"Con nuôi đồn biên phòng"
Với người dân vùng biên giới, biển đảo của tỉnh, hình ảnh những đứa trẻ lớn lên trong các đồn biên phòng đã không còn xa lạ. Được bộ đội cưu mang, đùm bọc, nhiều “con nuôi” đã vượt qua hoàn cảnh đặc biệt, nuôi dưỡng ước mơ và trưởng thành...
Năm giờ sáng, tại sân Đồn Biên phòng A Xan (Tây Giang), cán bộ, chiến sĩ bước vào bài tập thể dục vận động. Trên sân, ngoài lính biên phòng còn có hai cậu bé người Cơ Tu cũng vận động theo động tác của các chú bộ đội…
Đó là hoạt động bắt đầu ngày mới của hai cậu bé “Con nuôi đồn biên phòng”: Cơlâu Ân (15 tuổi, học lớp 9) và Hốil Đức Hữu (12 tuổi, học lớp 6) Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi.
Thực hiện mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, các đơn vị, đồn biên phòng nhận nuôi các em đến khi học xong lớp 9. Từ lớp 10 đến hết lớp 12, đơn vị sẽ thực hiện theo chương trình “Nâng bước em đến trường”. Từ năm 2016, BĐBP tỉnh đã triển khai Chương trình “Nâng bước em đến trường” và đến nay đã nhận đỡ đầu 226 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có 6 học sinh nước bạn Lào. Ngoài tiền hỗ trợ hàng tháng, trong các dịp lễ tết, hay đầu năm học mới các đơn vị đều đến thăm, tặng quà, sách vở, dụng cụ học tập… để động viên các em.
Hốil Đức Hữu được đón về đơn vị từ tháng 9/2019, còn Cơlâu Ân được đón về từ tháng 9/2020. Hoàn cảnh hai cậu bé rất đáng thương. Cha mẹ Ân mất khi em đang học lớp 1, Ân ở với bà nội già yếu đã hơn 70 tuổi.
Còn cha của Hốil Đức Hữu (ở thôn K’noonh, xã A Xan) phải chạy thận nhiều năm nay. Cái ăn, cái mặc cho cả gia đình chỉ trông vào người mẹ cũng hay đau ốm nên kinh tế gia đình hết sức khó khăn.
Về sống cùng bộ đội Đồn Biên phòng A Xan, Ân và Hữu được bố trí một phòng riêng, có góc học tập, cấp đầy đủ đồ dùng và phương tiện sinh hoạt cần thiết. Hai em đã bắt nhịp với cuộc sống ở “ngôi nhà mới” khi luôn được những “bố nuôi” mang quân hàm xanh yêu thương, chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ. Không chỉ quản lý, kèm cặp, hướng dẫn học tập, các “bố nuôi” biên phòng còn đưa đón các em đến trường...
Tại vùng biên biển đảo của tỉnh, nhiều con nuôi cũng đang được che chở dưới mái nhà biên phòng. Cách đây 6 năm, sau vụ tai nạn giao thông, chị Phạm Thị Lý (trú thôn Vinh Phú, xã Bình Trung, huyện Thăng Bình) bị chấn thương sọ não, di chứng liệt nửa người.
Điểm tựa duy nhất của ba mẹ con chị là người chồng tần tảo, nhưng đã ra đi vài tháng trước cũng sau một vụ tai nạn giao thông, bi kịch dồn dập khiến gia đình nhỏ kiệt quệ. Và đôi tay dang rộng của cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Bình Minh (Thăng Bình), như ánh sáng cuối đường hầm cho mẹ con người phụ nữ bất hạnh này.
Đầu năm học 2023 - 2024, Đồn Biên phòng Bình Minh nhận nuôi hai chị em Phạm Gia Hân (lớp 6, Trường THCS Phan Châu Trinh, xã Bình An) và Phạm Gia Bảo (lớp 3, Trường Tiểu học Lê Lai, xã Bình Trung).
Cơ Lâu Ân, Hốih Đức Hữu và chị em Gia Hân, Gia Bảo chỉ là 4 trong số hàng chục em đang được cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Nam nuôi dưỡng, chăm sóc, hỗ trợ tạo điều kiện đến trường.
Không chỉ cơm no, áo ấm đến trường, các em còn được dạy kỹ năng sống, nuôi dưỡng tâm hồn và ấp ủ ước mơ cho riêng mình, như lời tâm sự của Cơlâu Ân: “Nếu không có các cha nuôi ở Đồn Biên phòng A Xan, cháu sẽ không có những bữa cơm no, áo, giày ấm để tới trường. Các cha nuôi còn dạy anh em cháu kỹ năng sống, biết tự chăm sóc bản thân. Học hết cấp 3, cháu sẽ đăng ký đi bộ đội. Cháu cũng muốn có thể giúp đỡ người khác như các cha nuôi vẫn đang làm”.
Đại tá Hoàng Văn Mẫn - Chính ủy BĐBP tỉnh Quảng Nam cho biết, thực hiện mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động từ tháng 7/2019, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị rà soát trường hợp trong diện hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để hỗ trợ. Đến nay các đơn vị trong BĐBP tỉnh đã hỗ trợ 21 em. Nguồn kinh phí được huy động từ xã hội hóa và đóng góp của cán bộ, chiến sĩ.
“Tính đến thời điểm hiện tại, trong số những học sinh được BĐBP tỉnh Quảng Nam nhận đỡ đầu theo mô hình “Con nuôi đồn biên phòng”, có 9 em thi đỗ vào các trường đại học; 1 em đoạt giải khuyến khích trong kỳ thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp tỉnh và nhiều em đạt danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến...” - Đại tá Hoàng Văn Mẫn chia sẻ.
Bằng sự cảm thông, thấu hiểu và sẻ chia, những “cha nuôi biên phòng” đã tiếp thêm nghị lực để các em vươn lên thực hiện ước mơ, hoài bão. Rồi đây, sẽ có nhiều hơn những đứa trẻ trưởng thành trong môi trường quân ngũ, vững chãi bước vào đời với hành trang là tình yêu thương và khí chất của người lính mang quân hàm xanh.