Dấu ấn trên hành trình dân vận
Không chỉ là hoạt động tuyên truyền, hành trình dân vận của các lực lượng quân đội luôn được thể hiện bằng hành động và việc làm cụ thể, mang ý nghĩa thiết thực cho cộng đồng.
Giúp dân thoát nghèo
Dưới chân núi Ngọc Linh, những trở ngại cuộc sống luôn hiện hữu với đồng bào Ca Dong, Xê Đăng, nhất là sau các đợt lở đất xảy ra thời gian qua. Không chỉ cách trở về giao thông, nhiều nóc làng người Ca Dong thiếu thốn cả nguồn vốn lẫn tư duy phát triển sinh kế mới, khiến người dân chưa thể thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn đói nghèo.
Cuối năm 2020, từ chủ trương chung của địa phương, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện Nam Trà My bắt tay triển khai hoạt động hỗ trợ, đồng hành với người dân thoát nghèo.
Trung tá Trần Văn Tám - Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm chính trị Ban CHQS huyện Nam Trà My cho biết, ban đầu là công tác rà soát, tìm hiểu nhu cầu thực tiễn của các hộ dân, sau đó triển khai hoạt động giúp dân theo nhiệm vụ được phân công trong kế hoạch.
“Chúng tôi chọn sinh kế như một điểm khởi đầu cho hành trình giúp dân. Ngoài tư vấn hỗ trợ vốn vay, cán bộ chiến sĩ đơn vị còn trực tiếp giúp đỡ hộ khó khăn về cây con giống, ngày công làm nhà, phát rẫy, trồng cây dược liệu..., tạo hiệu ứng cho phát triển kinh tế hiệu quả theo hướng trang trại gắn với chăn nuôi và dược liệu.
Sau 3 năm triển khai, chúng tôi đã đồng hành, hỗ trợ 64 hộ nghèo, với số tiền gần 900 triệu đồng; qua rà soát hiện nay có 21 hộ đã thoát nghèo, tiếp tục quay vòng phát triển kinh tế” - Trung tá Trần Văn Tám chia sẻ.
Với hàng trăm ngày công được thực hiện mỗi năm, cán bộ chiến sĩ Ban CHQS huyện Nam Trà My góp sức giúp 5 - 8 hộ thoát nghèo bền vững. Nhiều hộ trở thành điển hình của địa phương trong chuyển đổi phương thức làm ăn hiệu quả, tiếp tục hỗ trợ các hộ khó khăn khác cùng thoát nghèo.
Điển hình như hộ ông Hồ Văn Diệu (ở thôn 1, xã Trà Vân), từ một hộ đặc biệt khó khăn, sau thời gian chuyển hướng phát triển mô hình chăn nuôi kết hợp trồng dược liệu xen canh cây sắn, đã thoát nghèo nhanh chóng. Hơn 3.000 cây quế, cùng vườn sắn rộng hơn 2ha và hàng chục con heo, dê, gà giúp hộ ông Diệu nâng cao thu nhập.
“Ông Diệu chỉ là một trong số các hộ dân điển hình của Nam Trà My được chúng tôi hỗ trợ và giúp đỡ thoát nghèo. Ngoài hỗ trợ của cán bộ chiến sĩ, chính nghị lực của họ đã tạo nên thành công bước đầu cho hành trình vươn lên thay đổi cuộc sống.
Phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai các phần việc đã và đang cho hiệu quả; đồng thời nghiên cứu chuyển đổi linh hoạt một số mô hình mới để càng ngày có thêm nhiều hộ dân tiếp cận cách làm, cùng thay đổi số phận của chính mình” - Trung tá Trần Văn Tám nói.
Đồng hành với cuộc sống mới
Sự hỗ trợ kịp thời của cán bộ chiến sĩ các lực lượng vũ trang tỉnh như động lực tiếp thêm niềm tin cho người dân thay đổi cách nghĩ, cách làm trong lao động sản xuất, mở ra cơ hội phát triển. Minh chứng cho sự đồng hành này, chỉ riêng năm 2023, đã có hơn 16.600 ngày công được cán bộ chiến sĩ triển khai, thực hiện theo kế hoạch huấn luyện kết hợp hành quân dã ngoại làm công tác dân vận trên địa bàn, đặc biệt là khu vực biên giới, hải đảo.
Thượng tá Hồ Huy Hùng - Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh cho hay, thời gian qua, công tác dân vận trong quân đội được triển khai rộng khắp, tạo chuyển biến tích cực trong hành trình giúp dân xây dựng đời sống mới, vươn lên thoát nghèo.
Nhiều mô hình thiết thực được duy trì triển khai, không chỉ giúp nâng cao nhận thức trong cán bộ chiến sĩ, mà còn thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội, hướng đến “không bỏ ai ở lại phía sau”. Tiêu biểu như mô hình “Hũ gạo vì người nghèo”, chủ trương “Giảm hộ nghèo bền vững”… giúp đỡ các hộ dân khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Nhiều năm qua, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng triển khai rất nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa hỗ trợ cộng đồng. Đã có hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa, cùng các mô hình phát triển kinh tế… cho thấy, quá trình triển khai nhiệm vụ, hướng về cộng đồng khó khăn đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Mới đây nhất, từ sự kết nối nguồn lực với các nhà hảo tâm, Đồn Biên phòng Ga Ry (Tây Giang) tổ chức bàn giao điểm trường thôn Pứt (thuộc Trường Phổ thông dân tộc bán trú xã Ga Ry), với kinh phí xây dựng hơn 621 triệu đồng, đảm bảo việc học tập cho khoảng 60 học sinh địa phương.
Ngoài ra, Bộ BĐBP tỉnh phối hợp với Cộng đồng MMO Việt Nam bàn giao công trình nhà ở bán trú cho học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS liên xã Đắc Pring - Đắc Pre (Nam Giang), kinh phí hơn 550 triệu đồng...
Từ đồng bằng ngược lên miền núi, nơi nào lực lượng quân đội có mặt cũng đều ăm ắp câu chuyện giúp dân, tạo điểm tựa bền vững quân - dân một lòng.