được nâng lên; các chương trình y tế, dân số, giáo dục được triển khai thực hiện đồng bộ; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững và ổn định.Tính đến cuối năm 2022, tổng thu ngân sách nhà nước của 9 huyện miền núi tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2021 và vượt 60% kế hoạch, thu nhập bình quân đầu người đạt 22,65 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 26,74%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 46%, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%, tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 75,4%. Ngoài ra, có 97% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa, tỷ lệ che phủ rừng đạt 66,84%...
Các dự án quan trọng được quan tâm đầu tư, phù hợp với điều kiện miền núi, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động địa phương, như nhà máy chế biến dược liệu Trà My, nhà máy chế biến hương tinh dầu sả Tây Giang, Dự án Cổng trời Đông Giang, dự án chăn nuôi bò, heo, dự án sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp, trồng rừng, nhà máy chế biến gỗ, dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng…
Biểu dương những đóng góp tích cực của người có uy tín đối với sự nghiệp phát triển miền núi thời gian qua, đồng chí Phan Việt Cường đề nghị bên cạnh phát huy kết quả đạt được, các già làng và người có uy tín cần tích cực đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, vận động nhân dân tham gia phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị tại địa phương.
Tại hội nghị, nhiều già làng đề nghị, bên cạnh quan tâm hơn nữa đến đời sống của đồng bào miền núi, tỉnh cần kiến nghị Trung ương nâng mức đầu tư hỗ trợ các chính sách phát triển kinh tế, ổn định tái định cư, cũng như đào tạo nâng cao chất lượng dân trí vùng đồng bào DTTS...